DTS tài trợ xây dựng bộ khung cơ sở dữ liệu website Bản đồ ẩm thực Việt Nam

Bảo Duy - 26/12/2022 19:55 (GMT+7)

(VNF) - Trên hành trình thực hiện sứ mệnh và vai trò truy tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển, góp phần thiết thực nâng tầm nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới một cách bền vững, xứng tầm với kỳ vọng của “Quốc gia dân tộc”, năm 2022, Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã triển khai đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”.

VNF
DTS tài trợ xây dựng bộ khung cơ sở dữ liệu website Bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Hành trình thực hiện đề án được Liên Minh chuyển đổi số DTS Group tài trợ xây dựng bộ khung cơ sở dữ liệu của website Bản đồ ẩm thực Việt Nam gồm dữ liệu thuyết minh món ăn, hình ảnh minh họa, nguyên liệu, cách làm, nghệ nhân vùng miền, làm tiền đề cho Bản đồ Ẩm thực Việt Nam phiên bản hoàn chỉnh trong các giai đoạn tới.

Theo ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch DTS Group, hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam không hề dễ dàng. Đặc biệt, yêu cầu của thời đại số hiện nay đã thôi thúc đề án phải thực hiện chuyển đổi số kết quả của đề án để tạo ra sự lan tỏa trong xã hội.

Các chuyên gia cũng nhận định văn hóa ẩm thực Việt Nam là một kho tàng di sản vô giá của đất nước. Việc tìm hiểu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam thật sự cần thiết và là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế.

Theo đó, VCCA cũng đã tiến hành khảo sát, phát hiện, giới thiệu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Trong suốt 6 tháng triển khai đề án (chưa tính 3 tháng chuẩn bị), hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam đã  nhận được sự hưởng ứng của các địa phương giới thiệu hơn 421 món ẩm thực được đề cử bởi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao, các Hiệp hội văn hóa ẩm thực, Trung tâm xúc tiến du lịch của 60/ 63 tỉnh thành.

VCCA đã triển khai đề án thông qua 3 cụm chính gồm cụm miền Bắc phụ trách tìm hiểu 25 tỉnh, cụm miền Trung phụ trách 19 tỉnh và cụm miền Nam phụ trách 19 tỉnh thành. Các cụm hình thành bộ máy và trên cơ sở các đề cử của địa phương và các tiêu chí của đề án để khảo sát, tìm hiểu, đánh giá với thành viên tổ nghệ nhân, đầu bếp, sàng lọc ra 165 món ẩm thực tiêu biểu của các địa phương, khu vực trong cả nước.

Theo đại diện VCCA, đề án giai đoạn 1 hiện nay chỉ dừng ở việc khái quát hóa việc chọn ra các món ẩm thực mang giá trị văn hóa của địa phương tại thời điểm năm 2022, nhưng không có nghĩa là đầy đủ và đại diện cho toàn bộ nền ẩm thực Việt Nam, đây chỉ là bước khởi đầu của hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam trong các năm tiếp theo để hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho Bản đồ Ẩm thực Việt Nam và xa hơn nữa là Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam, đưa thương hiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới, xứng đáng với tầm nhìn của Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã chia sẻ với công chúng.

Trong quá trình triển khai, VCCA đề cao cách lựa – bình – chọn các món ẩm thực tiêu biểu ngoài định tính, định lượng còn dựa vào địa lý, vùng miền.

Kết quả sau cùng, khi sàng lọc bộ dữ liệu có đầy đủ thông tin do các địa phương đề cử, Hội đồng chuyên môn đã họp 3 lần (từ tháng 8, tháng 11 và tháng 12) để đưa ra xét chọn 121 món ẩm thực mang giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 tỉnh thành. Trong đó có những món rất nổi tiếng và được lan tỏa trong cộng đồng nhưng lại thiếu dữ liệu như bún chả Hà Nội, nem công chả phụng của Huế, chả giò rế đồng quê Cần Thơ… Hội đồng chuyên môn đã thống nhất tiếp tục thu thập thông tin dữ liệu và đưa qua năm 2023 để hoàn thiện hơn bộ dữ liệu ẩm thực mang giá trị văn hóa tiêu biểu cho địa phương giai đoạn tiếp theo, hướng đến 1000 món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam hoặc hơn nữa. Cơ sở dữ liệu cho giai đoạn 2 sẽ là ra mắt Bản đồ Ẩm thực Việt Nam và tiếp theo sau là Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam.

Về việc lan tỏa giá trị ẩm thực, đưa vào khai thác kinh tế, VCCA cũng cho biết sẽ sẽ ký kết hợp tác chiến lược với các nhà sản xuất thực phẩm, ngành hàng tiêu dùng, để cùng đưa vào thực tế những món ẩm thực mang giá trị văn hóa nhưng cũng gần gũi với người tiêu dùng và công chúng và sử dụng nguyên vật liệu, gia vị gần gũi, sạch lành, chất lượng cao để chế biến.

Cùng chuyên mục
Tin khác