Đồng hồ Hải Triều: Thương hiệu lâu năm, kinh doanh lỗ kéo dài
(VNF) - Kết thúc năm 2023, Đồng hồ Hải Triều ghi nhận doanh thu lên tới hơn 69,23 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ hơn 1,75 tỷ đồng.
Thương hiệu đồng hồ trên 33 năm tuổi
Theo giới thiệu trên website, Đồng hồ Hải Triều được thành lập vào ngày 31/12/1991. Công ty có địa chỉ số 160 Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình, TP. HCM và đây cũng là cửa hàng kinh doanh đồng hồ chính hãng đầu tiên.
Đến năm 2015, công ty ghi dấu ấn khi cho ra đời cửa hàng Hai Trieu Premium Swiss Watch tại địa chỉ số 188A2 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP. HCM.
Giai đoạn từ 2016 - 2020, hàng loạt chi nhánh mới được mở tại các thành phố trọng điểm trên toàn quốc như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Vũng Tàu, Long Xuyên, Rạch Giá, Biên Hòa.
Đồng hồ Hải Triều cung cấp sản phẩm đến từ 25 thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Doxa, Seiko, Saga, Casio, Citizen, G-Shock, Orient, Longines, Tissot, Titoni,… Cùng với đó là các dòng sản phẩm đặc biệt như đồng hồ đính ki cương, đồng hồ xà cừ,… Giá thành mỗi sản phẩm dao động từ 3 triệu đến hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh mảng kinh doanh chính là đồng hồ mang lại doanh thu lớn, Đồng hồ Hải Triều còn kinh doanh thêm nhiều mảng khác như: trang sức (dây chuyền, lắc tay, vòng tay, mặt dây chuyền, vòng Charm), phụ kiện (dây da, dây kim loại, hộp xoay,…).
Năm 2023, Đồng hồ Hải Triều tiếp tục mở thêm 4 cửa hàng mới tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM và Bình Dương, nâng tổng số lượng showroom đang có trên khắp cả nước lên 30. Điểm chung của cửa hàng Hải Triều là tọa lạc tại vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng theo chuẩn quốc tế. Hiện nay nhân viên chính thức của công ty từ 220 - 250 người.
“Ông chủ” đứng sau Đồng hồ Hải Triều
Theo thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tháng 8/2022, Công ty TNHH Đồng Hồ Hải Triều đổi tên thành Công ty TNHH Hải Triều Việt Nam. Địa chỉ trụ sở nằm tại phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP. HCM được chuyển về số 50/22 Gò Dầu, phường Tân Phú, quận Tân Phú, TP. HCM.
Người đại diện theo pháp luật là Trần Mỹ Dung, sinh năm 1985, chức vụ Giám đốc được chuyển sang ông Đặng Thanh Hải (sinh năm 1985) giữ chức vụ Giám đốc công ty.
Thời điểm này, công ty nâng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn không được tiết lộ. Tổng số lao động theo đăng ký thuế là 1 người.
Đến tháng 12/2022, tổng số lao động theo đăng ký của Đồng hồ Hải Triều là 5 người.
Danh sách thành viên góp vốn gồm có: Đặng Thanh Hải góp 3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 10%), Đặng Hải Nam góp 3 tỷ đồng (tỷ lệ 10%), Đặng Hải Triều góp 3 tỷ đồng (tỷ lệ 10%) và Nguyễn Thị Phương góp 21 tỷ đồng (tỷ lệ 70%).
Đồng hồ Hải Triều kinh doanh ra sao?
Theo dữ liệu của VietnamFinance, năm 2023 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Đồng hồ Hải Triều ghi nhận hơn 69,23 tỷ đồng, gấp 9,23 lần so với đầu kỳ.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán của Đồng hồ Hải Triều ghi nhận hơn 48,50 tỷ đồng, tăng hơn 41,64 tỷ đồng sau 12 tháng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp hơn 13 lần so với đầu kỳ, từ hơn 1,68 tỷ đồng lên hơn 22,47 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, kết thúc năm 2023 Đồng hồ Hải Triều báo lỗ sau thuế hơn 1,75 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm 2022 công ty báo lỗ hơn 1,05 tỷ đồng.
Từ báo cáo tài chính năm 2023 được Đồng hồ Hải Triều công bố cho thấy doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng quá lớn đã khiến lợi nhuận thuần và lợi nhuận sau thuế đều âm, mặc dù doanh nghiệp không gặp các vấn đề về chi phí tài chính hay thuế TNDN.
Tính đến cuối năm 2023, tổng cộng tài sản của Đồng hồ Hải Triều là hơn 189,75 tỷ đồng, tăng gần 35% so với hồi đầu năm. Tập trung ở tài sản ngắn hạn với hơn 187,35 tỷ đồng (chiếm 98,7% tổng cộng tài sản công ty).
Thời điểm cuối 2023, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp là hơn 823,6 triệu đồng, con số này hồi đầu năm là hơn 689,9 triệu đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, hàng tồn kho của Đồng hồ Hải Triều là hơn 168,28 tỷ đồng, con số hồi đầu năm là 106,93 tỷ đồng. Khoản này chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn của công nghiệp, tăng 61,35 tỷ đồng (tương đương tăng 57,37%).
Nợ phải trả của Đồng hồ Hải Triều tính đến cuối năm 2023 là hơn 162,56 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại nợ ngắn hạn.
Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn tăng từ 61,74 tỷ đồng lên 109,56 tỷ đồng. Khoản này chiếm phần lớn trong tổng nợ ngắn hạn và tăng 47,82 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Đồng hồ Hải Triều là hơn 27,18 tỷ đồng, giảm hơn 1,76 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Vốn góp của chủ sở hữu giữ nguyên ở mức 30 tỷ đồng, cho thấy không có sự thay đổi trong số lượng cổ phiếu hoặc vốn chủ sở hữu góp thêm trong kỳ.
Lợi nhuận sau thuế phân phối chưa phân phối tiếp tục âm, từ âm 1,06 tỷ đồng đầu kỳ lên 2,81 tỷ đồng cuối kỳ, tức tăng thêm 1,75 tỷ đồng. Điều này có nghĩa doanh nghiệp đang gặp thua lỗ liên tiếp và khoản lỗ sau thuế trong kỳ này là 1,75 tỷ đồng.
Đây là một điểm cần chú ý, vì nếu doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các kỳ sau.
Đăng Quang Watch: ‘Ông lớn’ trên thị trường bán lẻ đồng hồ
Toàn cảnh biệt thự trên bán đảo Sơn Trà bị Đà Nẵng thu hồi
(VNF) - Khu biệt thự được bảo phủ một màu xanh của các tán lá cây rừng. Do đó, Khu biệt thự rất khó nhìn thấy ở trên cao.