Đồng Nai có thêm 2 dự án điện quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng

Trần Lê - 18/04/2022 14:35 (GMT+7)

(VNF) - Đồng Nai có thêm 2 dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An và dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Theo kế hoạch, 2 dự án này sẽ lần lượt khởi công trong các năm 2022 và 2023.

VNF
Nhà máy thủy điện Trị An (ảnh minh họa)

Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 có quy mô gần 54 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD, công suất 1,5 ngàn MW là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên ở Việt Nam và là dự án nhiệt điện lớn nhất miền Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2019, dự kiến khởi công đầu năm 2021 nhưng vì vướng mặt bằng nên chuyển sang năm 2022.

Theo Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), chủ đầu tư dự án, đơn vị đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kho chứa nhiên liệu đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đã ký hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - mua sắm - xây dựng - lắp đặt - chạy thử và nghiệm thu) với liên doanh nhà thầu Samsung C&T Corporation, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).

Một số hạng mục hạ tầng đã khởi động. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào vận hành cuối năm 2024 đối với Nhơn Trạch 3 và cuối năm 2025 đối với Nhơn Trạch 4. Khi đó, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh, bằng khoảng 60% tổng nhu cầu năng lượng của tỉnh Đồng Nai.

Công trình thứ 2 là dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, công trình thủy điện lớn nhất miền Nam tại thời điểm được phê duyệt.

Dự án được giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, có quy mô gần 95ha, tổng mức đầu tư hơn 3,9 nghìn tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với công suất 200MW. Dự án đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo EVN, đơn vị đã lên kế hoạch khởi công dự án vào khoảng quý II/2023, đưa vào vận hành năm 2026. Khi cả 4 tổ máy vận hành (2 tổ máy cũ) sẽ đảm bảo công suất 400MW theo thiết kế, cho sản lượng điện trung bình hằng năm 1,7 tỷ KWh. Đồng thời, giúp tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, ổn định truyền tải và giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia. Chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, cho phép chủ đầu tư chuyển đổi một phần đất rừng sang làm dự án và trồng rừng thay thế.

Cùng chuyên mục
Tin khác