Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được tạm ứng gần 170 tỷ

Sỹ Đông - 28/05/2019 23:48 (GMT+7)

Do ngân sách trung ương chưa giải ngân kịp, UBND tỉnh Tiền Giang tạm ứng 167 tỷ đồng bồi thường cho các hộ dân để có mặt bằng thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

VNF
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được gấp rút thi công

Ngày 28/5, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, cho biết UBND tỉnh vừa chuyển hơn 167 tỷ đồng kinh phí tạm ứng để đền bù, giải tỏa các hộ dân ở huyện Cái Bè bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tỉnh Tiền Giang đã bồi thường được hơn 98% mặt bằng, còn lại gần 2% chưa được giải tỏa có giá trị khoảng 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dự án bị thiếu vốn nên việc đền bù cho các hộ dân bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

“Tỉnh sẽ tiếp tục tạm ứng phần kinh phí còn lại để bàn giao 100% mặt bằng cho nhà đầu tư thi công”, ông Bon khẳng định. 

Trao đổi với báo chí, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết 2 gói thầu XL-18 và XL19 còn vướng 358 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng. Đồng thời, 60 hộ dân đang khiếu nại, khiếu kiện nhưng cơ quan chức năng chưa giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, nhiều đường dây điện và cáp viễn thông, đường ống cấp nước chưa được di dời nên nhà thầu chưa thể thi công.

Ông Hồng cho hay dự kiến tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến vào cuối năm 2020 và sẽ vận hành chính thức trước ngày 15/7/2021.

Khởi công từ năm 2009, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang có điểm đầu kết nối với cao tốc TP. HCM - Trung Lương ở nút giao Thân Cửu Nghĩa và kết thúc ở nút giao với quốc lộ 30.

Dự án được kỳ vọng không chỉ giảm tải cho quốc lộ 1 mà còn kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP. HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đến năm 2015, dự án tái khởi động nhưng tiến độ rất chậm. Ông Mai Mạnh Hồng cho biết nguyên nhân là Công ty TNHH Yên Khánh (1 trong 6 thành viên liên danh) liên quan đến nhiều vụ án hình sự khiến các ngân hàng tài trợ vốn chậm giải ngân, yêu cầu thay thế.

Theo phương án vốn ban đầu, nguồn thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương được dùng để đầu tư dự án này. Nhưng đến đầu năm 2019, Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực, không cho phép dùng tiền thu phí để thực hiện dự án mà phải nộp về ngân sách.

Để bổ sung nguồn vốn, Chính phủ đồng ý chi 2.180 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện dự án. Dự kiến trong năm 2019, 500 tỷ được chi, số tiền còn lại chi trong năm 2020.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác