Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (4/7): VNM, REE và DHG

Tân Mai - 04/07/2022 06:40 (GMT+7)

(VNF) - MASVN cho hay, VNM đang nỗ lực tạo động lực tăng trưởng doanh thu mới bằng nhiều mục tiêu, bao gồm gia tăng thị phần sữa tại Việt Nam thêm 0,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 2022-2026, đưa dự án bò thịt giai đoạn 1 vào hoạt động từ năm 2023, mở rộng thị trường xuất khẩu sang 60 nước...

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (4/7): VNM, REE và DHG

MASVN: Khuyến nghị mua cho VNM, giá mục tiêu 88.500 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) đang xếp thứ 36 về doanh thu trong mảng sữa cũng như nằm trong top 10 thương hiệu sữa giá trị toàn cầu (brand finance).

Bên cạnh đó, Vinamilk duy trì vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam với thị phần duy trì trên 55%. Hệ thống đại lý rộng khắp cả nước với trên 200.000 đại lý trên toàn quốc. Ngoài ra, VNM đang quản lý 14 trang trại bò sữa đạt chuẩn quốc tế với hơn 160.000 con.

Quý I, VNM ghi nhận doanh thu và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 13.940 tỷ đồng và 2.266 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,3% và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu nội địa đạt 11.658 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp còn 40,5%, thấp hơn mức 43,6% của quý I/2021.

MASVN cho hay, VNM đang nỗ lực tạo động lực tăng trưởng doanh thu mới bằng nhiều mục tiêu. Chẳng hạn như gia tăng thị phần sữa tại Việt Nam thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức 56% trong giai đoạn 2022-2026; dự án bò thịt với tổng mức đầu tư 500 triệu USD giai đoạn 1 dự kiến hoạt động năm 2023 với khoảng 30.000 bò thịt/năm.

Mảng xuất khẩu của VNM cũng kỳ vọng sẽ có bước phát triển mạnh trong những năm tới khi doanh nghiệp mở rộng thị trường sang 60 nước. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 45.000 tấn, tăng 9,4% so với năm trước.

MASVN nhận định, giá nguyên liệu sữa đã có sự gia tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021, cũng như 4 tháng đầu năm 2022 tạo áp lực làm giảm biên lợi nhuận gộp chung của các doanh nghiệp trong ngành sữa.

Tuy nhiên, điểm tích cực là giá nguyên liệu sữa đang có tín hiệu suy giảm và đi ngang trong 2 tháng gần đây. Điều này sẽ giúp hoạt động kinh doanh nửa cuối 2022 của doanh nghiệp ngành sữa có biên lợi nhuận gộp tốt hơn nửa đầu năm 2022, bao gồm của cả VNM.

Năm 2022, MASVN dự báo doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 63.628 tỷ và 10.788 tỷ đồng, tăng 4,4% và 2,4% so với năm ngoái. Trong đó, doanh thu nội địa và các chi nhánh ở nước ngoài lần lượt đạt mức tăng 4,7% và 25% cùng kỳ, trong khi doanh thu xuất khẩu giảm khoảng 10%; doanh thu tài chính tăng 5,5% cùng kỳ, đạt 1.281 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp giảm từ 43,1% xuống 42% do áp lực chi phí nguyên liệu gia tăng.

EPS dự phóng năm 2022 đạt 5.162 đồng, P/E dự phóng ở mức 14,3 lần, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. MASVN đánh giá tích cực dành cho VNM nhờ động lực tăng trưởng từ năm 2023 với dự án bò thịt mới, cũng như chiến lược đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, giá nguyên liệu kỳ vọng cải thiện tích cực nửa cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp; nền tảng tài chính mạnh mẽ giúp VNM trụ vững trong khó khăn. Chính vì vậy, MASVN khuyến nghị mua dành cho VNM với giá mục tiêu 88.500 đồng/cổ phiếu, triển vọng sinh lời 20% so với thị giá hiện tại.

MBS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I cho thấy, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) ghi nhận doanh thu thuần 2.045 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, mảng hạ tầng điện nước tăng gần 3 lần lên 1.445 tỷ đồng, đóng góp 70% tổng doanh thu, chủ yếu nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi và giá bán điện CGM tăng; mảng bất động sản gần như đi ngang, còn lại mảng cơ điện lạnh (M&E) sụt giảm tương đối mạnh, từ 568 tỷ đồng về gần 350 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, REE báo lãi sau thuế 955,3 tỷ đồng, tăng gấp hai lần thực hiện quý I/2021, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 693,3 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu và 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, một trong số yếu tố tăng trưởng của REE đến từ dòng tiền ổn định trong mảng cho thuê văn phòng và mảng xử lý và phân phối nước sẽ tạo ra nguồn lực để REE đầu tư thêm cho mảng năng lượng tái tạo.

Thời gian tới, REE đặt mục tiêu mở rộng công suất điện gió lên tới 400MW từ các dự án như Vĩnh Hảo, Ea H’Leo và Kông Chro, cũng đầu tư và mua lại thêm các dự án điện gió 100-200 MW và cả các dự án điện gió ngoài khơi công suất lớn hơn.

Bên cạnh đó, e.Town 6 đã được khởi công vào đầu năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 4/2023. Theo dự phóng của MBS, e.Town 6 có thể đóng góp trên 200 tỷ đồng vào doanh thu của REE mỗi năm.

Ngoài ra, dự án Thượng Kon Tum và điện mặt trời sẽ được nhận mức ưu đãi về thuế 10% trong 15 năm. 3 dự án phong điện mới được miễn thuế trong 4 năm hoạt động đầu tiên và chịu thuế 5% trong 9 năm tiếp theo. Giá CGM của Thượng Kon Tum đã lên tới 1.400 đồng/kWh vào quý I/2022 so với mức 1.100 đồng/kWh của năm 2021.

Trong khi đó, mảng sản xuất và cấp nước của REE có lợi nhuận ổn định qua các năm và dự kiến sẽ tăng trưởng cả về sản lượng lẫn doanh thu trong năm 2022. Theo lộ trình cho UBND TP.HCM ban hành, giá nước sẽ tăng từ 400-1.200 đồng/m3 trong năm 2022, đồng thời giá dịch vụ thoát nước cũng sẽ tăng khoảng 5%/năm cho tới 2025.

Việc đa dạng danh mục đầu tư vào các công ty/dự án ở mảng năng lượng: thủy điện, nhiệt điện, phong điện và điện mặt trời giúp duy trì lợi nhuận trong những thời kỳ thời tiết không thuận lợi cho thủy điện và điện mặt trời, cũng như hưởng ưu đãi dài hạn từ Quy hoạch Điện 8.

MBS khuyến nghị mua cho REE với giá mục tiêu là 92.300 đồng (tăng 8% so với mức giá đóng cửa phiên 1/7) bằng phương pháp định giá từng phần SOTP, phản ánh kỳ vọng về triển vọng tăng trưởng cao và bền vững với danh mục đầu tư các ngành tiện tích đa dạng và dòng tiền lớn về dài hạn đến từ cho thuê văn phòng e.Town 6, dự kiến hoàn thành vào 04/2023.

Thêm vào đó, mảng năng lượng tái tạo đang được tập trung phát triển với tổng công suất tăng thêm dự kiến năm 2022 lên đến 200 MW sẽ là mũi nhọn của REE trong những năm tới.

ACBS: Khuyến nghị mua với cổ phiếu DHG

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) đạt doanh thu 1.065 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ trong quý I. Đóng góp 85% tổng doanh thu tới từ doanh thu thành phẩm, tăng trưởng 13,5% so với quý I/2021, nhờ nhu cầu tăng đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 khi dịch bệnh bùng phát trong những tháng đầu năm nay.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, mức tăng trưởng này có thể không tiếp diễn trong các quý sau khi xét đến nền tương đối cao trong quý II và quý III của năm 2021. Dù vậy giả định này có thể thay đổi nếu làn sóng lây nhiễm tái diễn do các biến thể vi rút gây ra.

Kênh nhà thuốc vẫn là nguồn thu chính của DHG trong khi kênh bệnh viện chiếm khoảng 10%. DHG hiện có hai dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP Nhật Bản, cho phép doanh nghiệp đấu thầu ở những nhóm cao khi đấu thầu vào kênh bệnh viện. Việc nâng cấp thêm các dây chuyền lên các tiêu chuẩn cao hơn có thể diễn ra tùy theo tình hình thị trường và khả năng tạo doanh thu.

DHG cũng đang đầu tư cho một nhà máy beta-lactam mới tiêu chuẩn GMP Nhật Bản hoặc EU (vốn đầu tư 627 tỷ đồng), dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024 và tăng công suất hiện tại lên gấp đôi.

Nhờ biên lợi nhuận gộp tăng (47,4% trong quý I/2022 so với 44,3% trong quý I/2021) và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần giảm (21,3% trong quý I/2022 so với 22,2% trong quý I/2021), lợi nhuận trước thuế của DHG tăng 24,5% cùng kỳ, đạt 286 tỷ đồng trong quý I/2022.

Tuy nhiên, doanh nghiệp dự kiến biên lợi nhuận gộp năm 2022 có thể duy trì quanh mức của năm 2021, do giá nguyên vật liệu tăng do ảnh hưởng của chi phí vận chuyển. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần hiện tại có thể cũng sẽ không duy trì cho cả năm do DHG có thể thực hiện nhiều hoạt động trong các quý sau và ghi nhận thêm chi phí.

ACBS dự phóng tăng trưởng doanh thu của DHG ở mức 5,4% cùng kỳ trong năm 2022, trong đó doanh thu thành phẩm có thể tăng 7,8% cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế dự phóng là 903 tỷ đồng (tăng 4,5% cùng kỳ), so với kế hoạch của doanh nghiệp là 853 tỷ đồng.

Kết hợp phương pháp DCF và PER, giá mục tiêu ACBS đưa ra cho cổ phiếu DHG là 111.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời 26% so với thời điểm hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác