Thiếu điện nghiêm trọng 2020 – 2023: Đề xuất quy hoạch thêm 6.000MW điện mặt trời, 1.200MW điện gió
Xuân Hải -
27/08/2019 14:25 (GMT+7)
(VNF) – Theo tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong trường hợp năm khô hạn, thiếu hụt điện năng sẽ xảy ra ở tất cả các năm, từ 2019 – 2025. Giai đoạn thiếu hụt nghiêm trọng nhất tập trung ở giai đoạn 2020 – 2023, với sản lượng thiếu hụt từ 1,5 tỷ kWh - 5 tỷ kWh. Các năm còn lại thiếu từ 100 triệu kWh – 500 triệu kWh.
Thiếu hụt điện nghiêm trọng giai đoạn 2020 - 2023
Để tính toán cân đối cung cầu điện giai đoạn đến 2025, Viện Năng lượng đã đưa ra các giả thiết về: công suất điện gió – điện mặt trời, lượng điện nhập khẩu từ Lào, giới hạn truyền tải liên kết Bắc – Trung – Nam và tiến độ các dự án nguồn điện.
Cụ thể, về công suất điện gió, Viện Năng lượng dự kiến năm 2019, công suất điện gió là 490 MW, năm 2020 là 1.010 MW, năm 2021 là 2.730 MW, năm 2022 là 3.630 MW, năm 2023 – 2025 là 4.830 MW.
Công suất điện mặt trời dự kiến năm 2019 là 4.790 MW, năm 2020 là 6.670 MW, năm 2021 là 8.050 MW, năm 2023 là 9.250 MW, năm 2024 là 10.000 MW và năm 2025 là 10.500 MW.
Từ năm 2022, Viện Năng lượng dự kiến Việt Nam sẽ mua điện từ các nhà máy điện của Lào (ngoài Quy hoạch 7 điều chỉnh). Tới năm 2025, tổng công suất đặt mua điện từ Lào gồm cả các nhà máy hiện trạng sẽ đạt 3.000 MW.
Về truyền tải liên kết Bắc – Trung – Nam, giới hạn truyền tải Bắc – Trung đạt 2.200 MW, giới hạn truyền tải Trung – Nam đạt 4.200 MW. Từ năm 2020 khi xây dựng xong ĐZ 500 kV Vũng Áng – Dốc Sỏi – PleiKu thì năng lực truyền tải trên tuyến Bắc – Trung nâng lên 4.200 MW. Khi ĐZ 500 kV Krong Buk – Tây Ninh đi vào vận hành thì năng lực truyền tải Trung – Nam tăng lên 6.000 MW.
Dựa trên các nguồn dự kiến này, với tình trạng hàng loạt dự án điện chậm tiến độ, Viện Năng lượng đã tính toán 2 phương án cân bằng điện năng của hệ thống: phương án 1 (với tần suất nước: năm nước trung bình 50%) và phương án 2 (với tần suất nước: năm nước khô hạn 75%).
Với phương án 1, Viện Năng lượng tính toán cân bằng điện năng của hệ thống sẽ là số âm từ năm 2020 đến năm 2024. Số âm lần lượt là: -264 GWh, -745 GWh, -1442 GWh, -1778 GWh, -115 GWh.
Kết quả này đồng nghĩa với việc đã xuất hiện khả năng thiếu hụt điện năng trong hệ thống điện với sản lượng khoảng 264 triệu kWh vào năm 2020 và gần 1,8 tỷ kWh vào năm 2023.
Các nhà máy điện toàn quốc sẽ vận hành với số giờ Tmax trên 6.500 giờ/năm trong giai đoạn 2020 – 2024, điều này tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Với phương án 2, do khô hạn nên sản lượng thủy điện của phương án 2 thấp hơn phương án 1 khoảng 15 tỷ kWh/năm, vì vậy thiếu hụt điện năng sẽ xảy ra ở tất cả các năm, từ 2019 – 2025.
Giai đoạn thiếu hụt nghiêm trọng nhất tập trung ở giai đoạn 2020 – 2023, với sản lượng thiếu hụt từ 1,5 tỷ kWh - 5 tỷ kWh. Các năm còn lại thiếu từ 100 triệu kWh – 500 triệu kWh.
Huy động điện mặt trời, điện gió để bù đắp điện năng thiếu hụt
Theo Viện Năng lượng, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, cần sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể thực hiện nhanh, đáp ứng tiến độ vận hành ngày từ năm 2021.
Cụ thể, Viện đề xuất chuyển đổi nhiên liệu cho nhiệt điện Hiệp Phước 375 MW từ sử dụng FO sang sử dụng LNG; xây dựng cơ chế cung cấp LNG cho nhà máy để có thể đưa vào vận hành từ năm 2021 (có thể sử dụng LNG từ kho LNG Hải Linh);
Bổ sung thêm các nguồn điện mặt trời và điện gió; tiếp tục ký hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào phù hợp với biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai chính phủ.
Về điện mặt trời – điện gió, Viện Năng lượng tính toán rằng: để đảm bảo cân đối cung cầu điện theo phương án 1 (năm nước trung bình 50%) điện gió cần đạt công suất lần lượt là: 2.730 MW (2021), 3.630 MW (2022), 4.830 MW (2023 – 2025); điện mặt trời cần đạt công suất lần lượt là: 9.650 MW (2021), 11.700 MW (2022), 13.850 MW (2023 – 2025).
Theo phương án 2 (năm nước khô hạn 75%), điện gió cần đạt công suất lần lượt là: 4.830 MW (2021), 5.230 MW (2022), 6.030 MW (2023 - 2025); điện mặt trời cần đạt công suất lần lượt là: 11.500 MW (2021), 13.700 MW (2022), 16.250 MW (2023 – 2025).
Kết quả này cho thấy để đảm bảo cân đối cung cầu giai đoạn 2023 – 2025, ngay cả trong trường hợp năm khô hạn, cần bổ sung quy hoạch thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.200 MW điện gió vào vận hành trong giai đoạn 2021 – 2023 so với số lượng đã được bổ sung quy hoạch.
Trong đó, nguồn điện gió và điện mặt trời bổ sung quy hoạch thêm đều lựa chọn các dự án nằm tại hệ thống điện miền Nam, gần trung tâm phụ tải thì mới có thể đưa vào vận hành kịp tiến độ 2021 – 2023.
“Để có thể tích hợp khối lượng lớn nguồn điện gió và mặt trời như trên, các nguồn điện gió và điện mặt trời bổ sung mới cần nằm ở trung tâm phụ tải miền Nam, giảm nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải. Ngoài ra, cần sớm đưa vào vận hành thủy điện tích năng Bác Ái theo đúng tiến độ trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, đồng thời bổ sung nguồn pin tích năng ngay từ các năm 2022- 2023 tại khu vực miền Nam”, Viện Năng lượng cho hay.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.