Tài chính quốc tế

Gần 400 tấn vàng được gom trong 6 tháng: Quốc gia nào có nhiều vàng dự trữ nhất?

(VNF) - Làn sóng mua vàng tích trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi số lượng vàng dự trữ đã lên tới gần 400 tấn chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã dự trữ lượng vàng lớn nhất từ trước đến nay, lên tới khoảng 1.083 tấn. Bước sang năm 2023, làn sóng mua vàng tích trữ của các quốc gia vẫn tiếp diễn ra khi có tới 387 tấn vàng ròng được mua vào trong nửa đầu năm nay.

Theo thống kê của Statista, tính đến quý II/2023, Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu về số lượng vàng dự trữ với hơn 8.133 tấn. Tiếp sau đó là Đức với khoảng 3.352 tấn, Ý với hơn 2.451 tấn, Pháp với hơn 2.436 tấn, Liên bang Nga với 2.329 tấn và Trung Quốc với 2.113 tấn.

Có thể thấy rằng lượng vàng dự trữ của Mỹ hiện đang nhiều gấp hai lần của Đức, gấp ba lần trữ lượng vàng của Ý và Pháp.

Chi tiết về lượng vàng dự trữ của các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù đứng thứ 6 về lượng vàng dự trữ nhưng lượng vàng được khai thác ở Trung Quốc lại nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngoài ra, Australia cũng là nơi có trữ lượng mỏ vàng lớn nhất toàn cầu và nước sản xuất vàng lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đã trở thành những người mua vàng ròng nhiều nhất và duy trì vị thế này kể từ đó đến nay.

Vàng càng ngày càng được coi là một giải pháp thay thế an toàn cho các loại tiền dự trữ như đồng USD, euro và yên Nhật nhờ tính thanh khoản, không có rủi ro vỡ nợ, tính đồng nhất, tính phổ biến cùng khả năng giữ giá.

Theo Business Insider, các ngân hàng trung ương trên thế giới sử dụng vàng để đa dạng hóa nguồn dự trữ và tránh phụ thuộc quá mức vào đồng USD, củng cố bảng cân đối kế toán và đạt được thanh khoản từ loại tài sản không có rủi ro tín dụng.

Trong những năm gần đây, hệ thống thanh toán của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đã được Mỹ và các nước đồng minh tận dụng để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cả Iran vào năm 2015 và đối với Nga vào năm 2022. Đây được xem là chiến thuật “vũ khí hóa” đồng USD.

Việc một chính phủ coi các biện pháp trừng phạt quốc tế là mối đe dọa thực sự sẽ thúc đẩy quá trình chuyển từ tài sản bằng đồng USD sang các loại tài sản khác như vàng, đặc biệt là trong trường hợp họ gặp lệnh trừng phạt từ quốc gia có tiền tệ dự trữ.

Giá vàng tăng mạnh khi nợ toàn cầu tăng.

Giá vàng tăng hơn 586% trước sự gia tăng thanh khoản và nợ toàn cầu. Điều này một phần là do các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyển sang vàng để chống lại những rủi ro dài hạn xuất phát từ nợ và tính thanh khoản ngày càng tăng của các ngân hàng trung ương.

Các thị trường mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, chiếm tỷ trọng lớn trong lượng mua vàng ròng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lượng dự trữ vàng của các thị trường mới nổi vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển khác về cả tổng lượng vàng nắm giữ và tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối.

Mua vàng chỉ là một khía cạnh của quá trình phi USD hóa. Một số quốc gia cũng đang tìm cách nâng cao vai trò của đồng tiền của mình trong các giao dịch xuyên biên giới. 

Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã khởi xướng các thỏa thuận thương mại thanh toán bằng đồng NDT, trong khi Indonesia đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm quốc gia nhằm mở rộng việc sử dụng các giao dịch bằng đồng nội tệ với các nước đối tác.

Trong một bài phát biểu video tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quá trình phi USD hóa là một "quá trình không thể đảo ngược" và đang đạt được những động lực nhất định.

Tin mới lên