GFS thúc đẩy phát triển KHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Lan Thu - 18/12/2021 17:17 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 16/12/2021, trong khuôn khổ hội thảo khoa học “Sáng tạo Khoa học Công nghệ thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội Việt Nam” do Quỹ Vifotec - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Tập đoàn GFS đã trình bày một số bài tham luận về việc đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh tại doanh n

VNF
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Tổng giám đốc GFS đại diện phát biểu tham luận

Đây là nội dung cần phải được các doanh nghiệp coi trọng để có đủ tiềm lực cạnh tranh và phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu của kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt với bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua tại Việt Nam đã cho thấy: những doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới lại là những doanh nghiệp ít bị tổn thương nhất, đó là các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, sản xuất các sản phẩm sinh học, các loại vắc xin như Pfizer hoặc Astrazeneca, khẩu trang y tế…

Sớm nắm bắt được ý nghĩa của sự chuyển dịch từ hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống sang kỷ nguyên công nghệ, Tập đoàn GFS với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư các dự án bất động sản cùng các thành tựu nghiên cứu khoa học đã đạt được, ngoài những giải pháp được áp dụng phổ biến, đã cùng đơn vị thành viên chủ lực là Viện Công nghệ GFS (trực thuộc VUSTA) quy tụ, hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực (công nghệ xây dựng; nông nghiệp hữu cơ và thủy sản công nghệ cao; công nghệ sinh học…).

Viện Công nghệ GFS đã và đang sở hữu trên 40 phát minh, sáng chế trong lĩnh vực xây dựng gồm: nền móng, kết cấu, vật liệu và các giải pháp công nghệ tối ưu khác.

Hiện Viện công nghệ GFS đã và đang triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ xây dựng của Tập đoàn GFS, như nghiên cứu sử dụng tro bay thải từ nhà máy nhiệt điện để sản xuất tấm Panel sàn và tường phục vụ nhu cầu xây dựng nhà lắp ghép theo công nghệ mới.

Viện Công nghệ GFS đã nghiên cứu và phối hợp với đối tác chiến lược, sản xuất thành công tấm panel sàn, panel tường bê tông AAC sử dụng 70% là tro bay đã tuyển nổi từ tro xỉ xả thải của nhà máy nhiệt điện thay cho nguyên liệu cát nghiền.

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Đức, với một số ưu điểm nổi bật: trọng lượng nhẹ (700 kg/m3); chịu tải cao (1.000 kg/m2 cho nhịp vượt 4,8m), cách âm, cách nhiệt tốt, độ chính xác cao, phù hợp với các công trình xây dựng lắp ghép, có thể giảm ~ 20% tổng chi phí xây dựng khi đạt sản lượng trên 200.000m2 sàn/ năm, đáp ứng tốt các yêu cầu công nghệ xây dựng các công trình nhà ở dân dụng và nhà công nghiệp.

Viện công nghệ GFS cũng ứng dụng công nghệ tiền chế để xây dựng khu một số khu thiết chế công đoàn và nhà xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp

Công nghệ xây dựng trên thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, hiện đại với diện tích xây dựng rất lớn chỉ trong vài ngày, vài tuần tại Mỹ, Ba Lan, Trung Quốc,... bằng công nghệ lắp ghép các cấu kiện bê tông đúc sẵn, các Module đã hoàn thiện ở quy mô công nghiệp đã là hiện thực và giờ đây ngành xây dựng Việt Nam không thể đứng ngoài “sân chơi” này.

Tập đoàn GFS đã phối hợp với trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại cấu kiện bằng vật liệu mới đạt tiêu chuẩn chất lượng trong xây dựng nhà tiền chế.

Tập đoàn GFS sẽ sử dụng công nghệ tiền chế với tấm panel sàn, panel tường sản xuất từ 70% tro bay nhà máy nhiệt điện để xây dựng các nhà ở cao tầng chất lượng cao, đảm bảo thẩm mỹ và giá thành cạnh tranh tại các Khu thiết chế Công đoàn tại: Hưng Yên, Nam Định và Khánh Hòa với quy mô 2.500 – 4.000 công nhân/ khu thiết chế. Theo tính toán của các chuyên gia, tổng chi phí xây dựng có thể giảm đến 20% do rút ngắn được khoảng 20-25% thời gian thi công, đồng thời giảm được 35-40% số lượng công nhân và bụi thi công tại hiện trường.

Thiết kế khu Thiết chế công đoàn tại Nam Định Tập đoàn GFS dự kiến triển khai

Ngoài ra, Viện công nghệ GFS còn sản xuất cấu kiện chắn sóng làm bằng bê tông Geopolymer (Bê tông xanh không sử dụng xi măng).

Năm 2021, Tập đoàn GFS đã nghiên cứu và sản xuất thành công cấu kiện chắn sóng bằng bê tông Geopolymer từ nguyên liệu chính là tro xỉ thải nhà máy nhiệt điện, không dùng xi măng, tạo được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đủ điều kiện thay thế cấu kiện bê tông xi măng, cát, sỏi hiện nay.

Ngoài lĩnh vực xây dựng, trong lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Tập đoàn GFS cũng là một trong các đơn vị tiên phong đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn biến “Việt Nam sẽ là vườn dược liệu của thế giới” cùng những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị, bền vững và đặc sắc. Với mục tiêu phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.

Bên cạnh đó, phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.

Tập đoàn GFS đã phối hợp cùng Viện Dược liệu đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KHCN nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của các địa phương và hướng tới xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, phát triển các sản phẩm: Đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, bạch truật, sâm bố chính. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.

Cùng với đó, Tập đoàn GFS dự kiến liên kết phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nghiên cứu đề tài “ Tích hợp công nghệ đa ngành để phát triển bền vững nuôi biển tại Việt Nam”.

Mục tiêu của đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tích hợp các ngành: ngành nuôi hải sản, du lịch, ngành dầu khí, ngành cơ khí và đóng tàu, ngành năng lượng, ngành kinh tế số và tự động hóa, ngành quốc phòng an ninh.

Cùng chuyên mục
Tin khác