Giá lúa gạo giảm 30%: Nhà nông lo lắng nhưng DN vẫn 'chờ' rẻ hơn

Kỳ Thư - 04/03/2024 09:28 (GMT+7)

(VNF) - Đồng bằng sông Cửu Long đang vào chính vụ thu hoạch lúa khiến giá bán giảm mạnh, có thời điểm giảm tới 30%. Trước thực tế này, bên canh các nguyên nhân khách quan về nguồn cung tăng mạnh, đầu ra khó khăn... thì nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình trạng chậm mua để chờ giá xuống như một cách "ép" giá của các DN. Điều này chỉ có lợi trước mắt nhưng đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo về lâu dài.

VNF
Giá lúa gạo giảm 30%: ‘Đại diện Vinafood nói nông dân vẫn có lãi’.

Chậm mua để chờ giá xuống

Mới đây, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, vừa qua có thông tin là giá lúa giảm khoảng 30% và các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống.

Bà Tâm cho biết, “Do giá lúa gạo trong thời gian tăng cao liên lục trong quý 3, 4/2023 sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm từ giữa tháng 1.2024, mức giảm là từ trên 9.000 đồng/kg xuống 7.300 đến 7.800/kg. Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn của vụ đông xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước. Năm 2023 giá tăng đột biến và hiện nay giảm nhưng giảm trên nền giá cao trước đó".

Thậm chí, bà Tâm khẳng định, giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội Tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến.

Giải thích thêm về nguyên nhân chính dẫn đến giá gạo giảm như vừa qua là do hiện nay đang vào thu hoạch chính vụ, tất cả các cánh đồng đều thu hoạch và các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm. Hiện nay tất cả các vùng cùng thu hoạch một lúc thì nảy sinh sự ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa. Hơn nữa để thu mua được 6 triệu tấn gạo, phải chuẩn bị về tín dụng ngân hàng, chuẩn bị logistics nên sẽ ùn ứ, chậm hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay, Thái Lan, Philippine, Indonesia cũng cũng thu hoạch vào đúng tháng 3-5. Ngoài ra, một số nước châu Phi hiện nay đang tồn nhiều gạo. Philippines hiện cũng tồn gạo với giá cao nên họ phải tiêu thụ ở trong nước trước, sau đó mới tiếp tục nhập khẩu.

Giải thích từ phía DN là thế, tuy nhiên, trong công điện mới đây của Thủ tướng lại cho thấy một thực tế khác. Cụ thể, Thủ tướng đã nêu hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Vì thế, Thủ tướng cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

Thực trạng DN chậm mua để chờ giá xuống không phải là mới, mà theo nhiều DN đây cũng là 1 cách 'ép' giá toàn thị trường khi nguồn cung tăng. Và tất nhiên, điều này sẽ khiến người nông dân bị thiệt thòi.

Cũng tăng, doanh nghiệp chậm mua đẩy giá lúa giảm mạnh.

Xuất khấu khó khăn, đề xuất mua dự trữ lúa gạo

Trong nước tăng cung nhưng đầu ra xuất khẩu không còn thuận lợi như năm ngoái khiến DN cũng gặp nhiều khó khăn. 

Tháng 1 vừa qua Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn. Tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao. Tuy nhiên, việc mở rộng xuất khẩu là không dễ dàng. 

“Vừa qua, Vinafood 1 có chào hàng một số nhà nhập khẩu nhưng họ nói "sẽ nghiên cứu thêm và có thể trao đổi sau. Giá cả thị trường thế giới hiện nay đang có sự điều chỉnh. Việt Nam chỉ chiếm 15-18% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới", bà Tâm cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Vinafood 1 có nêu việc xuất khẩu gạo khó khăn do giá xuống, một số nước không chào gạo Việt Nam, một số thương nhân bỏ "kèo" khi mua hàng của bà con.

“Đây là hiện tượng có thật, nhưng suy cho cùng vẫn là do chúng ta. Bằng giờ này năm ngoái, tôi cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trong miền Nam đã nói rất rõ điều này và tiếp tục tham mưu Thủ tướng giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Nhưng điều quan trọng bây giờ là Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam, các tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực này phải là đầu tàu trong việc kiểm soát được giá, cũng như kiểm soát chất lượng đầu vào. Có như vậy chúng ta mới có được bạn hàng, mới kinh doanh hiệu quả trong tương lai”, ông Diên nói.

Để giải quyết tình trạng cung tăng, giá giảm trước mắt, bà Tâm đề xuất: “Nếu điều kiện cho phép, đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ vì các doanh nghiệp cần có hợp đồng để triển khai và đặc biệt là bảo đảm chất lượng trong kho”.

Theo bà Tâm, thông thường cứ vào tháng 3 thì Tổng cục sẽ tổ chức mở thầu với số lượng khoảng 200-250 nghìn tấn gạo. Số lượng này cũng đủ để đóng góp vào việc kích cầu. Bên cạnh đó, do năm nay, tình hình có nhiều khó khăn nên đề nghị các ngân hàng tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay.

Cùng chuyên mục
Tin khác