Dòng chảy phương Bắc dừng vô thời hạn, giá khí đốt châu Âu tăng dựng đứng

Mộc An - 05/09/2022 20:42 (GMT+7)

(VNF) - Giá khí đốt châu Âu tiếp tục bước vào chu kỳ tăng giá mới sau khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom thông báo sẽ khóa vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), làm dấy lên nỗi lo sợ mới về khủng hoảng khí đốt tại lục địa già.

VNF
Giá khí đốt châu Âu tiếp tục bước vào chu kỳ tăng giá mới.

Vừa mở cửa phiên giao dịch ngày 5/9, giá khí đốt giao tháng 10 trên sàn TTF ở Hà Lan đã tăng lên 256 euro/MWh rồi nhanh chóng vọt lên mức gần 280 euro/MWh, tăng khoảng 40% so với mức 200 euro/MWh khi đóng phiên giao dịch ngày 2/9. So với cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng xấp xỉ 500%.

Việc giá khí đốt tăng mạnh trong phiên đầu tuần này đúng như kịch bản mà nhiều nhà phân tích đã đưa ra.

Trước đó, ông Nathan Piper, một nhà phân tích thị trường khí đốt và dầu tại công ty dịch vụ tài chính Investec (Nam Phi), đã dự đoán rằng giá khí đốt ở Anh cũng như châu Âu sẽ tăng kỷ lục trong tuần này và sẽ tiếp tục tăng nóng trong mùa đông tới khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao.

Dòng chảy phương Bắc là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Lưu lượng khí đốt qua đường ống này đã giảm còn 40% công suất trong tháng 6 và chỉ hoạt động với 20% công suất trong tháng 7 vì lý do kỹ thuật.

Hồi tuần trước, Gazprom ngày 2/9 thông báo đóng vô thời hạn đường ống này dù ban đầu đường ống dự kiến sẽ khởi động lại vào ngày 3/9 sau khi tuabin chính được sửa chữa.

Theo thông cáo của Gazprom, quyết định được đưa ra sau khi tập đoàn này phát hiện hiện tượng rò rỉ dầu động cơ trong tuabin trong khi tiến hành kiểm tra chung với nhà sản xuất Siemens Energy tại trạm máy nén Portovaya gần thành phố St.Petersburg, Đức.

Gazprom đồng thời nhấn mạnh rằng tuabin không thể hoạt động an toàn cho đến khi hiện tượng rò rỉ được sửa chữa.

Các nền kinh tế lớn của châu Âu hiện đang phải lấp đầy các kho dự trữ khí đốt khổng lồ, được thiết kế để đối phó với việc cắt giảm nguồn cung trong vài tuần.

Ở động thái liên quan, trước việc Nga liên tục siết nguồn cung khí đốt trong những tháng trở lại đây, ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), cho biết khối này sẵn sàng ứng phó với kịch bản xấu nhất là Nga cắt hoàn toàn khí đốt tới Nga.

Vị quan chức EU đồng thời cho biết liên minh này sẽ tiết kiệm và chia sẻ năng lượng, duy trì mức dự trữ cao để luôn ở thế chủ động trước mọi tình huống.

Theo ông Gentiloni, trữ lượng khí đốt hiện tại của EU hiện ở mức khoảng 80% nhờ sự đa dạng hóa nguồn cung.

Xem thêm >> Sát ‘giờ G’, loạt doanh nghiệp châu Âu xin miễn trừ trừng phạt Nga

Cùng chuyên mục
Tin khác