Tài chính

Dược Hậu Giang lãi bình quân 90 tỷ/tháng, cao hơn 20% năm ngoái

(VNF) - Đóng góp chủ lực cho tăng trưởng doanh thu quý II là từ các sản phẩm do DHG sản xuất (tăng 18% cùng kỳ). Doanh nghiệp cho biết đang tập trung bán các sản phẩm chiến lược, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng, liên quan đến điều trị Covid-19 như Hapacol, Klamentin, Medlon, Bocalex...

Dược Hậu Giang lãi bình quân 90 tỷ/tháng, cao hơn 20% năm ngoái

Dược Hậu Giang lãi bình quân 90 tỷ đồng mỗi tháng, cao hơn 20% năm ngoái

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) ghi nhận doanh thu thuần 1.120 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp đạt 554 tỷ đồng, tăng 19,5%, tương ứng biên lãi gộp 49,5%.

Đóng góp chủ lực cho tăng trưởng doanh thu là từ các sản phẩm do DHG sản xuất (tăng 18% cùng kỳ). Doanh nghiệp cho biết đang tập trung bán các sản phẩm chiến lược, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng, liên quan đến điều trị Covid-19 như Hapacol, Klamentin, Medlon, Bocalex...

Khép lại quý thứ hai của năm, doanh thu tài chính, cũng như chi phí tài chính của DHG gần như không biến động. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng 34% so với cùng kỳ lên 234 tỷ đồng.

Đó cũng là nguyên nhân khiến mức tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh không còn được cao như doanh thu. Cuối cùng, lợi nhuận sau thuế của DHG đạt 260,5 tỷ đồng trong quý II, tăng 16,5% cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DHG công bố doanh thu thuần 2.184 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 546 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 20,5% so với cùng giai đoạn năm 2021. Từ kết quả có được, DHG đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Giải thích cho bức tranh tương đối phấn khởi của ngành dược, theo một báo cáo gần đây của SSI Research, hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao, với chi phí đầu vào ổn định so với các ngành khác. Thống kê từ các doanh nghiệp dược niêm yết tại Việt Nam cho thấy, chi phí đầu vào bình quân hầu hết đều có tỷ trọng khá tương đồng, chiếm khoảng 60% trong đó là chi phí nguyên vật liệu.

Mặc dù chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng lại được chia nhỏ thành nhiều loại hoạt chất và dược phẩm khác nhau. Do đó, cấu thành chi phí sản xuất viên thuốc cuối cùng sẽ rất phân mảnh và hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.

Bên cạnh đó, việc mở cửa các chuyến bay quốc tế giúp đẩy nhanh các thương vụ M&A và duy trì mức định giá ngành ổn định trong thời kỳ thị trường biến động xấu. Do đó, SSI đánh giá các doanh nghiệp dược niêm yết của Việt Nam với cơ cấu cổ đông hợp nhất, tỷ lệ thả nổi thấp và được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý sẽ có định giá cố định ở mức cao, từ đó tạo ra hầm trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong thời kỳ thị trường biến động như hiện tại.

Cũng theo SSI Research, dẫn đầu về lợi nhuận ngành dược năm 2021 là DHG, theo sau là Traphaco (HoSE: TRA), Imexpharm (HoSE: IMP)... Nhiều khả năng, các thứ hạng này sẽ không dịch chuyển mạnh trong năm nay.

Tin mới lên