Dự án thua lỗ nghìn tỷ đầu tiên xử lý xong tranh chấp hợp đồng EPC

Phạm Tuyên - 28/04/2019 20:23 (GMT+7)

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xử lý xong tranh chấp pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC của dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ bằng phương thức hòa giải. Đây là dự án thua lỗ nghìn tỷ đầu tiên trong số 12 dự án đầu tư nghìn tỷ xử lý xong các tranh chấp của hợp đồng EPC.

VNF
PVTex là dự án thua lỗ nghìn tỷ đầu tiên xử lý xong tranh chấp hợp đồng EPC

Báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Công Thương cho thấy, trong số 6 dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đến nay đã có 2 dự án bước đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung. Trong đó dự án DAP số 1 đang làm thủ tục ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ. 4 dự án khác như Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đang từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ so với cùng kỳ.

Trong 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh, đến nay có 2 dự án vận hành trở lại là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ. Dự kiến Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sẽ vận hành trở lại toàn nhà máy vào cuối năm 2019. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành các công tác chuẩn bị để sẵn sàng khởi động lại khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đáng chú ý, báo cáo cho hay, đến nay đã xử lý xong tranh chấp pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC của dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ bằng phương thức hòa giải nhờ nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Về hoạt động của các dự án, báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, tình hình kinh doanh, tài chính ở các dự án vẫn còn nhiều khó khăn. Việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án còn nhiều thách thức. Việc tái cơ cấu tài chính, huy động vốn sản xuất kinh doanh của một số dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc, cần sự đồng hành chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cho vay.

Liên quan đến các dự án đầu tư nghìn tỷ đồng làm ăn thua lỗ, trong thông báo cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tư pháp khẩn trương tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan để hoàn thành báo cáo tổng hợp các kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty về giải quyết các vướng mắc của hợp đồng EPC, đề xuất lộ trình và giải pháp xử lý từng trường hợp cụ thể.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và PVN khẩn trương xử lý theo thẩm quyền để giãn, giảm mức khấu hao tài sản của một số dự án, doanh nghiệp thuộc PVN trên cơ sở phương án tổng hợp đề xuất của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhanh chóng báo cáo việc nhà máy Ethanol Quảng Ngãi sẽ thoái vốn hay sáp nhập với Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn. Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), cần lựa chọn phương án xử lý dứt điểm dự án Đạm Ninh Bình để không ảnh hưởng, tác động xấu đến tình tình tình tài chính cả tập đoàn.

Với nhà máy Ethanol Bình Phước, Phó Thủ tướng đề nghị PVN phối hợp với doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối khởi động nhà máy để thoái vốn Nhà nước. “PVN lựa chọn và quyết định xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trường hợp vượt thẩm quyền đối với các dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ; phối hợp tích cực với phía đối tác để thống nhất thời điểm khởi động lại nhà máy và thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi dự án Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước”, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Liên quan đến dự án PVTex và các dự án thuộc ngành dầu khí, trong văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành, lãnh đạo PVN đề xuất để tiếp tục gỡ khó cho các dự án còn lại, cần có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ cho các dự án. Cụ thể, với PVTex, Bộ Công Thương cần tiếp tục xem xét duy trì thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xơ polyester là 2%, xem xét áp thuế suất nhập khẩu đối với sản phẩm sợi DTY polyeste là 3% khi toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vận hành toàn bộ trở lại.

Báo cáo mới nhất của PVN cho thấy, trong quý đầu của năm 2019, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã vận hành ổn định 10 dây chuyền sản xuất sợi và đạt 1.914 tấn theo đơn đặt hàng của đối tác, với chất lượng đạt loại A.

Cùng với việc giải quyết xong tranh chấp với tổng thầu EPC tại dự án, PVTEX đã hợp tác với đơn vị kiểm toán hoàn thành dự thảo báo cáo Quyết toán vốn đầu tư dự án, tiến tới hoàn thành toàn bộ báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án để trình các cấp có thẩm quyền.

Hiện PVTex tập trung hoàn thành kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phục vụ công tác vận hành toàn bộ nhà máy để Công ty An Sơn và các chuyên gia tư vấn nước ngoài xem xét đánh giá và góp ý; rà soát, sửa đổi và bổ sung và ban hành các quy trình hướng dẫn, vận hành, bảo dưỡng và quản lý chất lượng; sắp xếp bảo quản tài liệu kỹ thuật của nhà máy; huy động các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành đến để bảo dưỡng máy móc thiết bị đảm bảo cho sự vận hành an toàn, hiệu quả của dây chuyền nhà máy.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác