USD tăng giá, vàng thế giới giảm mạnh gần 1,2 triệu đồng/lượng

Bích Thủy - 17/06/2021 14:47 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng trong nước ngày 17/6 rời khỏi ngưỡng 57 triệu đồng/lượng, giảm giá đến 300.000 đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới đã có phiên lao dốc với mức giảm gần 50 USD/ounce (qui đổi tương đương 1,2 triệu đồng/lượng).

VNF
USD tăng giá, vàng thế giới lao dốc giảm mạnh gần 1,2 triệu đồng/lượng

Sau 13 giờ ngày 17/6, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,35 – 56,95 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này đã rời xa ngưỡng 1.900 USD/ounce, đang ở mức 1.814,5 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay giảm đến 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới ghi nhận phiên giảm giá cao nhất trong cả tháng qua với mức giảm khoảng 47 USD/ounce (hơn 1.000.000 đồng).

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại có xu hướng điều chỉnh giảm mạnh hơn, khi lùi sâu về giao dịch quanh mức 51,9- 52,5 triệu đồng/lượng, mất tới 500.000 đồng mỗi lượng, tương đương với mức giảm của vàng thế giới đêm qua.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được công ty SJC giữ ở mức 600.000 đồng/lượng. Đây cũng là mức khá cao so với mức trung bình các tháng qua vốn chỉ chênh lệch mua vào và bán ra ở mức 400.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước hôm nay vẫn được giữ ở mức cao, vàng thế giới hiện thấp hơn vàng trong nước khoảng 5,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 16/6 cao hơn khoảng 22,0% (335 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước tiếp tục giảm nhưng không bằng đà lao dốc của giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới giảm 47 USD/ounce, tương đương mức giảm ròng 2,5%, kéo giá vàng trong nước giảm sâu rời khỏi ngưỡng 57 triệu đồng/lượng.

Diễn biến trên thị trường cho thấy trong ngày 16/6, giá vàng thế giới gần như bất động trong vùng 1.860 USD/ounce. Thế nhưng, khi thông tin Fed có thể tăng lãi suất cơ bản được loan đi toàn cầu, USD tăng giá rất mạnh so với với nhiều đồng tiền khác, nhiều người đã tháo chạy khỏi thị trường vàng. Giá vàng vì thế có thời điểm giảm 60 USD/ounce, từ 1.860 USD/ounce xuống còn 1.800 USD/ounce lúc 4 giờ ngày 17/6.

Tiếp đến, giá vàng thế giới bật tăng trở lại nhưng do sức mua yếu nên đến 6h ngày 17/6 giá vàng nhích lên 1.814 USD/ounce.Đến 9h30 ngày 17/6, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.823 USD/ounce, hồi phục khoảng 10 USD so với đầu giờ sáng. 

Giá vàng thế giới lao dốc đêm qua có nguyên nhân trực tiếp từ việc lợi suất trái phiếu chính hủ Mỹ cao hơn và đồng USD mạnh hơn. Ngoài ra, áp lực bán tháo tăng mạnh của các nhà đầu tư khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố lịch trình tăng lãi suất cũng khiến giá vàng giảm sâu.

Đêm qua, sức mạnh đồng USD đã tăng gần 1%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức 1,58%/năm. Theo chuyên gia của DailyFX, vàng có thể theo xu hướng giảm xuống mức thấp hơn là 1.800 USD/ounce sau cuộc họp của Fed.

Giá vàng đang ở vùng đáy của 4 tuần. Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng đã bước sang ngày giảm thứ tư liên tiếp. USD đang vững giá ở vùng đỉnh của 1 tháng, gây áp lực giảm lên kim loại quý.

Về dài hạn, vàng vẫn là lựa chọn để chống lại lạm phát. Nhưng về ngắn hạn, việc đồng USD hồi phục sẽ tác động tiêu cực tới giá vàng. Nếu Fed giảm quy mô gói kích thích và hướng tới thắt chặt chính sách tiền tệ Mỹ, giá vàng có thể sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn.

Giới chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư nên lưu ý một đợt điều chỉnh của kim loại quý trong ngắn hạn. Các nhà phân tích của Ngân hàng OCBC của Singapore nhận định nhiều nhà đầu tư đã ra khỏi thị trường khi kim loại quý này không thể giữ mức tăng trên 1.900 USD/ounce.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác