Giá điện mặt trời sau 30/6: Bộ Công Thương đề xuất chỉ 1 giá trên toàn quốc

Vĩnh Chi - 20/09/2019 15:44 (GMT+7)

(VNF) – Trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương xin Thủ tướng phê duyệt quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo phương án 1 giá điện, áp dụng trên toàn quốc.

VNF
Ảnh minh họa

Theo phương án này, giá điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, giá điện mặt trời mặt đất là 1.620 đồng/kWh, giá điện mặt trời áp mái là 1.916 đồng/kWh.

Bộ Công Thương cho rằng phương án 1 giá có ưu điểm là chính sách giá FIT đơn giản, không cần phải hỗ trợ cho các vùng có tiềm năng bức xạ thấp.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là khuyến khích kém hơn đối với các dự án tại khu vực miền Bắc, miền Trung. Các dự án điện mặt trời đã quy hoạch tại vùng 1, vùng 2 theo dự thảo trước đây khó thực hiện hơn.

Ngoài ra, do tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại các khu vực tiềm năng bức xạ tốt nên có nguy cơ quá tải lưới điện truyền tải. Do các dự án điện mặt trời chỉ tập trung tại một vùng nên khả năng vận hành điều độ hệ thống truyền tải sẽ khó khăn hơn, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng càng khó khăn hơn.

Được biết, trước đó, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án điện mặt trời: phương án 4 vùng và 2 vùng.

Ở phương án 4 vùng, vùng 1 có giá cao nhất (2.281 đồng/kWh cho điện mặt trời nổi; 2.102 đồng/kWh cho điện mặt trời mặt đất; 2.156 đồng/kWh cho điện mặt trời áp mái).

Vùng 2 có giá thấp hơn, lần lượt là: 1.963 đồng/kWh cho điện mặt trời nổi; 1.809 đồng/kWh cho điện mặt trời mặt đất; 2.156 đồng/kWh cho điện mặt trời áp mái.

Vùng 3 có giá thấp hơn nữa, lần lượt là: 1.758 đồng/kWh cho điện mặt trời nổi; 1.620 đồng/kWh cho điện mặt trời mặt đất; 2.156 đồng/kWh cho điện mặt trời áp mái.

Vùng 4 có giá thấp nhất, lần lượt là: 1.655 đồng/kWh cho điện mặt trời nổi; 1.525 đồng/kWh cho điện mặt trời mặt đất; 2.156 đồng/kWh cho điện mặt trời áp mái.

Phương án 4 vùng giá được cho là sẽ khuyến khích việc phát triển điện mặt trời trên toàn quốc, giảm thiểu nguy cơ quá tải lưới điện, giảm tranh chấp quá mức về đất đai đối với các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là làm tăng chi phí sản xuất điện và làm sức ép tăng giá điện bán lẻ nhiều hơn so với phương án ít vùng.

Bên cạnh phương án 4 vùng, Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án 2 vùng. Theo đó, giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 là 8,38 cent một kWh (khoảng 1.916 đồng); thấp nhất 7,09 cent (tương đương 1.758 đồng) mỗi kWh với dự án điện mặt trời mặt đất. Tương tự, các mức giá tại vùng 2 (6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận...) lần lượt là 7,89 cent, khoảng 1.803 đồng và 6,67 cent (1.525 đồng) một kWh.

Cũng tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết: các tính toán sơ bộ cho thấy trong trường hợp năm khô hạn, để đảm bảo cân đối cung cầu giai đoạn 2021- 2023, cả nước cần bổ sung khoảng 6,3GW điện mặt trời và 1,2GW điện gió so với khối lượng đã được bổ sung quy hoạch.

Đối với kịch bản chậm trễ thêm các dự án nhiệt điện: Thái Bình 2, Long phí 1 thì cần bổ sung thêm 8GW điện mặt trời và 2,2GW điện gió.

“Nguồn điện gió và mặt trời bổ sung quy hoạch cần phải lựa chọn các dự án nằm tại hệ thống điện miền Nam và gần trung tâm phụ tải thì mới có thể vào vận hành kịp tiến độ 2021- 2023”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Bộ Công Thương cho rằng để huy động nguồn điện mặt trời nhanh chóng, bù đắp khả năng thiếu hụt điện năng tại miền Nam, cần có cơ chế khuyến khích về giá điện cố định (FIT) đối với điện mặt trời trong giai đoạn đến hết năm 2021. Việc này nhằm thúc đẩy các dự án đã có trong quy hoạch triển khai đầu tư (4.800MW) và một phần các dự án đã đăng ký hoàn tất các yêu cầu về quy hoạch, đấu nối, chuẩn bị dự án và triển khai thi công (khoảng 17.000MW).

Cùng chuyên mục
Tin khác