Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương trong cả nước nói chung và khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng vẫn còn chạm chạp.
Thanh Hóa năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công hơn 11.919 tỷ đồng, qua 8 tháng mới giải ngân được 6.488,4 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch năm. Kết quả này dù đưa Thanh Hóa vào tốp đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất, nhưng nếu xét kết quả thực hiện của từng đơn vị trong tỉnh thì tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp, chậm so với kế hoạch. Cụ thể, đối với 87 chủ đầu tư đã được phân bổ chi tiết vốn năm 2022 thì có 55 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 40% kế hoạch trở lên. Trong đó, mới có 36 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch giao; 10 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 20% đến 40% kế hoạch; 16 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch, đặc biệt có 6 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Tại Nghệ An, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn chậm trễ hơn. Tính đến 31/8, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh Nghệ An quản lý đã giải ngân 2.076,6 tỷ đồng, đạt 29,15%/kế hoạch 7.124,7 tỷ đồng; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết thì đã giải ngân đạt 35,79%. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 348 tỷ đồng, đạt 22,34% kế hoạch; nguồn ngân sách trung ương đã giải ngân 1.728,5 tỷ đồng đạt 31,05% kế hoạch.
Hiện nay, Nghệ An đang có 55 dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân rất thấp so với kế hoạch vốn giao (dưới mức bình quân chung cả nước) – nhiều nhất trong 4 tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước. Càng gần về cuối năm, việc đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch là nhiệm vụ rất nặng nề, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia (đến nay chưa tỉnh nào giải ngân được).
Với tỉnh Hà Tĩnh, 8 tháng qua, toàn tỉnh giải ngân đạt hơn 3.311 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch vốn được giao năm 2022. Dù đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn tình trạng một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhưng chậm báo cáo các khó khăn, vướng mắc để có phương án xử lý.
Với 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, mặc dù đã được giao vốn sớm từ đầu năm để các chủ đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện, tuy nhiên đến nay, tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của hai tỉnh vẫn đang ở mức thấp so bình quân chung của cả nước. Trong 2022, Quảng Bình được giao tổng số vốn đầu tư công là hơn 6.186 tỷ đồng. Đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch của Quảng Bình chỉ đạt 27,06%, nếu chỉ tính kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022 thì tỷ lệ giải ngân đạt 30%, dự kiến đến hết tháng 9 đạt 56,2%. Quảng Trị được giao tổng số vốn đầu tư công năm 2022 là 3.874 tỷ đồng. Đến ngày 28/8, tổng giá trị giải ngân hơn của tỉnh là 1.174 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch.
Chung tình trạng với các tỉnh khác, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công tại Thừa Thiên Huế cũng chưa đạt theo yêu cầu, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn ODA tỷ lệ giải ngân còn thấp ảnh hưởng đến tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 7, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân 2.004,237 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tình trạng chậm giải ngân nêu trên có nguyên nhân khách quan là giá vật tư, vật liệu xây dựng, xăng, dầu biến động theo chiều hướng tăng; việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tình hình thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều...
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác được UBND các tỉnh xác nhận là tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án; một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng; năng lực của một số đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công; tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm…
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đúng kế hoạch được giao trong giai đoạn được xem là “nước rút, các tỉnh đã đề ra các kế sách. Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra, giám sát để đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, sau chuyến làm việc của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh (tháng 5/2022 vừa qua), tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, để đạt kết quả cao nhất trong việc triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong thời gian tới; tiếp tục tổ chức rà soát, phải tìm ra nguyên nhân các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân để sớm có phương án xử lý. Với các địa phương để xảy ra tình trạng chậm, không hoàn thành tiến độ giải ngân, người đứng đầu phải giải trình nguyên nhân và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Chủ tịch tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến mỏ vật liệu nhằm đáp ứng tiến độ các dự án và tiết kiệm chi phí đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; cải cách hành chính, khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư của những dự án mới, sớm lựa chọn nhà thầu kịp thời khởi công công trình; kịp thời điều chuyển vốn với các dự án không có khả năng giải ngân. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, nếu có các vướng mắc, khó khăn, các đơn vị, địa phương phải kịp thời báo cáo tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ.
Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn thực hiện tổng rà soát các dự án, làm căn cứ xây dựng kế hoạch giải ngân vốn cũng như điều chuyển vốn đối với các dự án vẫn chậm giải ngân trước ngày 30/8/2022. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ngành công bố giá vật liệu hàng tháng, thay vì hàng quý như hiện nay, để làm cơ sở cho các dự án cần điều chỉnh hợp đồng do giá vật liệu tăng, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc thi công các dự án, công trình.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chưa hoàn thành (điều chỉnh dự án, phê duyệt thiết kế - dự toán, đấu thầu, quyết toán…); quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng, đảm bảo đạt cam kết giải ngân. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải ký cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng dự án theo mẫu; đồng thời chịu trách nhiệm đúng nội dung cam kết; định kỳ 10 ngày/lần báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo chủ tịch UBND tỉnh. Kết quả thực hiện cam kết tiến độ của các cơ quan, đơn vị là cơ sở để xem xét đánh giá xếp loại của tập thể, cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong năm 2022 và thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn được giao.
Tại 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, ngày 29/8, ở TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và tổ công tác số 1 của Chính phủ có buổi làm việc với 2 địa phương này. Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh cho biết đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công; thành lập các ban chỉ đạo để đôn đốc việc triển khai; đồng thời có nhiều văn bản để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung thực hiện, đặc biệt là việc đôn đốc triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.