CEO Group: Quý I lãi 35 tỷ, tăng 43%
(VNF) - Năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, HNX: CEO) tiếp tục đưa dự án CEOHOMES Hana Garden (Mê Linh, Hà Nội) vào kế hoạch kinh doanh.
Doanh thu giảm, lợi nhuận tăng
CEO Group vừa ra báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024. Theo báo cáo, doanh thu thuần quý I đạt 289 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc mảng kinh doanh bất động sản suy giảm khá mạnh, giảm 60%, chỉ đạt doanh thu 96 tỷ đồng.
Với doanh thu giảm, lợi nhuận gộp cũng giảm 14%, đạt 90 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 31,2%.
Tuy nhiên, nhờ có doanh thu tài chính 27 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ, cùng với việc tiết giảm đáng kể các loại chi phí (chi phí tài chính 8 tỷ đồng, giảm 64%; chi phí bán hàng 15 tỷ đồng, giảm 55%), CEO Group vẫn có lãi trước thuế 58 tỷ đồng, tăng 53% và lãi sau thuế 35 tỷ đồng, tăng 43%.
Năm 2024, CEO đặt mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, dự kiến tỷ lệ cổ tức 5-10%. Như vậy, kết quý I/2024, công ty mới chỉ hoàn thành 13,7% mục tiêu doanh thu và 23,3% mục tiêu lợi nhuận.
3 dự án trọng điểm cho kế hoạch kinh doanh 2024
Theo CEO Group, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024, CEO Group sẽ tập trung phát triển các dự án trọng điểm là Sonasea Vân Đồn Harbor City (Quảng Ninh), CEOHOMES Hana Garden (Hà Nội) và CEOHOMES Sonasea Residences (Kiên Giang).
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên CEO Group đưa 3 dự án này ra để làm cơ sở cho kế hoạch kinh doanh năm. Chỉ có điều, qua mỗi năm, các dự án này dường như không mang lại nguồn thu cho công ty như dự định.
Như với CEOHOMES Sonasea Residences (Kiên Giang), CEO Group từng dự kiến khởi công dự án này vào quý IV/2022 và kỳ vọng dự án này có thể đóng góp 25% doanh thu trong năm đó. Nhưng cho tới năm 2023, dự án này vẫn chưa đóng góp được cho doanh thu của CEO Group. Bằng chứng là báo cáo kiểm toán 2023 của CEO Group ghi nhận khoản phải thu 612 tỷ đồng ở dự án này, là tiền đền bù giải tỏa mặt bằng, cho thấy dự án vẫn đang trong trạng thái chưa thể sẵn sàng thi công.
Hay với dự án CEOHOMES Hana Garden (Hà Nội), dự án này đã có lịch sử tới 16 năm và sau 16 năm, dự án vẫn chỉ là một công trường ngổn ngang những hạng mục thi công dang dở, cỏ mọc đầy. Chính lãnh đạo CEO Group cũng thừa nhận tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 rằng dự án này đang có khó khăn về pháp lý và công ty cũng chỉ dám hi vọng rằng cho tới cuối quý II – đầu quý III năm nay, tình trạng pháp lý của dự án “sẽ có tín hiệu tốt”.
Trông mong của CEO Group có lẽ chỉ còn ở Sonasea Vân Đồn Harbor City (Quảng Ninh) cũng như các hoạt động phụ trợ khác. Song nếu chỉ như vậy, mục tiêu 2.100 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lãi sau thuế vẫn là rất thách thức.
Nợ xấu gia tăng
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của CEO Group ghi nhận 9.059 tỷ đồng, giảm 3,8% so với đầu năm. Chất lượng tài sản tương đối lành mạnh với hàng tồn kho chiếm 15,9% tài sản (đạt 1.442 tỷ đồng, tăng 13%), chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn chiếm 17,5% tài sản ((đạt 1.589 tỷ đồng, tăng 3%) và các khoản phải thu chiếm 16,3% tài sản (đạt (1.485 tỷ đồng, giảm 3%).
Tuy nhiên, tín hiệu không tốt là dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã tăng 23% trong quý I/2024, lên 79 tỷ đồng, phản ánh các khoản nợ xấu đang tăng lên.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc quý I/2024 đạt 2.781 tỷ đồng, giảm 12,5% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chỉ 574 tỷ đồng, giảm 30%. Với vốn chủ sở hữu của CEO Group khá dày dặn, đạt 6.277 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 0,44 lần.
Được biết, CEO Group năm qua đã chào bán 257,3 triệu cổ phiếu, thu về hơn 2.573 tỷ đồng. Kế hoạch của CEO Group là dành 800 tỷ đồng cho việc đầu tư dự án khu biêt thự cao cấp Sonasea Residences (2023 – 2024); 1.000 tỷ đồng để tăng vốn cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (2023 – 2024); 200 tỷ đồng để tăng vốn cho Công ty TNHH C.E.O Quốc tế (2023 – 2024); 200 tỷ đồng để tăng vốn cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nha Trang (2023- 2024); 105 tỷ đồng để tăng vốn cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Quốc (2023 – 2024); 51 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Xây dựng CEO (2023 – 2024); bổ sung vốn lưu động 217 tỷ đồng.
Ghi nhận tới 26/3/2024, CEO Group đã sử dụng 235/800 tỷ đồng cho Sonasea Residences; 506/1.000 tỷ đồng cho Du lịch Vân Đồn; 200/200 tỷ đồng cho CEO Quốc tế; 51/51 tỷ đồng cho Xây dựng CEO; 20/217 tỷ đồng cho vốn lưu động. Tổng cộng, CEO Group đã sử dụng 1.013/2.573 tỷ đồng.
Như vậy, CEO Group vẫn còn một lượng tiền rất lớn, phản ánh qua số dư tiền nhàn rỗi chiếm tới 23,8% tổng tài sản, đạt 2.161 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Đây cũng là cơ sở để CEO Group giảm mạnh nợ vay.
Song, về dòng tiền, điểm kém của CEO Group là trong quý I/2024, dòng tiền kinh doanh âm tới 258 tỷ đồng, do tăng tồn kho (167 tỷ đồng), đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm các khoản phải trả khác. Để cân đối, CEO Group đã tăng thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác.
Tất nhiên, quý I/2024 chỉ là một lát cắt của câu chuyện kinh doanh năm nay. Mọi thứ sẽ còn biến đổi trong những quý tới. Nhưng qua một giọt nước có thể thấy được đại dương, với những gì đã thể hiện trong quý I/2024, những quan ngại về CEO Group sẽ khó được tan biến trong mắt giới quan sát và cả cổ đông của doanh nghiệp này.
Tình thế quẩn quanh của Long Giang Land
- Một năm thắng lớn của Tài chính Hoàng Huy 04/05/2024 02:04
- LDG có quý âm doanh thu thứ 3 và lỗ quý thứ 6 liên tiếp 04/05/2024 01:20
- Hợp nhất Thành phố Vàng, tài sản của HQC biến đổi ra sao? 04/05/2024 12:31
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.