Dự kiến giá trần xét nghiệm nhanh Covid-19 giảm khoảng 26%

PV - 19/02/2022 15:20 (GMT+7)

Bộ Y tế vừa lấy ý kiến tham khảo dự thảo giá xét nghiệm Covid-19 mới, dự kiến khung giá trần giảm từ 3-26% so với giá hiện nay.

VNF
Dự kiến giá trần xét nghiệm nhanh Covid-19 giảm khoảng 26%

Dự kiến mức giá trần xét nghiệm Covid-19 mới giảm

Bộ Y tế vừa lấy ý kiến dự thảo giá xét nghiệm Covid-19 mới. Cụ thể, mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế: 

Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh, mức giá tối đa không quá 80.600 đồng/xét nghiệm (giảm khoảng 26% so với mức giá tối đa hiện nay là 109.700 đồng/xét nghiệm).

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động: mức giá tối đa không quá 180.100 đồng/xét nghiệm (giảm khoảng 3,4% so với giá hiện nay 186.600 đồng/xét nghiệm).

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Cụ thể, trường hợp mẫu đơn, mức gia tối đa không quá 496.400 đồng/xét nghiệm (giảm 4,2% so với giá hiện nay 518.400 đồng/xét nghiệm).

Trường hợp gộp mẫu, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó sinh phẩm xét nghiệm được chia đều theo số mẫu gộp. Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định.

Các giá dịch vụ trên đều được tính bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2.

Mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế:

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc các Bộ, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương, việc xác định mức giá do cấp có thẩm quyền của địa phương quy định nhưng không vượt mức giá tối đa khung giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 quy định trên

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng: mức giá thực hiện theo quy định trên.

Đề xuất mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân

Trong công văn mới nhất gửi các bộ: Khoa học - Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Thông tin - Truyền thông, và các sở y tế, Bộ Y tế đề nghị phối hợp tăng cường quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế (TTBYT) trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, qua kiểm tra về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTBYT và có một số đề xuất.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm công tác thanh tra y tế, cán bộ làm công tác quản lý trang thiết bị y tế từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là đối với cơ quan thanh tra Bộ Y tế..., do hiện nay lực lượng cán bộ quá ít trong khi phải thực thi nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh gần đây.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu TTBYT, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất TTBYT; Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng rà soát, chấn chỉnh hoạt động đánh giá, cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất TTBYT theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 13485:2016.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn (công an, quản lý thị trường....) tăng cường hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh TTBYT nói chung và các test xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2.

Xem thêm: 5 mẫu sedan hạng B bán chạy nhất tháng 1/2022: Toyota Vios thất thế

Cùng chuyên mục
Tin khác