G7 lo ngại về các chính sách kinh tế 'cưỡng chế' của Trung Quốc

Quỳnh Anh - 13/12/2021 14:48 (GMT+7)

(VNF) - Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển lớn đang lo ngại về các chính sách kinh tế “cưỡng chế” của Trung Quốc – một phần của hình thức ngoại giao mà giới phê bình cho là “bẫy nợ” với các quốc gia đang phát triển, ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết hôm sau buổi họp của G7 vào ngày 12/12 tại Liverpool.

VNF
Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Ngoại trưởng Mỹ Atony Blinken trong buổi họp báo ngày 12/12.

Ngày 11/12, các ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Liverpool của Anh. Tại đây, những nhà ngoại giao hàng đầu của 7 nền kinh tế lớn đã tham gia thảo luận một số vấn đề về tình hình kinh tế thế giới và biện pháp hồi phục kinh tế hậu Covid-19.

Trong buổi họp báo kết thúc hội nghị kéo dài 2 ngày vào ngày 12/12 vừa qua, ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ trong cuộc họp cuối tuần này rằng chúng tôi lo ngại về các chính sách kinh tế mang tính cưỡng chế của Trung Quốc. Và những gì chúng tôi muốn làm là xây dựng phạm vi đầu tư, phạm vi thương mại kinh tế, của các nền dân chủ cùng chí hướng, yêu tự do”.

Tuy vậy, bà Truss nhấn mạnh G7 muốn cùng nhau hành động vì Bắc Kinh chứ không phải thành lập “câu lạc bộ chống Trung Quốc”.

Các bộ trưởng đã thảo luận về “tình hình ở Hong Kong và Tân Cương,” nơi Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, và “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Các bộ trưởng G7 và những người đồng cấp của họ từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – trong một cuộc họp thuộc khuôn khổ của hội nghị G7, đã tái khẳng định “mối quan tâm chung của họ trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực với ảnh hưởng ngày càng tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên một số bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia ASEAN tham dự hội nghị của G7, nhằm thảo luận về các chính sách đối với Trung Quốc. Ngoại trừ Myanmar không thể tham gia do vấn đề chính trị trong nước, các đại diện Brunei và Philippines đã trực tiếp tới Liverpool để tham dự hội nghị, trong khi 7 bộ trưởng còn lại tham gia họp theo hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nhấn mạnh rằng ASEAN là chìa khóa để đạt được một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ngoài ra, G7 và ASEAN đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong việc đảm bảo phục hồi kinh tế sau thảm họa do virus SARS-CoV-2 lây lan.

Bên cạnh vấn đề liên quan tới Trung Quốc, trong 2 ngày hội đàm, các ngoại trưởng của G7 cũng chia sẻ những lo ngại về việc Nga xây dựng quân đội gần biên giới với Ukraine, dẫn tới tuyên bố rằng Moscow sẽ phải đối mặt với "hậu quả to lớn và cái giá phải trả nghiêm trọng" nếu nước này tham gia vào các hành động gây hấn quân sự đối với Ukraine.

G7 tái khẳng định "cam kết kiên định" của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước sự xâm lược của Nga trong khi ca ngợi "tư thế kiềm chế" của quốc gia Đông Âu.

Đối với các hoạt động hạt nhân của Iran, các bộ trưởng G7 hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán vào cuối tháng 11 giữa Tehran và Washington về việc quốc gia Trung Đông quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015, theo đó Iran đã đồng ý với 7 cường quốc để hạn chế chương trình hạt nhân của mình để được giảm bớt các biện pháp trừng phạt.

Xem thêm >> Giận dữ với tuyên bố chung của G7, Trung Quốc đưa ra yêu cầu ‘3 không’

Theo Nikkei Asia
Cùng chuyên mục
Tin khác