Giải tỏa dư nợ tín dụng: Từ âm chuyển sang nhanh
(VNF) - Sau khi tăng trưởng âm 2 tháng đầu năm 2024, đến cuối tháng 3, tín dụng đã “ngoi” lên mặt đất với 1,34%. Dù vậy, đến 14/6, tín dụng cũng mới chỉ tăng trưởng 3,79%. Điều bất ngờ là chỉ trong 2 tuần sau đó, tín dụng đã bứt tốc, đạt đến 6%.
Nỗi ám ảnh bắt đầu giải toả
Những con số trên không quá bất ngờ đối với thị trường, ví dụ như thời điểm giữa tháng 5, ABBank là ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm nặng nhất trong toàn hệ thống, khi tổng giá trị cho vay chỉ đạt 80.000 tỷ đồng, âm gần 22% so với đầu năm. Cũng tăng trưởng tín dụng âm, SeABank được gọi tên nhưng mức độ âm nhẹ hơn, với gần 2,5% so với đầu năm, tương ứng tổng giá trị cho vay đạt xấp xỉ 172.000 tỷ đồng. Âm gần 1,5% so với đầu năm là VietBank với dư nợ tín dụng đạt khoảng 80.000 tỷ đồng. Danh sách ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm còn có: SaigonBank âm gần 1%, TPBank âm gần 0,9%, Vietcombank âm hơn 0,3%, Agribank âm trên 0,1%, PGBank âm xấp xỉ 0,1%...
Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 đã được NHNN tổ chức ngày 19/6. Bàn về vấn đề nóng nên đại biểu ngồi kín chỗ ngồi và thậm chí đứng tràn ở các cửa ra vào.
Thông điệp mạnh mẽ nhất tại hội nghị được Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú tuyên bố là “sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng”. Ông Tú cũng nói “Sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới” và “Nhà điều hành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề hạ lãi suất trên cơ sở tiết giảm chi phí của các NHTM và điều hành lãi suất của NHNN ổn định”.
Dù báo cáo tài chính tính đến thời điểm giữa tháng 7 chưa được các ngân hàng cống bố chính thức nhưng dữ liệu ước tính tại các ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn hệ thống là LPBank đạt gần 16%, tiếp đến là HDBank với khoảng 14%. Xấp xỉ 12% là các ngân hàng ACB, Techcombank, MSB. VPBank ước đạt 10%; MB dự tính gần 9%; VCB gần 8%; VietinBank, OCB, Sacombank xấp xỉ 7% và BIDV khoảng 6%...
“Đó là nền tảng để NHNN có số liệu tăng trưởng tín dụng đến 6% tính đến cuối tháng 6/2024”, một lãnh đạo cao cấp của OCB chia sẻ.
Câu hỏi được đặt ra, tăng trưởng tín dụng “khá” tốc độ và mạnh như vậy đến từ nền tảng nào? Câu trả lời được dẫn từ câu chuyện của Vinhomes (HoSE: VHM) và thị trường đều chung nhận định có liên quan đến Techcombank. Techcombank vốn là ngân hàng được Phó Thống đốc Tú nhận định là “anh cả” cho vay bất động sản trong hệ thống khi “toàn tâm, toàn lực cho lĩnh vực bất động sản”.
Ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vietstarland - nhà phân phối của dự án Vinhomes Royal Island (Vũ Yên, Hải Phòng) cho biết, chỉ sau ít ngày niêm yết giá bán chính thức phân khu đầu tiên trên Vinhomes Market, lượng quan tâm của nhà đầu tư tới dự án này rất lớn. Trong đó, sau khoảng 3 ngày mở bán, đơn vị phân phối đã bán gần hết quỹ hàng thuộc phân khu mở bán đợt 1.
“Dự báo dự án Vinhomes Royal Island có thể đem về trên 100.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD) dòng tiền bán hàng trong 3-4 năm tới với hiệu quả lợi nhuận tương đối cao”, chuyên gia phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản đang dần trở lại hoạt động bình thường và có tín hiệu tích cực từ những dự án bắt đầu khởi công, giới thiệu, chào bán, đặc biệt là giao dịch đã tăng dần.
Kiểm soát giải ngân
Trong một tương quan khác, ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty Cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, nhận định tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong tháng 6 cũng giống như việc chúng ta bất ngờ với mức tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khác với hoạt động kinh tế thực, dòng vốn tín dụng dù được giải ngân thì việc theo dõi dòng vốn thực sự chảy vào đâu rất quan trọng.
“Tín dụng cũng giống như mạch máu của con người chúng ta, tức là tốc độ luân chuyển cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế chứ không phải muốn đẩy nhanh trong thời gian ngắn là được”, ông Ân nói.
Cũng theo ông Ân, có thể tạm chia tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ tăng trưởng của cá nhân và tăng trưởng của doanh nghiệp. Để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu gần 14% trong năm 2023 thì phần lớn tăng trưởng chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp. Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp sẽ dễ hơn với các ngân hàng với các chính sách ưu đãi về lãi suất cũng như quy trình thủ tục. Khả năng cao mức tăng trưởng đẩy nhanh trong những tháng cuói năm cũng sẽ đến từ nhóm các doanh nghiệp.
Ông Ân nói: “Tuy nhiên, sự khác biệt trong 6 tháng đầu năm 2024 so với 2023 đó là mức độ đóng góp của những ngành nghề như công nghiệp, xây dựng, vật liệu đã cao hơn, so với việc tập trung nhiều vào các doanh nghiệp bất động sản trong năm trước”.
Số liệu của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt 6% so với đầu năm, trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng (tăng 10% so với đầu năm).
Theo ông Ân, cho vay tiêu dùng tăng mạnh 10% từ đầu năm có thể hàm ý cho những xu hướng khác cần lưu ý. Gần đây chúng ta cũng thấy rằng tần suất người dân nhận được cuộc gọi từ các gói vay tiêu dùng tín chấp với điều kiện rất ưu đãi cũng tăng hơn rất nhiều, tín dụng có thể cũng một phần tăng từ kênh này. Với tình hình người dân khó khăn từ công việc thì rủi ro tiềm ẩn ở phân khúc này cũng không nhỏ.
“Các chính sách kích cầu tín dụng là việc phải làm tuy nhiên việc kiểm soát giải ngân và định hướng tín dụng là những điều NHNN cần thận trọng trong giai đoạn này, tránh vì tăng trưởng đạt chỉ tiêu mà tín dụng lại được bơm vào những khu vực có rủi ro cao”, ông Ân nhấn mạnh.
Kết quả cuộc “Điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD” do Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố giữa tháng 7 cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong 6 tháng đầu năm 2024, các TCTD có xu hướng “không đổi” hoặc “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đúng như dự kiến tại cuộc điều tra 6 tháng cuối năm 2023. Xu hướng này ghi nhận ở các lĩnh vực: cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao; cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ; cho vay mua nhà để ở; cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu; cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch và nhóm khách hàng cá nhân.
Đồng thời, các TCTD cũng giảm bớt xu hướng “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh chứng khoán; đầu tư kinh doanh bất động sản; kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; xây dựng.
Bất động sản ấm lên, đẩy tín dụng vào đà tăng mạnh
- Cơn biến động mang tên ‘xác thực sinh trắc học’ 24/07/2024 07:00
- Lộ dần bức tranh lợi nhuận ngân hàng qua những báo cáo đầu tiên 23/07/2024 01:30
- 'Mức mất giá của VNĐ hiện là 4.4%’ 23/07/2024 11:22
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.