Dòng tiền lớn đổ vào EIB, BCK và HCT “dắt nhau” lên top
(VNF) - Kết quả kinh doanh quý III khởi sắc là động lực tăng trưởng của nhiều mã nhóm cổ phiếu tăng mạnh tuần qua, chẳng hạn như KHP, BCK, HCT,...
Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực khi chỉ số VN-Index giảm liên tục, từ 1.287 điểm xuống còn 1.252,72 điểm. Dù thị trường có nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhiều cổ phiếu vẫn cho thấy diễn biến tích cực nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc cũng như sự gia tăng của dòng tiền.
HoSE: KHP “bật sáng”, QCG hồi phục, EIB hút dòng tiền lớn
Trên sàn HoSE, cổ phiếu KHP là mã tăng mạnh nhất khi có thêm 20 điểm %. Sự bứt phá này đưa vốn hóa thị trường của Công ty CP Điện Lực Khánh Hòa vượt mốc 700 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Diễn biến này được cho là phản ánh kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong quý III/2024. Cụ thể, Điện Lực Khánh Hòa mang về 1.979 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý vừa qua, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 76 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với khoản lỗ 45 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Xếp thứ hai là cổ phiếu CIG của Công ty CP COMA 18 với mức tăng 15,77%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/10, vốn hóa của COMA 18 đã vượt 203 tỷ đồng. Đáng chú ý, tuần qua, cổ phiếu CIG ghi nhận tín hiệu đột biến về khối lượng với thanh khoản dịch từ 400.000 - 600.000 đơn vị/phiên.
Ở vị trí thứ ba là cổ phiếu DTL của Công ty CP Đại Thiên Lộc. Mã này tăng 15% trong tuần qua. Vốn hóa doanh nghiệp tương ứng đạt 847 tỷ đồng. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu chỉ ở mức nhỏ giọt, gần như không được giao dịch.
Tăng 10,66%, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai xếp ở vị trí thứ 4. Vốn hóa của “đại gia phố núi” cũng trở lại mốc 3.000 tỷ đồng.
Xếp thứ năm là cổ phiếu OGC của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương với đà tăng 8,56%. Tuy nhiên, tính từ vùng đỉnh 7.000 đồng đạt được vào hồi giữa tháng 6, mã này đã chia đôi thị giá.
Các vị trí còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE lần lượt thuộc về các mã: EIB (7,2%), TPC (+6,98%), SSC (+6,97%), CTD (+6,62%), MHC (+6,54%).
Trong đó, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thu hút chú ý với sự tham gia của dòng tiền lớn. Đây cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng tuần qua. Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch 25/10, vốn hóa của Eximbank đạt hơn 38.837 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE là PSH (-17,18%), RDP (-12,09%), HCD (-11,87%), PTL (-10,88%), ADS (-10,82%), VOS (-10,23%), GVR (-10,04%), STG (-9,39%), ABS (-9,32%), BSI (-8,2%).
Nếu như PSH và RDP giảm sâu không gây bất ngờ khi hai mã này đã bị HoSE vào diện hạn chế giao dịch thì sự xuất hiện của VOS, BSI GVR trong nhóm cổ phiếu giảm mạnh lại tạo ra khá nhiều bất ngờ khi các mã này hầu như không ghi nhận thông tin tiêu cực nào.
HNX: Kết quả kinh doanh tích cực, BCK và HCT “dắt nhau” lên top
Trên sàn HNX, cổ phiếu BCK của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn áp đảo với mức tăng 45,31% khi ghi nhận 4/5 phiên tím trần trong tuần qua. Khối lượng giao dịch từ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên. Đây là tín hiệu khởi sắc khi cổ phiếu BCK thường xuyên rơi vào tình trạng “trắng thanh khoản” trong các phiên giao dịch trước đó.
Tương tự cổ phiếu KHP – mã dẫn đầu sàn HoSE, cổ phiếu BCK bứt phá ngay sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Quý vừa qua, Khoáng sản Bắc Kạn lãi sau thuế 19 tỷ đồng, tăng hơn 3.300% so với cùng kỳ.
Theo sau BCK là cổ phiếu HCT của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Vận tải Xi măng Hải Phòng với mức tăng 30,56%. Hưởng ứng kết quả kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp trong quý III, mã này tăng kịch trần trong 3 phiên giao dịch cuối tuần. Được biết, quý vừa qua, doanh nghiệp đã có lãi trở lại.
Các cổ phiếu còn lại trong danh sách 10 mã tăng mạnh nhất sàn HNX gồm có: PGT (+30%), KKC (+22,64%), PHN (+21%), PPE (+20,66%), NFC (+17,33%), VMS (+16,67%), HAD (+15,38%), VC1 (+12,9%).
Trong đó, cổ phiếu PHN của Công ty CP Pin Hà Nội là mã có thị giá cao nhất. Kết thúc phiên giao dịch 25/10, thị giá PHN đạt 84.700 đồng/cp, tương ứng mức vốn hóa 614 tỷ đồng.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm là MCO (-15,38%), PGN (-14,1%), SPI (-13,16%), HTC (-9,82%), TTL (-9,76%), GKM (-9,52%), HMR (-9,30%), BST (-8,94%), HMH (-8,7%), VGS (-8,51%).
UPCoM: Nhóm “không thanh khoản” chiếm ưu thế
Trên sàn UPCoM, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là MRF (+60%), NSS (+54,17%), HGT (+40,96%), IN4 (+40%), VHF (+40%), DDH (+38,97%), L45 (+33,33%), PND (+30,65%), PNT (+29,63%), NJC (+29,35%).
Trong khi đó, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất gọi tên BBM (-46,67%), VIH (-37,01%), NDC (-27,46%), GGG (-25,58%), CDH (-23,58%), LTG (-22,68%), DVC (-17,39%), CID (-16,89%), V11 (-16,67%), PXM (-16,67%).
Một điểm chung giữa cả hai nhóm này là phần lớn cổ phiếu đều có thanh khoản “nhỏ giọt”, giao động từ vài trăm tới vài nghìn đơn vị/phiên. Ngoại lệ chỉ có cổ phiếu LTG của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.
Trước tình trạng nội bộ bất ổn, mã này liên tục bị bán tháo, có phiên lên tới hơn 4 triệu đơn vị. Theo đó, thị giá cổ phiếu cũng trôi xuống mức thấp nhất lịch sử. Kết phiên giao dịch 25/10, LTG đóng cửa ở mức 7.500 đồng/cp, mất khoảng 70% kể từ mức đỉnh tháng 3.
Vàng quá rủi ro, BĐS chưa tăng mạnh: Rút tiền tiết kiệm mua cổ phiếu 'vua'?
- Đường Quảng Ngãi: Tiền gửi ngân hàng vượt đỉnh 7.000 tỷ đồng 27/10/2024 10:45
- Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh báo lãi lớn, thu nợ 750 tỷ từ EVN 26/10/2024 10:30
- Kinh doanh trò may rủi, chủ casino lớn nhất Quảng Ninh rủi nhiều hơn may 25/10/2024 03:30
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.