Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Ninh Thuận gây nứt gần 800 nhà dân, cử tri kiến nghị sớm giải quyết

Lệ Chi - 18/05/2020 10:03 (GMT+7)

(VNF) - Cử tri tỉnh Ninh Thuận gần đây đã nêu ý kiến về việc thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh gây nứt gần 800 nhà ở của người dân trong vùng dự án. Vấn đề này tuy đã được chính quyền và cử tri địa phương kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Do vậy, cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm vấn đề trên.

VNF
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Trả lời kiến nghị cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận gồm 2 dự án là dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (khởi công tháng 9/2013, hoàn thành tháng 4/2015) và dự án theo hình thức hợp đồng BOT (khởi công tháng 7/2014 và hoàn thành tháng 12/2015).

Theo Bộ GTVT, quá trình triển khai thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ nói chung và dự án qua tỉnh Ninh Thuận nói riêng, có sử dụng các thiết bị gây rung chấn, chấn động và có thể làm ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại (bị lún, nứt, thấm, dột…) đối với nhà ở, công trình xây dựng của các hộ dân khu vực lân cận, nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng dự án.

"Việc gây ảnh hưởng đến nhà ở, công trình ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng thi công xây dựng công trình là khó tránh khỏi và cần được xem xét giải quyết để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất, công bằng cho người bị ảnh hưởng; đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại địa phương", Bộ GTVT cho hay.

Một phần thiệt hại nêu trên thuộc trách nhiệm chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm theo điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm công trình xây dựng do chủ đầu tư mua (có hạn mức bồi thường nhất định thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm) và đã được thực hiện.

Bộ GTVT cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên. Tại kỳ họp thứ 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và kết luận phần thiệt hại phải bồi thường sau khi doanh nghiệp bảo hiểm đã trả theo hợp đồng bảo hiểm là khoản tiền bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.

Đồng thời cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan, không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để bồi thường. Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện yêu cầu này, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chỉ đạo thực hiện, theo đó yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương làm việc cụ thể với các nhà thầu thi công, xem xét từng trường hợp cụ thể, sử dụng kinh phí của nhà thầu để chi trả và yêu cầu giải quyết dứt điểm trong năm 2018.

Đối với các dự án BOT, Bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư trực tiếp làm việc với nhà thầu để giải quyết cho người dân (không tính vào chi phí của dự án). Bộ GTVT đã giao các Ban quản lý dự án (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) có trách nhiệm phối hợp, đôn đốc, giám sát nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án triển khai thực hiện.

Riêng tỉnh Ninh Thuận, ngày 12/10/2018 Bộ trưởng Bộ GTVT có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, trong đó yêu cầu các Ban quản lý dự án và các nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương khẩn trương thực hiện phương án chi trả đền bù hư hỏng nhà dân do thi công gây ra theo đúng quy định.

Mặc dù các Ban quản lý dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị có liên quan đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện, tuy nhiên Bộ GTVT thông tin đến nay vẫn còn một số vướng mắc chưa giải quyết được, cụ thể như các nhà thầu thi công cho rằng việc yêu cầu nhà thầu chịu trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ nứt nhà dân do thi công là chưa thuyết phục vì chưa xác định chính xác nguyên nhân nứt, thời điểm nứt nhà dân, cơ sở pháp lý... để xác định đúng trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ.

Bộ GTVT cho biết đang chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các nhà đầu tư tiếp tục làm việc với các cơ quan chuyên môn của địa phương làm việc cụ thể với từng nhà thầu rà soát kỹ các điều khoản quy định trong các Hợp đồng xây lắp, hợp đồng bảo hiểm, kinh phí bảo hành công trình, xem xét từng trường hợp bị ảnh hưởng, kiểm tra rà soát kỹ hồ sơ lún nứt nhà của từng hộ bị ảnh hưởng.

Cùng với đó là xác định trách nhiệm của từng đơn vị, hoàn chỉnh các thủ tục xác định kinh phí, thực hiện phương án chi trả bồi thường theo quy định theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để giải quyết dứt điểm.

Ngày 26/12/2015, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Ninh Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT chính thức được thông xe.

Dự án này được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2461/QĐ-BGTVT ngày 27/6/2014 với tổng mức đầu tư là 2.110 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án 7 được giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án trong khi doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Một thành viên BOT Ninh Thuận.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 37km; điểm đầu tại Km1525, Quốc lộ 1, thuộc huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận (giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa) và điểm cuối tại Km1588+500, Quốc lộ 1 thuộc huyện Thuận Nam (giáp ranh với tỉnh Bình Thuận).

Đây là đoạn cuối cùng của dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ. Toàn tuyến có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp với chiều rộng nền đường 20,5m, có dải phân cách cứng giữa 2 chiều xe chạy, đạt tốc độ lưu thông 60-80 km/h.

Được biết, dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là "đại dự án" quốc gia với chiều dài 1.500km đi qua 22 tỉnh, thành phố.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.