Công nghệ

Don Lam, CEO VinaCapital: ‘Rất hứng thú đầu tư mạo hiểm’

Ông Don Lam (quốc tịch Canada), Tổng Giám đốc VinaCapital, Phó ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nói đây là cầu nối để đưa doanh nghiệp (DN) Việt có tiềm năng đến với thương trường quốc tế và ngược lại.

Don Lam, CEO VinaCapital: ‘Rất hứng thú đầu tư mạo hiểm’

Tập đoàn VinaCapital mới đây thông qua Quỹ VinaCapital Ventures đã trao tấm séc đầu tiên hơn 2 triệu USD cho FastGo và Logivan, hai công ty startup cung ứng giải pháp công nghệ trong vận tải đường bộ của Việt Nam (VN).

Trả lời phỏng vấn của PLO, ông Don Lam nói: 

"Chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tư đầu tiên ở VN dấn thân vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Dù thời gian qua không ít quỹ đầu tư mạo hiểm tại VN xuất hiện rồi biến mất nhưng chúng tôi vẫn trụ lại và may mắn gặt hái được những thành công từ quỹ này.

Có thể kể đến việc VinaCapital đang hợp tác cùng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Quản lý Singapore để xây dựng Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo và kinh doanh tại TP.HCM dựa trên mô hình của Singapore. Chúng tôi cũng vừa tham gia sáng lập Zone Startups VN, một chương trình tăng tốc khởi nghiệp do Ryeson Futures đang thực hiện thành công tại Canada và Ấn Độ..."

- Nhưng khi thực hiện đầu tư vào các startup công nghệ sẽ không tránh được những rủi ro?

Nhà đầu tư của chúng tôi rất đa dạng, có nhiều khẩu vị rủi ro khác nhau, vì vậy chúng tôi là đơn vị quản lý tài sản duy nhất hoạt động ở VN có đủ các sản phẩm để đáp ứng được tất cả khẩu vị này ở các lĩnh vực khác nhau như sản xuất, nông nghiệp, du lịch,…

Với vai trò đầu tư tài chính, chúng tôi cảm thấy rất hứng thú tìm kiếm các cơ hội tham gia với các DN tiềm năng trên con đường khởi nghiệp, xây dựng và phát triển những giải pháp tạo nên những hiệu ứng tích cực cho kinh tế-xã hội VN, đưa họ đến với thị trường khu vực và thế giới.

- Tham gia vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm này, VinaCapital có cho rằng mình có thể giúp nhiều startup cất cánh?

Chúng tôi định vị sứ mệnh của mình là mang đến cơ hội cho các DN, các nhà khởi nghiệp tiềm năng được hiện thực hóa ý tưởng sản phẩm mang đến giá trị hữu ích cho xã hội.

Tấm séc đầu tư mà chúng tôi ký từ 2 triệu USD trở lên thích hợp cho các đơn vị khởi nghiệp đã chứng minh được mô hình kinh doanh của mình hoạt động có được những khoản doanh thu đầu tiên. Thế nên chúng tôi, nhà đầu tư và DN khởi nghiệp gặp nhau, cùng giúp nhau cất cánh trên con đường chinh phục thị trường.

- Với hai startup đầu tiên mà VinaCapital đã rót tiền vào là Fast Go và Logivan, ông có kỳ vọng gì từ khoản đầu tư này để đẩy các DN Việt lên tầm quốc tế trong bối cảnh nhiều DN ngoại cùng hoạt động tương tự hai đơn vị trên được rót vốn hàng tỉ USD?

Thị trường vận tải và logistics rất rộng lớn nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng lĩnh vực này còn rất nhiều cơ hội cho các đơn vị trong nước phát triển. Những DN trong nước thường luôn có lợi thế khi họ hiểu thị trường, hiểu khách hàng nên khi có vấn đề xảy ra sẽ kịp thời điều chỉnh để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Những mô hình kinh doanh tương tự Logivan và Fast Go đều có khả năng mở rộng ra khu vực và thế giới. Chúng tôi đang có những trao đổi rất tích cực với các đối tác ở những thị trường khác để giúp hai startup này tiến xa hơn lãnh thổ VN.

- Ông đang nhìn thấy cơ hội gì từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và các startup công nghệ Việt đang có lợi thế lẫn khó khăn ra sao?

Các startup Việt có cơ hội được sống và tiếp cận với sự phát triển liên tục của công nghệ thông tin, bản thân họ cũng là những tài năng ở lĩnh vực này (phần mềm, ứng dụng, kỹ thuật số…). Dân số VN rất trẻ, với 35% người Việt trong nhóm tuổi 20-39 đam mê công nghệ và thích thử những sản phẩm mới.

Một điều then chốt rất quan trọng cho sự phát triển này đó là việc Chính phủ quan tâm và không ngừng thúc đẩy để đưa nền công nghệ 4.0 vào từng cơ quan, DN và từng ngóc ngách trong đời sống người dân VN.

Về thử thách, chắc chắn luôn tồn tại ở một thị trường đang là mảnh đất màu mỡ như công nghệ. Do vậy startup Việt muốn chiến thắng phải nghĩ đến sân chơi ở khu vực nhưng hiện nay thị trường nhân sự cấp cao ở VN chưa thể cung cấp đủ nhân tài để giúp các startup thực hiện được giấc mơ quốc tế. Bên cạnh đó, startup Việt rất vất vả để tìm được cách tiếp cận nguồn vốn.

- Vậy các tiêu chí để VinaCapital quyết định đầu tư cho một startup?

Để xem xét đầu tư vào các startup công nghệ, chúng tôi luôn nhìn và xem xét các ý tưởng và chuyên môn của chủ DN, tầm nhìn, chiến lược và quyết tâm của họ đối với hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, chúng tôi còn quan tâm đến lòng nhiệt tình của ban lãnh đạo, sự trung thực và khả năng hợp tác với những nhà đầu tư không tham gia điều hành và có trách nhiệm đối với số tiền đầu tư.

Tin mới lên