Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Theo dự báo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên danh nghĩa tính theo USD của Nhật Bản sẽ bị Đức vượt qua trong năm nay, đồng nghĩa với việc Tokyo sẽ tụt từ vị trí nền kinh tế thứ 3 thế giới xuống vị trí thứ 4. GDP bình quân trên đầu người ở Đức (52.824 USD) cũng khá hơn ở Nhật Bản (33.950 USD).
GDP danh nghĩa mô tả tổng giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia, sử dụng giá hiện hành và không điều chỉnh lạm phát.
Mặc dù Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài nhưng nước này vẫn giữ vững vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong hơn một thập kỷ. Nhật Bản trước đây là nền kinh tế số 2 thế giới sau Mỹ nhưng đã nhường lại vị trí đó cho Trung Quốc vào năm 2010.
Tuy nhiên, thứ hạng kinh tế của Nhật Bản có thể còn trượt dốc hơn nữa trong những năm tới - IMF dự báo Nhật Bản sẽ trượt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong khoảng thời gian từ 2026 đến 2028.
GDP của Ấn Độ dường như sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026 và nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2027. Các nhà phân tích, bao gồm từ S&P và Morgan Stanley, trước đó đã ước tính rằng Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030.
Các dự báo này được đưa ra khi đồng Yên dao động ở mức gần 160 Yên/EUR và vẫn đang duy trì quanh mức thấp nhất trong vòng 33 năm so với đồng USD. Lần gần đây nhất đồng EUR đạt mức 160 Yên là vào tháng 8/2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bao trùm thế giới.
Sự yếu kém của đồng Yên phần lớn là do sự khác biệt cơ bản trong chính sách tiền tệ. Trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhiều lần tăng lãi suất từ mức thấp nhất của đại dịch COVID-19 để giải quyết lạm phát, thì Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì chế độ kích thích nhằm thúc đẩy tăng trưởng giá sau nhiều năm giảm phát.
Theo quan điểm của BOJ, lạm phát sẽ hạ nhiệt nếu mức tăng của lương tương đương với mức tăng tiêu dùng. Do đó, nước này là một quốc gia hiếm hoi vẫn đang để lãi suất ở mức âm để kích thích tiêu dùng, đồng thời giải quyết vấn đề tăng lương, trong khi đó lãi suất đi vay tại Mỹ đã lên hơn 5%, còn tại châu Âu, tỷ lệ ECB đặt ra đang là 4,5 - 4,75%.
Trong thời gian tới, khi Fed và ECB dự kiến kết thúc chương trình tăng lãi suất và sẽ giữ chi phí đi vay trong thời gian dài hơi, đồng Yên được cho là sẽ tiếp tục chịu áp lực nếu BOJ không can thiệp.
Ngân hàng Nhật Bản sẽ họp vào tuần tới về khả năng điều chỉnh lãi suất, nhưng không có dấu hiệu cho thấy nước này có dự định chấm dứt lãi suất âm, ít nhất là cho tới năm sau.
Đồng Yên của Nhật Bản gần đây được đánh là là đồng tiền có hiệu suất kém nhất trong rổ tiền tệ của nhóm các quốc gia G-10. Tiền tệ mất giá được cho là nguyên nhân gây ra suy giảm về số GDP trên danh nghĩa cũng như thực tế.
Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế vĩ mô khác của nước này cũng không có điểm sáng nổi trội giúp Tokyo giữ vững được vị thế trên trường quốc tế.
“Đúng là tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản đã tụt lại phía sau và vẫn ở mức chậm chạp”, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết khi được hỏi về dự báo của IMF.
Tuy nhiên, ông Nishimura cũng cho biết Tokyo tham vọng "lấy lại những nền tảng đã mất trong 20 - 30 năm qua" nhờ các biện pháp kích thích, ví dụ như gói kích thích kinh tế sắp được công bố.
Trước đó, ngày 23/10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết gói kích thích kinh tế mới sẽ bao gồm việc mở rộng trợ cấp năng lượng, một biện pháp nhằm giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát mạnh nhất của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ gây ra.
Ông Kishida cho biết sẽ có các bước để đảm bảo duy trì đà tăng lương cùng với một số hình thức giảm thuế. Thủ tướng Nhật Bản đang chỉ đạo các cơ quan liên quan hiện thực hóa chương trình kích thích kinh tế để công bố vào ngày 2/11 tới đây.
Theo tờ Japan Times, một số biện pháp đang được xem xét đưa vào gói kích thích kinh tế bao gồm việc cắt giảm thuế thu nhập 40.000 Yên (268 USD)/người và hỗ trợ tiền mặt 70.000 Yên cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và người già như một phần của các biện pháp giảm lạm phát tạm thời.
Ngoài ra, chính phủ đang lên kế hoạch mở rộng các khoản trợ cấp nhằm kiềm chế giá xăng và nhiên liệu khác cũng như các hóa đơn tiện ích từ cuối năm nay đến cuối tháng 4/2024 nếu điều kiện kinh tế cho phép, đi kèm là hỗ trợ hóa đơn điện và gas từ tháng 5.
Trong một diễn biến liên quan, Nhật Bản được cho là sẽ "tận dụng" cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc để vực lại ngành bán dẫn của mình - ngành sản xuất từng giúp nước này giữ ngôi "vua" trong chuỗi bán dẫn toàn cầu nhưng giờ đã thụt lùi.
Xem thêm >> Mỹ - Trung xung đột: Nhật chớp thời cơ lấy lại hào quang của công nghệ bán dẫn
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.