Giá trị vốn hóa của nhiều ngân hàng niêm yết tiệm cận giá trị sổ sách

Huy Hoàng - 05/10/2022 23:57 (GMT+7)

(VNF) - Đa số cổ phiếu của ngân hàng niêm yết có P/B lớn hơn 1, tuy nhiên giá trị vốn hóa của một số cổ phiếu trong đó rất nhanh sẽ xuống dưới giá trị sổ sách sau khi ghi nhận thêm kết quả kinh doanh hoặc khi giá cổ phiếu tiếp tục suy giảm.

VNF
Giá trị vốn hóa của nhiều ngân hàng niêm yết tiệm cận giá trị sổ sách

Cổ phiếu ngân hàng từ trước đến nay luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Khối lượng tài sản cùng với vốn hoá lớn khiến cho các cổ phiếu ngành này có tác động rất mạnh tới thị trường chung. 

Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, dưới các tác động đến từ chính sách và tình hình kinh tế, các ngân hàng thương mại đang bước vào “cuộc chạy đua hút tiền” khi lãi suất đang dần được nâng cao. Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần mức lãi suất huy động dưới 6 tháng, hàng loạt ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất tiền gửi từ 0,3 đến 1,3 điểm % tùy vào nhu cầu và lượng tiền gửi. Điều này nhiều khả năng đã khiến một lượng tiền đáng kể chảy từ kênh chứng khoán sang kênh ngân hàng, khiến thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực.

Ngay cả các cổ phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoại đà sụt giảm mạnh của thị trường. Phiên giao dịch ngày 3/10 trở thành phiên giao dịch tệ nhất trong vòng 3 tháng với hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lao dốc. Chốt phiên này, có tới 23/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm, trong đó có tới 4 mã giảm sàn. Đáng chú ý, 27 mã cổ phiếu ngân hàng đã giảm bình quân gần 27% kể từ giữa quý II trở lại đây, khiến cho vốn hoá toàn ngành giảm sâu. 

Bên cạnh yếu tố liên quan đến thị trường chung, nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng ngành ngân hàng đang không thực sự tích cực động lực tăng trưởng của nhóm ngành ngân hàng bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều, NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

Ngoài ra, tin đồn về việc hai ngân hàng lớn trên thế giới là Deutsche Bank (Đức) và Credit Suisse (Thụy Sĩ) có nguy cơ phá sản càng làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, hệ số P/B cổ phiếu này là 0,2411, con số này đối với ngân hàng Deutsche Bank là 0,2358, đồng nghĩa với việc giá trị vốn hóa của các ngân hàng này bằng chưa tới 1/5 giá trị sổ sách - một con số rất thấp.

Trong khi đó tại Việt Nam, không ít cổ phiếu ngân hàng hiện đang ghi nhận hệ số P/B lớn hơn 1, nghĩa là giá trị vốn hóa lớn hơn giá trị sổ sách, thậm chí lớn hơn gấp đôi.

Loạt cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn hơn giá trị sổ sách

Mở đầu trong danh sách này là cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Với mức giá chốt phiên ngày 5/10 là 71.500 đồng/cổ phiếu, mức P/B của cổ phiếu này đã là 2,75 lần. Đây là mức P/B cao nhất trong số các cổ phiếu ngân hàng niêm yết. 

Bên cạnh đó, cổ phiếu SSB của ngân hàng Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) có giá chốt ngày 5/10 đạt 30.000 đồng/cổ phiếu, giá trị P/B của cổ phiếu này đang đạt 2,52 lần. SeABank dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu 228,7 triệu cổ phiếu tuỳ theo điều kiện thích hợp. Nếu thương vụ này diễn ra, vốn chủ sở hữu của SeABank sẽ tăng mạnh, giúp P/B giảm xuống.

Xếp sau SSB là NVB. Giá cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 5/10, tương đương với mức P/B đạt 2,34 lần. 

Tiếp nối, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang có mức P/B đạt 2,24 lần sau khi đạt giá 34.750 đồng/cổ phiếu. Một số chuyên gia cho rằng giá cổ phiếu EIB cải thiện (P/B theo đó tăng lên) một phần được thúc đẩy từ thông tin Eximbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng, đây là lần đầu Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ từ năm 2012. Cùng với đó, những diễn biến mới tại ngân hàng này như cổ đông SMBC rút người khỏi HĐQT hay nhóm Tập đoàn Thành Công dự kiến bán toàn bộ vốn tại ngân hàng, cũng là chất xúc tác cho kỳ vọng kết thúc một thập kỷ bất ổn do "đấu đá" nội bộ.

Với mức giá chốt phiên hồi phục về 31.800 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện đang có mức P/B đạt 1,71 lần. Đây đang là ngân hàng thương mại có giá trị tổng tài sản lớn nhất Việt Nam với gần 2 triệu tỷ đồng.

Theo sau là cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, ghi nhận giá chốt phiên 5/10 đạt 21.450 đồng/cổ phiếu, tương đương mức P/B đạt 1,6 lần. Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá cao VIB rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục là cổ phiếu tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2023. VIB đang tập trung cho vay bán lẻ với số tiền cho vay nhỏ trên mỗi khách hàng. Mirae Asset cho rằng việc này có thể giúp ngân hàng vượt qua các khó khăn về chính sách gần đây. Lợi nhuận tăng trưởng sẽ là tiền đề để giá trị sổ sách liên tục tăng lên trong tương lai.

Với cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, mã này đã duy trì đà giảm kể từ giữa tháng 8 trở lại đây, đưa P/B về mức 1,35 lần. Cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thì đang ghi nhận mức P/B đạt 1,31 lần.

Song song, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang giao dịch ở P/B khoảng 1,26 lần. Tuy nhiên, thời gian tới, P/B của VPBank có thể giảm mạnh nhờ vốn chủ sở hữu tăng mạnh, không chỉ nhờ lợi nhuận tích lũy mà còn từ thương vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank), P/B lần lượt đạt 1,23 lần và 1,19 lần. 

Theo cập nhật từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ MB trong 8 tháng đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 45% so với con số gần 10.000 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) có mức giá chốt phiên gần nhất đạt 21.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức P/B đạt 1,03 lần. Còn cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đang được giao dịch ở mức P/B đạt 1,03 lần. Cùng với đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam hiện đang được giao dịch với mức P/B bằng nhau, đều khoảng 1 lần.

Đa số cổ phiếu của ngân hàng niêm yết có P/B lớn hơn 1, tuy nhiên một số rất nhanh sẽ xuống dưới 1 sau khi ghi nhận thêm kết quả kinh doanh hoặc khi giá cổ phiếu tiếp tục suy giảm

Cổ phiếu ngân hàng nào có vốn hoá thấp hơn giá trị sổ sách?

Trong lúc chờ đợi P/B của một số cổ phiếu ngân hàng giảm xuống dưới 1 lần sau khi ghi nhận thêm kết quả kinh doanh hoặc khi giá cổ phiếu tiếp tục suy giảm, trên thị trường vẫn tồn tại các cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa thấp hơn giá trị sổ sách.

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có giá chốt phiên gần nhất đạt 12.500 đồng/cổ phiếu, mức P/B tương ứng đạt 0,91 lần. Ngân hàng này đã lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng số lượng chào bán dự kiến là 300 triệu cổ phần, có thể giúp P/B tiếp tục giảm sâu.

Thấp hơn nữa là cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông có giá đóng cửa là 14.400 đồng/cổ phiếu, giá trị P/B tương ứng là 0,85 lần.

Đặc biệt là cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đang được giao dịch ở mức P/B đạt 0,79 lần. Mới đây, ngân hàng đã thông báo sẽ chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu SHB cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện quyền là 100:20, giá chào bán dự kiến sẽ là 12.500 đồng/cổ phiếu. Nếu thương vụ diễn ra thuận lợi, P/B của SHB sẽ còn giảm đi khá nhiều.

Cùng chuyên mục
Tin khác