Giá gạo tăng từng ngày, Bộ Công Thương hỏa tốc cảnh báo không mua gom ồ ạt

Kỳ Thư - 04/08/2023 20:28 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố đôn đốc các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung gạo cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.

VNF
Giá gạo tăng từng ngày, có thời điểm đứng đầu thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.

Theo đó, trước tình hình thị trường lúa gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm định mức tăng giá thực hiện trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh phối hợp, chỉ đạo Sở Công Thương địa phương đốc đốc doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, chắc chắn cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Các tỉnh được yêu cầu chỉ đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự kiến lưu trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung cấp ứng dụng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu với mục đích đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường trong nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp "tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn cho thị trường, mất cân đối cũng như cầu cục bộ, đẩy giá thóc gạo trong nước tăng bất hợp lý", Văn bản hoả tốc của Bộ Công Thương có ghi.

Về giá lúa gạo trên thị trường, theo Bộ Công Thương, giá lúa gạo hôm nay ngày 4/8/2023 tại thị trường trong nước tiếp tục tăng 200 – 300 đồng/kg, giá gạo xuất khẩu cũng tăng 5 USD/tấn.

Cụ thể, ngày 4/8/2023 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100 - 200 đồng/kg với nhiều chủng loại lúa.

Theo đó, tại kho An Giang hôm nay, giá lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800 – 7.200 đồng/kg; OM 18 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.900 – 7.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) ở mức 6.500 - 6.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 5 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 598 USD/tấn (13,7 triệu đồng/tấn), tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 578 USD/tấn (13,2 triệu đồng/tấn), tăng 5 USD/tấn.

Riêng gạo thơm Jasmine (gạo Thái thơm) xuất khẩu lên mức 733 USD/tấn (gần 17 triệu đồng/tấn), tăng 45 USD/tấn so với ngày 1/8 và tăng 110 USD/tấn so với ngày 20/7.

Trước đó, ngày 20/7 (đúng thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng), giá gạo Việt Nam chào bán với mức giá 533-537 USD/tấn (phân khúc 5% tấm) và 513-517 USD/tấn, tăng thêm 15 USD/tấn đối với cả 2 phân khúc là gạo 5% tấm và gạo 25% tấm.

Mới đây, trước những diễn biến bất thường của thị trường gạo thế giới và việc Ấn Độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu gạo, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới; đề xuất Bộ Công Thương đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới khi nhu cầu và giá gạo xuất khẩu đang tăng mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.