Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Nếu như trước khi quý II/2023 kết thúc, giới phân tích vẫn còn ngần ngại khi nhận định “những gì khó khăn nhất với ngành thép đã ở lại phía sau” thì sau khi kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp thép được công bố, nhận định này đã chuyển từ “nghi vấn” thành “khẳng định”.
Thống kê từ báo cáo tài chính của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), Công ty Thép Nam Kim (HoSE: NKG), Công ty Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS), Công ty Thép Pomina (HoSE: POM), Công ty Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL), Tập đoàn Thành Thái (HNX: KKC) cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này đạt 1.189 tỷ đồng trong quý II/2023. Biên lợi nhuận gộp khôi phục lên mức 10%.
Trước đó, sau khi lãi đậm giai đoạn quý I/2021 – quý II/2022, các doanh nghiệp trên đã ghi nhận lỗ “khủng” 3.852 tỷ đồng đi kèm biên lợi nhuận gộp bằng 0 trong quý III/2022. Sang đến quý IV/2022, mức lỗ vẫn rất lớn, ở mức 3.587 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp xuống mức âm (-) 3%. Đến quý đầu tiên của năm 2023, mặc dù biên lợi nhuận gộp đã phục hồi về mức 6% nhưng tổng lợi nhuận chỉ đạt 372 tỷ đồng, cho cảm giác sự phục hồi còn khá “mong manh”.
Thép là một trong những ngành nặng tính chu kỳ nhất. Việc lợi nhuận sau thuế và biên lợi nhuận gộp tiếp tục đi lên rõ rệt trong quý II/2023 hàm ý rằng một chu kỳ ngành thép đã đến giai đoạn khép lại. Lũy kế 10 quý gần nhất, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong danh sách thống kê lên tới 49.000 tỷ đồng. Như vậy, xét tổng thể, rõ ràng sau một chu kỳ, các doanh nghiệp thép được nhiều hơn mất.
Phân tách ra, trong 10 quý, có tới 6 quý các doanh nghiệp thép ghi nhận lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng, thậm chí đỉnh điểm là quý II/2021 là trên 12.000 tỷ đồng. Chỉ có 2 quý ghi nhận lỗ, tổng cộng chưa tới 8.000 tỷ đồng, tức là còn chưa bằng lợi nhuận 1 quý (trừ quý II/2022).
Tuy nhiên, đi sâu vào từng doanh nghiệp, không phải ai cũng được nhiều hơn mất. Chẳng hạn như trường hợp của POM, lũy kế 10 quý gần nhất, doanh nghiệp này lỗ tổng cộng gần 1.500 tỷ đồng. Suốt 5 quý gần đây, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ, đỉnh điểm là quý III/2022 lỗ hơn 700 tỷ đồng. Ở quý gần nhất, POM vẫn lỗ tới 350 tỷ đồng. Về biên lợi nhuận gộp, đã âm tới 4 quý liên tiếp, từ âm (-) 19% trong quý II/2022 hồi phục lên âm (-) 13% trong quý IV/2022 rồi lên âm (-) 2% trong quý đầu năm 2023 nhưng lại tệ hơn trong quý II/2023 với mức âm (-) 4%.
Dù không bi đát như POM nhưng DTL cũng là trường hợp mất nhiều hơn được. Lũy kế 10 quý gần nhất, DTL lỗ tổng cộng gần 170 tỷ đồng, trong đó, 4 quý gần đây liên tục lỗ.
Trái lại, các doanh nghiệp thép lớn như HPG, HSG, NKG lại kiếm bộn tiền trong chu kỳ vừa qua. Trong đó, HPG là “khủng” nhất khi lũy kế 10 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế thu về lên đến 44.800 tỷ đồng. Theo sau là HSG với hơn 3.500 tỷ đồng và NKG với hơn 2.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, có một trường hợp khá đặc biệt là VGS. Suốt 10 quý gần đây, VGS đều có lãi với tổng lãi sau thuế lũy kế là trên 250 tỷ đồng.
Nguồn lợi lớn thu được từ chu kỳ vừa qua đã giúp các doanh nghiệp như HPG, HSG, NKG hay VGS hạ đáng kể tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Nếu như cuối quý I/2021, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của HPG là 84% thì đến cuối quý II/2023, tỷ lệ này giảm còn 62%. Với HSG, tỷ lệ này giảm từ 84% xuống chỉ còn 42%. Còn với NKG, từ chỗ nợ vay lớn hơn cả vốn chủ sở hữu, cuối quý vừa qua đã đưa về mức 84%. Trong khi đó, VGS thì giảm tới 83% xuống còn 73%.
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của POM tăng từ 194% trong quý I/2021 lên 302% trong quý II/2023. Đối với DTL, con số này tăng từ 83% lên 134%.
Một chu kỳ cũ khép lại cũng là lúc mở ra một chu kỳ mới với những toan tính mới, nhiều toan tính trong số đó lại không nằm ở ngành thép.
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của HSG, doanh nghiệp này đang có kế hoạch IPO và niêm yết các công ty con. Cụ thể, tháng 7/2022, HSG đã chuyển đổi công ty ống nhựa thành công ty cổ phần. HSG có kế hoạch IPO Công ty Cổ phần Ống nhựa Hoa Sen và niêm yết trên HoSE trong giai đoạn 2024-2026. Cũng trong giai đoạn này, HSG có kế hoạch niêm yết chuỗi cửa hàng phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home (HSH). Tính tới cuối tháng 2/2023, HSH sở hữu 112 cửa hàng, tổng doanh thu năm 2022 khoảng 1.500 tỷ đồng. Ban lãnh đạo HSG cho biết, hiện đã có khoảng 100 cửa hàng đạt điểm hòa vốn hoặc có lãi. HSG đang đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ mở thêm 120 cửa hàng nữa trước khi niêm yết, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 200-300.
Còn với HPG, câu chuyện lớn nhất trong tương lai vẫn là việc hoàn thành khu liên hợp Dung Quất 2 (DQSC 2). Hiện nay, mọi hoạt động đầu tư mới của HPG đều dừng lại nhằm tập trung toàn bộ nguồn lực cho DQSC 2. Tổng đầu tư năm nay vào DQSC 2 vào khoảng 1 tỷ USD. Hiện HPG đã ký kết toàn bộ hợp đồng tín dụng với ngân hàng; hợp đồng nhà thầu với các công ty xây dựng, đã đưa máy móc đến công trường và đang trong giai đoạn xây dựng mạnh. Dự kiến quý I/2025 sẽ đưa vào vận hành, ước tính dự án sẽ đóng góp khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu/năm cho HPG.
Bên cạnh đó, HPG cũng có tham vọng lớn trong mảng bất động sản khi đặt kế hoạch năm 2030 sẽ lọt top 3 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên, công ty sẽ chỉ tham gia đấu giá đất lấy dự án, không chủ trương mua lại dự án từ đơn vị khác.
Ngoài ra, HPG cũng đặt kế hoạch doanh thu mảng thiết bị gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2023. Cùng với đó, đưa vào hoạt động ổn định nhà máy sản xuất container. Được biết, ngày 4/8, công ty sản xuất container của HPG đã bàn giao lô hàng 100 container loại 20 feet cho đối tác. Đây là lô hàng đầu tiên mà HPG xuất ra thị trường sau hai năm đầu tư dự án nhà máy sản xuất vỏ container tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với VGS, doanh nghiệp này đang thúc đẩy tiến độ dự án khu đô thị Việt Đức Legend City. Ban lãnh đạo VGS cho biết công ty đang tập trung hoàn thiện pháp lý và xây dựng hạ tầng cho giai đoạn 1 của dự án. Dự án có tổng quy mô 62ha, chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 27ha, giai đoạn 2: 34ha); tổng mức đầu tư cả dự án là 6.686 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.148 tỷ đồng.
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.