Chủ tịch Petrolimex: Xe điện chưa tác động đáng kể tới thị trường xăng dầu

Mai Anh - 26/04/2024 16:50 (GMT+7)

Lãnh đạo Petrolimex khẳng định, việc phát triển xe điện hiện nay chưa có tác động đáng kể tới hoạt động kinh doanh xăng dầu, do thị phần mới chiếm 1%.

Thông tin này được ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ tại phiên họp đại hội cổ đông, sáng 26/4.

Xe điện đang trở thành xu hướng, là lựa chọn của nhiều người. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường xe điện khiến nhiều cổ đông của Petrolimex lo ngại ảnh hưởng tới tăng trưởng của tập đoàn này, khi xăng dầu vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Trong đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về chiến lược của Petrolimex trước sự phát triển xe điện diễn ra mạnh mẽ.

Một số cổ đông của Petrolimex đặt câu hỏi: Tăng trưởng xăng dầu sẽ chịu rủi ro trước sự phát triển của xe điện. Lãnh đạo tập đoàn đã chuẩn bị gì để ứng phó xu hướng phát triển này?

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Thanh cho biết, dù số lượng xe điện bán ra tăng nhanh, nhưng thị phần chỉ chiếm dưới 1%. Theo ông Thanh, loại xe này hiện đáp ứng nhu cầu chủ yếu của các gia đình, cá nhân song chưa thể thay thế các dòng xe vận tải lớn, xe bồn, máy bay...

"Xu hướng sử dụng xe điện tăng từng ngày, nhưng thời điểm hiện tại chưa tạo rủi ro lớn, tác động đáng kể tới thị trường xăng dầu trong nước hay Petrolimex", ông Thanh khẳng định.

Lãnh đạo Petrolimex cho rằng xăng dầu vẫn giữ vai trò quan trọng trong giao thông thời điểm này.

Đối với việc đầu tư trạm sạc xe điện thời gian qua, chủ yếu do Vinfast làm để sạc xe điện Vinfast. Vì vậy, ông Thanh cho rằng việc phát triển xe điện hiện nay chưa tác động nhiều đến Petrolimex.

Mặc dù nhìn nhận xăng dầu vẫn là nhiên liệu quan trọng trong giao thông, nhưng ông Thanh cho rằng trong 5-7 năm tới,

Song đại diện Petrolimex dẫn ý kiến các chuyên gia cho biết 5-7 năm tới, các xu hướng phát triển ô tô điện và chuyển đổi xanh sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của Petrolimex.

Do đó, để chuẩn bị giai đoạn chuyển tiếp sắp tới, đại diện "ông lớn" xăng dầu chiếm hơn 50% thị phần cả nước cho biết họ đang nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển thị trường trạm sạc và các dịch vụ gia tăng, tiến tới cung cấp loại hình năng lượng mới như nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, sạch, nghiên cứu đầu tư trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu...

Bên cạnh đó, đại gia xăng dầu này cũng tính tới phát triển những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao. Petrolimex đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% doanh thu từ các sản phẩm này và tăng lên 100% vào 2045.

Nói thêm về chiến lược và kế hoạch nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm năng lượng sạch, Tổng giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải cho hay trong những năm qua, Petrolimex đã tiên phong triển khai nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 5 gồm xăng RON95-V và dầu diesel tiêu chuẩn 5, xăng sinh học...

Trước câu hỏi về việc áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, Phó tổng giám đốc Petrolimex Lưu Văn Tuyển cho biết hệ thống hơn 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của tập đoàn đã ứng dụng hóa đơn điện tử từng lần bán, kết nối với cơ quan thuế.

"Tập đoàn đã chuẩn bị hạ tầng, giải pháp từ 2015 nên khi triển khai chỉ tốn hơn 1 tỷ đồng để phủ tất cả cửa hàng thuộc hệ thống", ông Tuyển cho hay.

Petrolimex hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam với 17.000 cửa hàng trên toàn quốc, chiếm hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu cả nước.

Đại hội cổ đông Petrolimex cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024. Trong đó, sản lượng xăng dầu xuất bán dự kiến hơn 13 triệu (m3, tấn), giảm 9% so với năm trước. Doanh thu hợp nhất tương ứng 188.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.900 tỷ. Các mức này giảm lần lượt 32% và 26% so với năm ngoái.

Trong năm 2023, sản lượng xăng dầu mà Petrolimex xuất bán là 14,4 triệu m3/tấn, tăng 11% so với kế hoạch; doanh thu hợp nhất đạt 273.979 tỷ đồng, tăng 44% so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 22%.

Lý giải về việc đặt kế hoạch đi lùi năm nay, lãnh đạo Petrolimex cho hay, kinh tế thế giới dự báo còn bấp bênh, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cũng như xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, căng thẳng Biển Đỏ, lạm phát cao. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến nguy cơ suy thoái và sụt giảm nhu cầu tiêu dùng.

Cùng chuyên mục
Tin khác