'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1992, ông nhập học khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Thời gian ở Đại học cũng là lúc ông Vũ bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê.
Khởi nghiệp năm 1996, tài sản lớn nhất Đặng Lê Nguyên Vũ khi ấy chỉ là một chiếc xe đạp cọc cạch. Hàng ngày, ông Vũ lóc cóc đạp xe đi giao cà phê khắp nơi và âm thầm nghiên cứu công thức chế biến.
Cũng trong năm 1996, ông Vũ cùng vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo thành lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Từ “cứ điểm” Tây Nguyên, doanh nghiệp của vợ chồng ông Vũ nhanh chóng phát triển ra cả nước.
Năm 2003, sản phầm G7 ra đời, chính thức đánh dấu bước phát triển mới của Trung Nguyên trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi lần đầu tiên vượt qua Vinacafe và Nestlé về thị phần.
Thành công nối tiếp thành công, Trung Nguyên cho xây dựng hàng loạt nhà máy cà phê, trong đó nhà máy ở Bình Dương lớn nhất Việt Nam còn nhà máy tại Bắc Giang lớn nhất châu Á.
Trên đỉnh cao danh vọng, vào cuối năm 2013, ông Vũ bất ngờ lên “núi thiêng” M’drăk cư ẩn nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày cùng một nhóm gần chục người.
Chia sẻ với báo chí vào thời điểm ấy, ông Vũ cho biết ông cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn trong 49 ngày để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen.
Đáng chú ý hơn, trở lại sau 5 năm đột ngột biến mất, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã mang một phong thái hoàn toàn khác khiến nhiều người bất ngờ.
Có mặt ở sự kiện kỷ niệm thành lập thương hiệu và ra mắt hệ sản phẩm cà phê mới mang tên Trung Nguyên Legend ngày 16/6/2018, ông chủ Trung Nguyên ăn vận như một tu sĩ, mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng rộng, cổ quấn khăn rằn, hai tay chắp lưng. Ông tự xưng là "Qua", gọi những người xung quanh là "người anh em".
Ông Vũ cho biết nhiều năm qua, ông đã hiểu hết đời sống nội tại, có thể kiến tạo sự hoàn hảo cho chính mình và cho từng gia đình của nhân viên mình, có thể cho cả quốc gia và thế giới này, có thể bằng mọi giải pháp, mọi thứ.
Ông khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
Trong vụ tranh chấp giữa vợ chồng "vua cà phê”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ không ít lần bày tỏ nỗi lao tâm khổ tứ nghĩ kế sách “cứu Trung Nguyên, cứu gia đình, cứu anh Vũ”. Ngược lại, ông Vũ chọn cách giữ im lặng trong thời gian dài, cho đến khi tổ chức một cuộc gặp báo giới kéo dài tới 4 tiếng.
Tại cuộc gặp này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường.
Theo ông Vũ, khi bị tấn công dữ dội, ông cũng kiên quyết nghiêm cấm thuộc cấp phản pháo chuyện gia đình, không cho luật sư làm đến cùng những phi vụ của bà Thảo, kể cả chuyện giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần của công ty ở Singapore.
Trước những nghi vấn về việc có một nhóm người đang muốn “thao túng quyền lực, trục lợi cá nhân” tại Trung Nguyên trong thời gian ông Vũ thiền định, ông nói: “Qua ở trên núi nhưng qua biết hết. Trong việc này cũng giúp qua nhận ra ai là người anh em. Có những người từng có chức vụ cao, cũng nhắn tin động viên qua, chỉ hai dòng, nhưng họ triển khai hệ thống để giúp qua. Trong lòng qua rất biết ơn”.
Về con số 5 tỷ USD cho chương trình tặng sách, ông Vũ cho biết: “Trung Nguyên sẽ phất lên ngọn cờ, còn tôi tin Chính phủ và xã hội sẽ cùng vào cuộc. Có những cá nhân sở hữu tới vài chục tỷ USD, tôi mong họ đóng góp vào đây”.
Ông Vũ cho rằng đầu tư vào sách là đầu tư thông thái nhất: “Qua có kế hoạch lấy về cho Việt Nam một nghìn tỷ USD. Qua tính cho từng quốc gia một, hơn 210 quốc gia, tính trên từng quy mô dân số. Mọi thứ qua đều chuẩn bị hết, qua chuẩn bị cho những nhà lãnh đạo. Đó là khoa học tuyệt đối”.
2018 cũng là năm ồn ào về vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên. Sau nhiều lần hoà giải nhưng vụ việc vẫn chưa đi tới hồi kết.
Theo đơn khởi kiện xin ly hôn vào cuối năm 2015, bà Thảo lần đầu gửi đơn ly hôn ra tòa yêu cầu tòa giải quyết 3 vấn đề, gồm: chấm dứt mối quan hệ hôn nhân; được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 4 con chung và ông Vũ có nghĩa vụ, trách nhiệm trợ cấp; chia đôi số cổ phần cả hai bên đang sở hữu tại Công ty Cổ phầnTập đoàn Trung Nguyên.
Trong các buổi làm việc và hòa giải tại tòa, hai bên thống nhất thuận tình ly hôn nhưng không đạt được tiếng nói chung về con chung và tài sản.
Cụ thể, về con chung, khi đòi quyền trực tiếp nuôi con, bà Thảo đề nghị ông Vũ phải cấp dưỡng cho mỗi người con 5% trong tổng số cổ phần mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Ngược lại, ông Vũ đề nghị được nuôi 4 người con chung và cam kết không yêu cầu bà Thảo trợ cấp hằng tháng. Ngoài ra, nếu tòa tuyên cho bà Thảo được quyền nuôi con, ông Vũ chỉ đồng ý chia 5% cổ tức của ông cho mỗi người con - thay vì chia 5% cổ phần như bà Thảo yêu cầu.
Có thể nói, với cặp vợ chồng nổi tiếng này, tài sản chung có lẽ là nội dung gây nhiều tranh cãi và chưa thể đạt một thỏa thuận cụ thể nào.
Ở lần hòa giải cuối cùng, bà Thảo đưa ra phương án đề nghị tổng số tài sản chung của hai vợ chồng hiện nay sẽ chia thành 2 nhóm: Trung Nguyên và G7. Theo đó, bà Thảo sẽ “nhường” quyền lựa chọn đầu tiên cho ông Vũ. Nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên thì bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 và ngược lại.
Về phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông cho rằng hiện nay đã có một Hội đồng định giá do tòa trưng cầu giám định, để xác định giá trị tài sản chung của hai vợ chồng tại nhóm Trung Nguyên và G7. Thông qua kết quả giám định này, bà Thảo sẽ nhận tương ứng với số vốn góp ban đầu của các cổ đông.
Vì cả hai bên không thống nhất được quyền quản lý nhóm Trung Nguyên và nhóm G7, nên phiên tòa sắp tới sẽ phán quyết về những vấn đề này.
Nói về Trung Nguyên, hiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang là người đại diện theo pháp luật. Trung Nguyên hiện chưa niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính các năm 2015, 2016, 2017 cho thấy bức tranh kinh doanh có phần xấu đi của Trung Nguyên trong thời gian Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ thiền định.
Cụ thể, trong giai đoạn 2014 – 2017, doanh thu thuần của Tập đoàn Trung Nguyên gần như giậm chân tại chỗ khi chỉ tăng chưa đầy 62 tỷ đồng (từ 3.889 tỷ đồng năm 2014 lên 3.950,7 tỷ đồng năm 2017). Đó là chưa nói trong hai năm 2015 và 2016, doanh thu của doanh nghiệp này còn đi giật lùi so với năm 2014.
Sự “ổn định” của doanh thu cũng tạo nên sự ổn định về lợi nhuận gộp của Tập đoàn Trung Nguyên. Suốt 4 năm, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này chỉ loanh quanh ở mức 1.500 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của Tập đoàn Trung Nguyên trồi sụt khá lớn trong 4 năm, từ 518 tỷ đồng (năm 2014) rơi một mạch xuống 88 tỷ đồng (năm 2015), tăng lên 103,5 tỷ đồng (năm 2016) rồi 120 tỷ đồng (năm 2017).
Trong khi doanh thu thuần không có sự cải thiện nào đáng kể, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh thì các khoản chi phí lại có biến động tăng. Chẳng hạn như chi phí bán hàng, từ 2014 – 2017 đã tăng 15,6% (từ 527 tỷ đồng lên 609,6 tỷ đồng) hay chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 117,4% (từ 149 tỷ đồng lên 324 tỷ đồng).
Điều này khiến lợi nhuận trước thuế của Trung Nguyên liên tục "đổ đèo" qua các năm: từ 1.294 tỷ đồng (năm 2014) xuống 808,5 tỷ đồng (năm 2015), xuống tiếp 768 tỷ đồng (năm 2016) rồi 681 tỷ đồng (năm 2017).
Dù sụt giảm mạnh nhưng mức lợi nhuận của Trung Nguyên vẫn là khá đáng nể.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.