Dự thảo NĐ mới về xăng dầu: 'Can thiệp không hợp lý, hạn chế quyền tự do kinh doanh'

Huyền Trang - 14/05/2024 11:30 (GMT+7)

(VNF) - Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng, nội dung dự thảo Nghị định trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan. Đặc biệt, có nhiều quy định can thiệp không hợp lý vào các quan hệ thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

Phạm vi điều chỉnh quá rộng

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, mục tiêu ban hành, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị định đang tiếp cận theo hướng quy định toàn diện, tạo thành khung pháp luật riêng và độc lập về kinh doanh xăng dầu mà không giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu như yêu cầu của Điều 7, Luật Đầu tư 2020.

“Tôi e rằng, việc mở rộng này vượt quá thẩm quyền điều chỉnh của một văn bản pháp luật cấp Nghị định”, ông Lập nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự.

Về căn cứ và cơ sở pháp lý, ông Lập cho rằng nội dung Dự thảo Nghị định trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan, đặc biệt có nhiều quy định can thiệp không hợp lý vào các quan hệ thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

Ông Lập khẳng định, dự thảo Nghị định đang trái với Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp quy định mọi doanh nghiệp được “Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh” (Điều 7.2). “Trong khi đó, tương tự Nghị định 83/2014, dự thảo Nghị định vẫn tiếp tục phân loại cứng ba nhóm doanh nghiệp chính, bao gồm Thương nhân đầu mối, Thương nhân phân phối và Thương nhân bán lẻ với các quyền, nghĩa vụ, lợi ích khác nhau theo các chế độ quản lý, đối xử khác nhau của Nhà nước.

Phân tích cụ thể hơn, ông Lập nói, Luật Doanh nghiệp không phân loại doanh nghiệp theo chức năng kinh doanh. Các hoạt động nhập khẩu, phân phối bán buôn, đại lý bán lẻ hay cung ứng dịch vụ là các hành vi thương mại, kinh doanh thông thường, do doanh nghiệp tự quyết theo nhu cầu thị trường, chỉ cần tuân thủ các điều kiện kinh doanh có liên quan.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định rất chi tiết về các quyền và nghĩa vụ của từng loại doanh nghiệp, điều này không cần thiết bởi đã có các văn bản pháp luật khác điều chỉnh. Hơn nữa, nó vượt quá thẩm quyền của một nghị định vì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tất cả các nội dung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân, bao gồm cả doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quy định của luật do Quốc hội hay Pháp lệnh do UBTV Quốc hội ban hành mà không phải của nghị định Chính phủ”, ông Lập phân tích.

Ngoài ra, ông Lập cũng cho rằng, Dự thảo Luật này cũng trái với Luật Đầu tư: Điều 7, Luật Đầu tư nhấn mạnh việc các cơ quan chức năng của Nhà nước khi banh hành “Điều kiện đầu tư kinh doanh… phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư, và chỉ khi thấy cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng.

“Trong khi đó, Dự thảo Nghị định tiếp tục yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tuỳ thuộc loại doanh nghiệp, phải có hệ thống phân phối gồm số lượng cụ thể nhất định thương nhân bán lẻ và cửa hàng bán lẻ, hay buộc phải có hợp đồng mua bán, phải có kho và phương tiện vận tải, quá trình kinh doanh chưa bị xử phạt... Rõ ràng, đó là các điều kiện tự nhiên về kỹ thuật, thương mại và thị trường mà bất cứ doanh nghiệp nào khi kinh doanh đều đương nhiên phải bảo đảm, không liên quan đến “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng. Nghị định quy định như vậy chỉ làm tăng thêm các thủ tục hành chính phiền hà và tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Lập khẳng định.

Cần xem xét lại

Ông Lập cũng cho rằng Dự thảo Nghị định này đang trái với Luật Cạnh tranh khi vi phạm khá nhiều các quy định của luật này. Tinh thần và nguyên tắc của Luật Cạnh tranh là bảo đảm cạnh tranh công bằng và không phân biệt đối xử.

“Trong khi đó, Dự thảo Nghị định lại các quy định có tính phân biệt như dành nhiều quyền hơn cho Thương nhân đầu mối hay các quy định có tính can thiệp và ép buộc liên quan đến quyền tự do kinh doanh, ví dụ như Thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các Thương nhân đầu mối mà không phải nguồn khác”, ông Lập nói.

Ngoài ra, ông Lập cũng cho rằng dự thảo Luật này cũng trái với Luật Giá. Theo Luật Giá, xăng dầu không thuộc phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà chỉ điều tiết giá khi có biến động lớn về thị trường thông qua lựa chọn linh hoạt các biện pháp và công cụ khác nhau và thích hợp. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định cơ chế Nhà nước định giá và biện pháp can thiệp duy nhất vào thị trường là sử dụng quỹ bình ổn giá.

“Dự thảo này cũng trái với Luật Dự trữ quốc gia. Xăng dầu thuộc Danh mục hàng hoá được dự trữ bắt buộc theo Luật Dự trữ quốc gia. Theo đó, việc mua hàng hoá này để dự trữ bằng tiền ngân sách nhà nước và thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định lại quy định quyền và trách nhiệm này thuộc về Thương nhân đầu mối”, ông Lập khẳng định.

“Như vậy, cả về thẩm quyền ban hành lẫn nội dung quy định tại Dự thảo Nghị định đang có những vấn đề cần được xem xét lại”, ông Lập kết luận.

Ban hành Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu không kèm báo cáo tác động.

Theo thông tin công khai, Dự thảo Nghị định khi công bố để lấy ý kiến chưa kèm theo Báo cáo đánh giá tác động về các chính sách có liên quan bằng việc khảo sát, lấy ý kiến chuyên sâu của các nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp là cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.

Được biết, yêu cầu đánh giá tác động của chính sách khi xây dựng văn bản pháp luật là bắt buộc. Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có).

“Nếu chưa có Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo, sẽ có hệ quả là các đối tượng có liên quan sẽ rất khó để đóng góp ý kiến một cách thực chất, có chất lượng cho Dự thảo Nghị định”, ông Lập nói.

Để giải quyết những vấn đề như trên, ông Lập cho rằng Dự thảo nên thay đổi về quan điểm tiếp cận theo hướng ban hành quy định pháp luật về xăng dầu cần vì lợi ích quốc gia (tức bảo đảm an ninh năng lượng và nhiên liệu); vì lợi ích doanh nghiệp (tức bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ); và vì lợi ích người tiêu dùng (tức có giá cả hợp lý và chất lượng tốt).

“Có thể rút bài học từ thị trường viễn thông trước đây và thị trường điện vừa qua, điểm đột phá về chính sách quản lý đã và đang diễn ra là tự do hoá kinh doanh theo hướng cạnh tranh, giảm dần hay từ bỏ vai trò trụ cột và thống lĩnh của một hoặc một vài doanh nghiệp nhà nước nói chung và hay doanh nghiệp lớn nói riêng”, ông Lập nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác