G7 kêu gọi áp giá trần dầu Nga, Ấn Độ tuyên bố ‘sẽ cân nhắc kỹ lưỡng’
Mộc An -
06/09/2022 16:35 (GMT+7)
(VNF) - Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri cho biết nước này sẽ cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất áp giá trần với dầu Nga của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Tại Hội nghị và Triển lãm Gastech 2022 diễn ra ở Milan, Italy ngày 5/9, khi được hỏi liệu Ấn Độ có tham gia áp giá trần với dầu Nga hay không, ông Puri nói rằng nền kinh tế thế giới vẫn đang điều chỉnh để chống lại các tác động của đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine do đó Ấn Độ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của G7 và xem xét nó có ý nghĩa thế nào với nền kinh tế.
“Có rất nhiều nội dung đang được thảo luận do liên quan nhiều yếu tố”, vị bộ trưởng cho biết thêm.
Cũng theo ông Puri, vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ tham gia cơ chế giá trần của G7 và những tác động tiềm tàng của đề xuất đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
G7, gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia và Anh, ngày 2/9 đã nhất trí thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga với mục tiêu nhắm trực tiếp vào nguồn thu của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu, tránh được việc đẩy giá giá dầu leo thang cao hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng tỏ ra rất nghi ngờ về tính toàn vẹn của đề xuất này, đồng thời cảnh báo rằng chính sách này có thể phản tác dụng nếu những người tiêu dùng quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia.
Khi xung đột tại Ukraine mới nổ ra, sản xuất dầu của Nga lao dốc ngay sau đó. Tuy nhiên, 3 tháng qua, sản lượng dần phục hồi khi hoạt động lọc dầu trong nước bùng nổ và khách mua châu Á thế chân châu Âu. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng lớn nhất.
Theo ông Puri, Ấn Độ tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày và lượng dầu này chủ yếu đến từ Iraq, Ả Rập Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Vị bộ trưởng Ấn Độ lưu ý rằng đã có nhiều ý kiến chỉ trích việc Ấn Độ tăng mua dầu Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine nhưng trên thực tế dầu Nga chỉ chiếm khoảng 0,2% nhập khẩu dầu của Ấn Độ cuối tháng 3.
“Tôi phải nói rằng số dầu châu Âu mua một buổi chiều bằng chúng tôi mua cả quý. Chúng tôi mua từ Nga, nhưng cũng mua từ các nước khác nữa", ông Puri lưu ý thêm.
Khi được hỏi liệu có xung đột về đạo đức khi mua dầu Nga trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine hay không, ông Puri cho biết: "Không có xung đột nào cả. Tôi cũng có nghĩa vụ với người dân nước mình. Liệu có chính phủ nào có muốn để xảy ra tình trạng cạn kiệt xăng dầu hay không? Anh cứ nhìn các nước xung quanh Ấn Độ mà xem".
Hiện vẫn chưa rõ G7 sẽ thực hiện kế hoạch áp giá trần với dầu Nga thế nào. Các chi tiết dự kiến sẽ được hoàn thiện trước đầu tháng 12 khi các lệnh trừng phạt của EU đối với hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển có hiệu lực.
Chia sẻ với CNBC, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng những nỗ lực đưa ra mức trần với giá dầu của Nga đòi hỏi phải có cam kết quốc tế rộng rãi mới có thể thành công.
Theo ông Le Maire, thay vì một biện pháp chỉ dành cho phương Tây, sáng kiến này nên được thực hiện như một “biện pháp toàn cầu chống lại chiến sự”.
Điện Kremlin thì tuyên bố rằng Nga sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần đối với năng lượng Nga và nói rằng việc áp giá trần như vậy sẽ gây ra sự bất ổn lớn với thị trường dầu toàn cầu.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.