Doanh nhân, đạo làm giàu và văn hóa

Đại tá, Nhà thơ Mai Nam Thắng - 10/02/2024 16:21 (GMT+7)

(VNF) - Cuối năm 2023 vừa qua, có một sự kiện văn hóa được dư luận đặc biệt chú ý: Ông Nguyễn Thế Hồng, một doanh nhân ở tỉnh Bắc Ninh, với sự hỗ trợ các thủ tục pháp lý của Chính phủ và các ngành chức năng, đã “chuộc” thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo của nhà Nguyễn từ nước ngoài về cho Bảo tàng tư nhân của ông ở quê nhà.

VNF
Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Thế Hồng sinh năm 1961, là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản nhiều năm nay. Ngoài hoạt động kinh doanh, ông còn đam mê sưu tập cổ vật, nhất là những cổ vật gắn với văn hóa và lịch sử dân tộc.

Năm 2017, ông được UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định cho xây dựng Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ ngày thành lập đến nay, bảo tàng của ông đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập có giá trị trong và ngoài nước, nhằm phục vụ nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và thế giới, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của nhân dân.

Hiện bảo tàng này đang sở hữu và lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử; trong đó có chiếc thạp đồng Đông Sơn có niên đại hơn 2.300 năm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 25/2/2023. Và lần này là ấn vàng Hoàng đế chi bảo được ông Hồng “chuộc” với giá hơn 6,1 triệu EUR, tương đương 153 tỷ đồng.

Ngoài hai bảo vật trên, tất cả những cổ vật của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nếu đấu giá đều có mức giá rất cao và xét về ý nghĩa lịch sử và văn hóa thì đều là những hiện vật vô giá. Vì thế, ông Nguyễn Thế Hồng được tôn vinh một Doanh nhân văn hóa với những ý nghĩa cao đẹp nhất của danh xưng này.

Xưa nay có rất nhiều “ông chủ” giàu có, thành đạt trong sản xuất và kinh doanh, nhưng được xã hội tôn vinh là Doanh nhân văn hóa thì không nhiều. Họ thật sự là tầng lớp tinh hoa, là những người giàu sang. “Giàu” là vật chất, “sang” là tinh thần. Vật chất dồi dào phải đi cùng tinh thần cao đẹp thì giàu mới có ý nghĩa. Đã giàu thì phải sang mới là doanh nhân đáng kính. Trong xã hội văn minh, khái niệm “doanh nhân” không chỉ là danh từ để chỉ những người làm nghề sản xuất và kinh doanh, mà còn là tính từ để chỉ một nhân cách văn hóa. “Nhà buôn” khác với “con buôn” ở chỗ là trong tài sản hữu hình và vô hình của họ, có giá trị văn hóa ấy.

Ngày nay ai cũng phải thừa nhận: Kinh doanh phải có văn hóa thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Nói cách khác, văn hóa là cái gốc của hoạt động sản xuất và kinh doanh, cũng tức là yếu tố thành bại của mỗi doanh nghiệp và mỗi doanh nhân. Doanh nhân giàu sang là người có văn hóa. Doanh nhân có văn hóa là người có đạo làm giàu. “Đạo làm giàu” đòi hỏi làm ăn phải có lý có tình, coi trọng chữ tín, tôn trọng khách hàng, có trách nhiệm với cộng đồng và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Đặc biệt ngày nay, đạo làm giàu còn bao hàm ý thức tự hào và tự tôn dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc là một truyền thống lâu đời của nhân dân Việt Nam. Doanh nhân văn hóa là tầng lớp tinh hoa của dân tộc, nên tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của họ được nhân lên một tầng nấc cao hơn.

Thế hệ doanh nhân Việt Nam ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ 20 đều chung một số phận làm dân mất nước, chung kẻ thù thực dân xâm lược và chế độ phong kiến hủ bại. Chính vì vậy, trong các cuộc vận động cách mạng đầu thế kỷ 20 và đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo, tầng lớp doanh nhân chân chính của Việt Nam luôn luôn sát cánh cùng các tầng lớp khác trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Còn nhớ vào đầu thế kỷ 20, ở nước ta có phong trào Duy Tân. Đó là một cuộc vận động xã hội rộng lớn, do các nhà tư tưởng và doanh nhân dân tộc đề xướng, với hai mục tiêu lớn là canh tân đất nước và giành độc lập dân tộc. Khẩu hiệu của phong trào này là Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Để thực hiện những điều đó, các nhà Duy Tân chủ trương lấy kinh doanh thực nghiệp là hoạt động cơ bản.

Theo đó, những doanh nghiệp đầu tiên của nền kinh tế hàng hóa Việt Nam đã được thành lập trong cả nước, gắn liền với nhiều tên tuổi thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam với triết lý kinh doanh cũng như những thành quả để lại tiếng thơm muôn đời, như Phan Đức Duyện, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Quý Anh…

Một tài liệu lịch sử mới đây cho biết: Ông Hồ Tá Bang, một trong những người sáng lập trường Dục Thanh ở Phan Thiết, mùa thu năm 1910 đã cùng một đồng chí của mình là Trương Gia Mô đưa thầy giáo trẻ của trường là Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn trú ngụ tại xưởng sản xuất của ông Nguyễn Quý Anh. Từ đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuất dương bôn ba tìm đường cứu nước, trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hết sức đề cao và tin cậy đội ngũ doanh nhân chân chính của dân tộc. Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, từ núi rừng Việt Bắc về Hà Nội, Người đã đến ở tại gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, là người giàu có bậc nhất Hà Nội lúc đó, để soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và chỉ đạo công tác chuẩn bị cho lễ Quốc khánh, khai sinh nước Việt Nam mới.

Đêm 19/2/1947, từ chiến khu Việt Bắc về thăm và làm việc với tỉnh Thanh Hóa, Người đã nghỉ tại tư gia của điền chủ Đỗ Đình Thiện, là một nhà tư sản dân tộc ở Chi Nê, tỉnh Hòa Bình, để hôm sau tiếp tục hành trình… Trong điều kiện an ninh chính trị và trật tự xã hội vào những thời điểm ấy, việc lựa chọn những gia đình giàu có nổi tiếng để nghỉ ngơi và làm việc, chứng tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao của Bác Hồ đối với tầng lớp doanh nhân yêu nước. Lịch sử đã chứng minh đó là một niềm tin có cơ sở vững chắc, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tầng lớp doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngày nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam được coi là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế. Đảng và Nhà nước ta đã chọn ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Trước đây doanh nhân không được đề cao, thậm chí đôi khi còn bị xem thường, một phần cũng vì có không ít người làm ăn chụp giật, cân đong thêm bớt, đầu cơ bắt bí, mua gian bán lận, găm hàng ép giá, lừa đảo, “đánh quả”…

Đó là lối kinh doanh phi văn hóa. Thực tế cũng có nhiều người làm ăn tử tế, nhưng “tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”. Đó là những trọc phú keo kiệt, không dám chi tiêu khi giao tiếp với mọi người, không giúp đỡ những người hoạn nạn, không tham gia đóng góp phúc lợi xã hội…

Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành một lực lượng quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước. Phẩm chất văn hóa của các doanh nghiệp và doanh nhân còn được thể hiện thông qua chất lượng của cuộc sống cộng đồng mà các doanh nghiệp và doanh nhân mang lại.

Sự phát triển của các doanh nghiệp tạo động lực cho khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, nâng cao năng suất lao động, tạo nên sản phẩm dồi dào, tiện ích, hiệu quả cho con người. Đáp ứng nhu cầu của xã hội, các doanh nghiệp và doanh nhân luôn luôn tìm mọi cách để sản phẩm và dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn. Như vậy, trong quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp và doanh nhân đã góp phần quyết định và cải tiến tiêu chuẩn và chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền Kinh tế tri thức. Đó là một nền kinh tế thị trường mà trong đó vai trò của đội ngũ trí thức, trước hết là trí thức công nghệ và văn hóa, đóng vai trò quyết định. Theo đó, để có thể đứng vững và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường và khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, ngoài những hiểu biết về nghiệp vụ sản xuất và kinh doanh, các doanh nhân cũng rất cần phải có hiểu biết về công nghệ để quản lý, điều hành và ứng dụng.

Không ai hiệu quả hơn đội ngũ trí thức khi hỗ trợ cho các doanh nhân trang bị cho mình những phẩm chất cần thiết trên đây. Và ngược lại, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và doanh nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài ở từng lĩnh vực, từng đơn vị và địa phương là hết sức thiết thực và hiệu quả. Cao hơn nữa, các doanh nhân phải tham gia vào chiến lược đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài; mỗi doanh nghiệp phải là một địa chỉ thu hút nguồn nhân lực và sản phẩm công nghệ của các trường đại học và viện nghiên cứu.

Ngày nay, nhiều doanh nhân Việt Nam đã có ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới, là những tỷ phú đã được quốc tế “điểm danh”. Đó là niềm tự hào của dân tộc ta. Giờ đây, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam, ngoài vai trò xung kích trên mặt trận kinh tế, còn có trách nhiệm và nghĩa vụ truyền cảm hứng cho xã hội - nhất là cho thế hệ trẻ - khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu, khát vọng khởi nghiệp… Đó chính là thiết thực góp phần “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu.

“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một Khát Vọng Lớn của dân tộc, chất chứa tinh thần lãng mạn và niềm lạc quan lớn lao. Khát vọng ấy có cơ sở từ thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua, đặc biệt là từ những thành tựu to lớn của gần 40 năm tiến hành sự nghiệp Đổi mới. Sự nghiệp ấy có sự đồng tâm hợp lực hết sức quan trọng và hiệu quả của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam. Hơn lúc nào hết, giờ đây đội ngũ Doanh nhân giàu sang và trách nhiệm lại tiên phong đồng hành cùng sự nghiệp phát triển và hội nhập toàn cầu, để đất nước đi tới thịnh vượng bền vững trong thời kỳ mới.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Ba mỏ cát nghìn tỷ của Hà Nội: DN trúng đấu giá không đáp ứng điều kiện vốn

Ba mỏ cát nghìn tỷ của Hà Nội: DN trúng đấu giá không đáp ứng điều kiện vốn

(VNF) - Theo UBND thành phố Hà Nội, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị trúng đấu giá nhỏ hơn 30% giá trúng đấu giá nên sẽ nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản mà đơn vị phải lập sau khi trúng đấu giá.

Bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

(VNF) - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với ông Mai Tiến Dũng - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ 'Hậu Pháo': Đã bắt 23 bị can, tiếp tục điều tra mở rộng

Vụ 'Hậu Pháo': Đã bắt 23 bị can, tiếp tục điều tra mở rộng

(VNF) - Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn do Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) làm Chủ tịch HĐQT, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can, tăng 6 bị can so với tháng trước.

Bắt Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái

Bắt Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái

(VNF) - Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến vụ Thuận An.

CEO Group: Quý I lãi 35 tỷ, tăng 43%

CEO Group: Quý I lãi 35 tỷ, tăng 43%

(VNF) - Năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, HNX: CEO) tiếp tục đưa dự án CEOHOMES Hana Garden (Mê Linh, Hà Nội) vào kế hoạch kinh doanh.

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị bắt

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị bắt

(VNF) - Thông tin này được trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/5.

Trở thành đầu tàu kinh tế số, dân vùng Đông Nam bộ có thu nhập bình quân 16.000 USD/năm

Trở thành đầu tàu kinh tế số, dân vùng Đông Nam bộ có thu nhập bình quân 16.000 USD/năm

(VNF) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

(VNF) - Bộ Chính trị thí điểm quy định cho phép người đứng đầu giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm làm cấp phó.

'Nhiều DN công nghệ toàn cầu muốn đầu tư chíp, bán dẫn tại Việt Nam'

'Nhiều DN công nghệ toàn cầu muốn đầu tư chíp, bán dẫn tại Việt Nam'

(VNF) - Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4/5.

30/6/2025: Nối trục cao tốc từ Hà Nội đến TP.HCM

30/6/2025: Nối trục cao tốc từ Hà Nội đến TP.HCM

(VNF) - Nhấn mạnh nhiều dự án cao tốc có khả năng hoàn thành trước từ 3-6 tháng so với kế hoạch, Thủ tướng cho biết dự kiến tới 30/6/2025 có thể nối trục đường bộ cao tốc từ Hà Nội tới TP. HCM.

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

(VNF) - Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 11.808 tỷ đồng sau hơn 1 năm thi công đã đạt 50% giá trị hợp đồng. Hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trước 6 tháng.