Ngân hàng

FiinGroup: Các ngân hàng niêm yết đặt kế hoạch lợi nhuận 2020 tăng 4,9% bất chấp Covid-19

(VNF) - FiinGroup cho hay, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mới nhất của các ngân hàng niêm yết đã thay đổi tích cực so với kế hoạch ban đầu và so với dự báo trước đây của giới phân tích chứng khoán.

FiinGroup: Các ngân hàng niêm yết đặt kế hoạch lợi nhuận 2020 tăng 4,9% bất chấp Covid-19

FiinGroup: Các ngân hàng niêm yết đặt kế hoạch lợi nhuận 2020 tăng 4,9% bất chấp Covid-19

Theo báo cáo Doanh nghiệp sau giai đoạn Covid-19: Triển vọng lợi nhuận năm 2020 và kết quả 6 tháng vừa được FiinGroup công bố, năm nay, các ngân hàng niêm yết đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 4,9% so với năm ngoái bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.

FiinGroup cho hay, mức kế hoạch này đã thay đổi tích cực so với kế hoạch ban đầu và so với dự báo của giới phân tích chứng khoán. Thực tế trước đó, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết được dự báo giảm 11,9% khi mà trong tâm điểm của dịch bệnh, các ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh rất “bi quan”.

"Triển vọng thay đổi được xem là “rất sáng” này của ngành ngân hàng một phần thể hiện được sự tự tin về triển vọng kinh doanh của ngành trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam và một phần có được trên cơ sở những chính sách về quy định hạch toán của các ngân hàng đối với dư nợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh", nhóm phân tích dữ liệu của FiinGroup nhận định.

Được biết, theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ được cơ cấu sẽ vẫn được hạch toán là Nợ đủ tiêu chuẩn và do đó không phải trích dự phòng.

Theo FiinGroup, bên cạnh việc duy trì lợi nhuận tín dụng từ danh mục dư nợ cũ (thay vì dư nợ tín dụng mới tăng trưởng rất chậm), các ngân hàng cũng tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư chứng khoán, nhất là đầu tư và kinh doanh trái phiếu. Điều này đạt được nhờ vào mặt bằng lãi suất/ lợi tức trái phiếu chính phủ tiếp tục duy trì ở mức thấp và qua đó giúp các ngân hàng có nguồn lợi nhuận chưa thực hiện từ danh mục trái phiếu đó.

Công ty dữ liệu này cho rằng bản chất hoạt động kinh doanh ngân hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh mà thậm chí đây là còn là cơ hội bứt phá với các ngân hàng áp dụng các công nghệ số tạo tiện ích cho khách hàng thay vì mô hình giao dịch truyền thống. Tác động bởi dịch bệnh đến ngân hàng chủ yếu nằm ở việc ảnh hưởng của dịch bệnh đến khách hàng của ngân hàng, bao gồm hai đối tượng chính là: đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng.

FiinGroup cho biết sức khỏe tài chính và khả năng chi trả lãi vay của doanh nghiệp đang đi xuống trong khi những ảnh hưởng của dịch bệnh đến thu nhập người tiêu dùng, nhất là trong một số ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, đi lại và các ngành bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm cầu xuất khẩu của Việt nam sẽ làm cho chất lượng tín dụng của các ngân hàng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

"Chúng tôi cho rằng tác động của Covid-19 đối với chất lượng tín dụng (và đồng nghĩa là tác động đến lợi nhuận) của ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định. Như lần khủng hoảng 2008 thì chúng tôi theo dõi chi phí dự phòng có độ trễ khoảng 4 quý (và cả việc thông qua cơ chế trái phiếu đặc biệt VAMC mà hiện phần lớn các ngân hàng đã giải quyết xong nhưng có ngân hàng vẫn còn phân bổ đến tận năm vừa qua)", báo cáo của FiinGroup nhấn mạnh.

Tựu trung, chi phí dự phòng cho chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được phân bổ vào các quý trong tương lai và tùy theo các thay đổi của chính sách hạch toán của ngân hàng.

"Do đó, sự duy trì tăng trưởng cao hiện nay và dư địa cho các năm tới nói chung của ngành ngân hàng sẽ góp phần hấp thụ chi phí tín dụng cho ảnh hưởng bởi Covid-19 đã diễn ra trong thời gian vừa qua, và có lẽ cả thời gian tới đối với một số ngành phụ thuộc vào xuất khẩu hoặc thương mại – du lịch quốc tế", báo cáo cho biết.

Chi tiết kế hoạch tăng trưởng của các ngân hàng niêm yết. Nguồn: FiinGroup

Cũng theo dữ liệu từ FiinGroup, 6 tháng đầu năm, 10 ngân hàng đã hoàn thành 51,9% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Ngoại trừ MBB và SHB ghi nhận sự giảm nhẹ thì 8 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh còn lại đều duy trì tăng trưởng tốt về lợi nhuận quý II.

Các ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao trên 20% trong quý II này bao gồm VIB (41%), HDB (39,7%), CTG (38,9%), TPB (30,4%) và VPB (20,6%). Theo FiinGroup, các ngân hàng này hầu hết đều là các ngân hàng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Riêng TPB thì gần đây nổi lên là “ngôi sao” trong việc phát hành và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.
 
Các ngân hàng đã hoàn thành trên 50% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm bao gồm VPB (58,7%), VIB (55,6%), ACB (52,4%) và hai ngân hàng đạt khoảng 50% kế hoạch năm là MBB và SHB.

Tin mới lên