Đường tới Quốc hội: Chân dung ứng viên ĐBQH Phạm Tiến Hoài

Hoài Thương - 18/05/2021 08:10 (GMT+7)

(VNF) - Ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh và Giám đốc Công ty TNHH MTV thực phẩm Hạnh Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang là một trong 28 gương mặt doanh nhân tiêu biểu ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

VNF
Ông Phạm Tiến Hoài (bên trái) đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang hồi tháng 1/2021

Ông Phạm Tiến Hoài sinh ngày 13/3/1981, quê quán tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông tốt nghiệp kỹ sư Điều khiển tàu biển,  Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh.

Sau khi ra trường, ông Phạm Tiến Hoài rẽ hướng sang làm kinh doanh. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tại Công ty TNHH Thuốc Thú y 2/9 Cần Thơ và Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh trước khi giữ vị trí Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh và Giám đốc Công ty TNHH MTV thực phẩm Hạnh Nguyên như hiện nay.

Là người làm việc trong ngành chế biến nông sản xuất khẩu ở Hậu Giang hơn 10 năm, ông thấu hiểu và luôn trăn trở với những khó khăn của bà con trong việc bảo quản nông sản và tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy, ngoài việc đầu tư cho ngành chế biến nông sản thông qua Công ty Tiến Thịnh, ông đã đầu tư Trung tâm nông sản xuất khẩu có hệ thống kho lạnh sức chứa 100.000 tấn giải quyết khó khăn về việc bảo quản nông sản cho nông dân.

Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh có lĩnh vực sản xuất chủ yếu là chế biến nông sản để xuất khẩu và sản phẩm chính là nước ép trái cây, sản phẩm đông lạnh. Công ty có nhà máy rộng 20.000 m2, đặt tại ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Ông Phạm Tiến Hoài cho biết: Ngay từ khi triển khai đề án xây dựng nhà máy, công ty đã tiến hành song song những dự án liên kết với các tổ chức nông dân để phát triển vùng nguyên liệu bền vững cung cấp đầu vào cho sản phẩm.

Đó là những loại trái cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu trong vùng Tây sông Hậu như trái mãng cầu gai, trái tắc, trái chanh, trái nhàu, chuối, khóm, thanh long… Công ty đã tiến hành thu mua, chế biến và gửi đi tham gia ở các hội chợ quốc tế như Sial-Paris (Pháp), Fancy Food Show-New York (Hoa Kỳ), Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc). Qua đó, ông đã xác định được những ưu và nhược điểm để định hướng các sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nước ép trái cây như: nước ép mãng cầu gai, thanh long, chanh dây, trái tắc, trái chanh, trái nhàu…

Công ty đã liên kết chặt chẽ với các tổ chức nông dân, các hợp tác xã hình thành vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng, đảm bảo các hợp đồng cung cấp cho khách hàng nước ngoài. Thị trường của công ty thời gian qua chủ yếu là Canada, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Năm 2020, công ty đạt giá trị xuất khẩu khoảng 10 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 400 lao động.

Còn công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên chuyên cung cấp các dịch vụ cho ngành xuất khẩu nông sản tại miền Tây. Công ty đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Nhằm giúp nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam và tối ưu hóa chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt ở thị trường quốc tế, ông Phạm Tiến Hoài đã mạnh dạn đầu tư mô hình trung tâm logistics “một điểm đến đa dịch vụ”.

Ông Phạm Tiến Hoài (thứ 5 từ trái sang) giới thiệu mô hình trung tâm logistics “một điểm đến đa dịch vụ" tại tọa đàm “Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL”

Ông Hoài chia sẻ thêm: “Trung tâm này giải quyết được tất cả các khó khăn của 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (tức thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và nhà nhập khẩu”.

Với nhà nông, trung tâm là nơi quy tụ hằng trăm thương nhân để bà con nông dân giao dịch, chào bán nông sản; đặc biệt là có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì 10 ngày như trươc. Điều này giúp bà con nông dân không còn gặp áp lực về thời gian chốt giá, thoải mái tìm đầu ra cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận công bằng so với công sức, tiền của đã đầu tư, đồng thời không còn lâm cảnh “giải cứu nông sản” như thường thấy.

Với các doanh nghiệp nông sản, trung tâm này có kho dự trữ lên đến 100.000 tấn, xưởng phân loại, đóng gói, chiếu xạ, giúp các doanh nghiệp chế biến, đóng gói hiện đại, phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa.

Trung tâm còn mở ra hàng trăm gian hàng trưng bày sản phẩm để các doanh nghiệp giao dịch với các nhà nhập khẩu quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu quốc tế không cần phải đi khắp vùng ĐBSCL để tìm kiếm nguồn nông sản để nhập về nước họ như trước đây mà chỉ cần đến trung tâm trên để lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất.

Bên cạnh đó, ông Phạm Tiến Hoài cũng triển khai chuỗi phân phối các sản phẩm OCOP của Hậu Giang. Mô hình showroom OCOP Hậu Giang là nơi tập hợp trưng bày, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc... Mô hình này giúp kết nối các doanh nghiệp Hậu Giang, đặc biệt là các doanh nghiệp OCOP tạo thành một liên minh sức mạnh tập thể để phát triển thương hiệu sản phẩm thành đặc sản quốc gia và xa hơn nữa là định hướng đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ về chương trình hành động của mình, ứng viên ĐBQH Phạm Tiến Hoài cho biết: Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, nếu được tín nhiệm bầu làm ĐBQH, ông sẽ kiến nghị với Trung ương, với Quốc hội có thêm những chính sách cụ thể hơn hỗ trợ cho bà con nông dân để phát triển ngành nông sản của tỉnh Hậu Giang nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, ông sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư về Hậu Giang để tạo công ăn việc làm cho con em, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.