Thời gian qua, mặc dù việc đào tạo nhân lực cho ngành thương mại điện tử đã có những bước tiến mới nhưng chất lượng, số lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Dự báo đến cuối năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD. Điều này đang đặt ra những yêu cầu mới về đào tạo để giải bài toán thiếu nhân lực cho ngành thương mại điện tử.
Mới có 30% nhân lực qua đào tạo chính quy
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nguồn nhân lực cho thương mại điện tử hiện đang thiếu hụt trầm trọng. Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh cho biết, mới chỉ có 30% nhân lực trong ngành thương mại điện tử được đào tạo chính quy; 55% nhân lực đến từ các ngành đào tạo gần, như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin và 15% đến từ các ngành nghề khác.
Nhu cầu nhân lực thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng nhanh, cung không đủ cầu dẫn tới doanh nghiệp buộc phải tuyển cả những lao động từ ngành khác có liên quan đến lĩnh vực này. Như tại Công ty cổ phần Công nghệ Sendo, hiện tỷ lệ lao động được đào tạo chính quy về thương mại điện tử mới đạt 20%. Để khắc phục hạn chế về nguồn cung nhân lực chuyên ngành thương mại điện tử, Sendo đã tuyển dụng các nhân sự chuyên ngành công nghệ thông tin, phát triển xây dựng phần mềm…, đồng thời mời chuyên gia và đối tác từ các thị trường có thương mại điện tử phát triển để đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động.
So với giai đoạn trước, việc đào tạo nhân lực thương mại điện tử đã có bước tiến đáng kể. Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, đến nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần về lĩnh vực này. Tại Hà Nội, nhiều trường đại học đã triển khai đào tạo ngành thương mại điện tử, như Thương mại, Thủy lợi, Kinh tế quốc dân, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông…
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo gặp nhiều trở ngại do thiếu giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn… Trong khi số trường đại học mở ngành hay chuyên ngành thương mại điện tử tăng nhanh, thì số lượng giảng viên chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu. Số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ không thể tăng nhanh. Ngoài ra, trong số các trường đã đào tạo ngành thương mại điện tử chỉ có 50% trường trang bị phòng thực hành, 30% trường có phần mềm hỗ trợ thực hành…
“Bắt tay” đào tạo nhân lực thương mại điện tử
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh nhấn mạnh, tốc độ cũng như quy mô phát triển ngày càng lớn của thương mại điện tử Việt Nam đặt ra yêu cầu giải bài toán về nguồn nhân lực để lĩnh vực này tiếp tục cất cánh trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra các mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đào tạo thương mại điện tử. Theo bà Lại Việt Anh, để đạt được mục tiêu này cần cái “bắt tay” của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và doanh nghiệp.
Theo Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) Trần Thị Thập, học viện đã mời các chuyên gia, nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo thương mại điện tử. Học viện cũng đẩy mạnh đào tạo theo chuyên đề thực tế của doanh nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp để có những môn chuyên đề mới.
Hiện nguồn nhân lực tham gia thương mại điện tử tại Việt Nam trẻ, có khả năng hấp thụ công nghệ, kỹ thuật mới nhanh nhạy. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho thương mại điện tử nói chung và hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành nói riêng.
Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú chia sẻ: “Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chính là góp phần xây dựng ngành thương mại điện tử phát triển bền vững. Do vậy, Lazada đã thực hiện chương trình hỗ trợ các tài năng trẻ làm quen với công việc và phát triển nghề nghiệp như: Tuyển dụng thực tập sinh dành cho sinh viên năm cuối, tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, trao học bổng Lazada dành cho sinh viên…”.
Trước thực tế này, mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử đã được ra đời. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Lê Ngọc Dũng, mạng lưới hướng tới mục tiêu phối hợp, nâng cao chất lượng đào tạo thương mại điện tử và kinh doanh số; bảo đảm cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển của ngành. Qua đó, huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các thành viên mạng lưới, giúp gắn kết đào tạo với thực tiễn; thúc đẩy phát triển đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực thương mại điện tử, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo thương mại điện tử và kinh doanh số.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone