Giá xăng tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm gây áp lực lên giá hàng hóa

Trần Lê - 12/07/2021 21:05 (GMT+7)

(VNF) - Giá xăng A95 đang đứng ở mức 21.783 đồng/lít, xăng E5 là 20.610 đồng/lít. Giá bán lẻ này áp dụng từ 15h chiều nay (12/7) và là mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua. 

VNF
Giá xăng dầu tăng từ 15 giờ chiều 12/7 (ảnh minh họa)

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu định kỳ chiều 12/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tiếp tục tăng giá bán lẻ xăng dầu. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp của giá xăng dầu trong 45 ngày qua, và đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/5/2019.

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng mạnh 850 đồng/lít, giá bán lẻ đến người dùng tăng lên 20.610 đồng/lít.

Xăng RON 95 được điều chỉnh tăng thêm 867 đồng/lít, bán lẻ tối đa 21.783 đồng/lít.

Cùng với giá xăng, giá các mặt hàng dầu trong kỳ điều chỉnh này cũng tăng khá mạnh. Dầu diesel tăng thêm 418 đồng/lít, giá bán lẻ lên 16.537 đồng/lít.

Dầu hỏa tăng thêm 452 đồng/lít, lên 15.503 đồng/lít. Dầu mazut tăng thấp nhất với 221 đồng/kg, lên 15.670 đồng/kg. 
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng. Trích quỹ với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít.

Đồng thời, cơ quan điều hành giá chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 350 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut không chi.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các nước Mỹ, Châu Âu đang dần được kiểm soát, kinh tế tại nhiều nước bắt đầu phục hồi cùng với các gói kích thích kinh tế làm tăng cung tiền đã đẩy giá xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua.

Giá dầu thô ngày 6/7 đã đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng khá cao, nhất là đối với các mặt hàng xăng.

Việc giá xăng đã lên mức cao nhất 2 năm, vượt cả mốc giá trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 đang làm nhiều doanh nghiệp lo lắng, bởi lẽ giá xăng tăng làm chi phí vận chuyển tăng, gây áp lực lên giá cả hàng hóa.

Trong bối cảnh Covid- 19 đang bùng phát, giá xăng tăng cộng thêm các áp lực khác về chi phí kinh doanh, có thể thúc đẩy giá cả hàng hóa tăng.

Theo tổng hợp
Cùng chuyên mục
Tin khác