Giám đốc WB: ‘Tăng trưởng Việt Nam tốt hơn so với thế giới’

Lan Anh - 23/01/2020 07:51 (GMT+7)

"Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ cải cách, tạo sự linh hoạt nhanh nhạy trong thay đổi thể chế và chính sách để đáp ứng được thị trường trong tương lai", Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nói.

VNF
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.

- Năm ngoái tại Diễn đàn cải cách ông đã đưa ra một số đề nghị cho Việt Nam. Vậy sau một năm trôi qua, ông thấy Việt Nam có những bước phát triển gì và còn những điểm gì chưa thực hiện được so với những đề nghị của ông?

Ông Ousmane Dione: Công bằng mà nói Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong một năm qua. Điều Việt Nam làm được rõ ràng là việc kiểm soát quyền lực đã tốt lên rất nhiều. Trong năm qua, chúng tôi làm việc chặt chẽ với Quốc hội để giúp đỡ họ tìm hiểu một số chuyến đi tham khảo kinh nghiệm của Úc, Mỹ trong việc xây dựng kế hoạch ngân sách, quản lí ngân sách chi tiêu.

Việt Nam năm qua cũng phát triển mạnh về chính phủ điện tử. Trong thời gian qua, văn phòng chính phủ đã làm được khối lượng công việc khổng lồ. Tôi xin chúc mừng văn phòng chính phủ đã công bố cổng dịch vụ công.

Các bộ, ban ngành bây giờ nên bắt đầu triển khai cổng thông tin điện tử, liên quan đến thủ tục cho người dân. Chúng ta có thể triển khai thí điểm dải ngân thông qua các thủ tục điện tử, so sánh các loại hình dải ngân bằng hình thức thu điện tử và hình thức giấy tờ truyền thống để lựa chọn ra phương pháp phù hợp nhất với mình.

Liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân thì thực sự trong năm qua chưa có nhiều đột phá để phát triển mạnh và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp tư nhân hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cần những chính sách công nghiệp làm thế nào để họ tạo ra những sản phẩm phát triển mạnh trong tương lai.

Chúng tôi cũng đã hỗ trợ với chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp những chuyên gia có kiến thức về cải cách để hỗ trợ và thúc đẩy việc cải cách ở Việt Nam.

Giám đốc WB tại Việt Nam: "Điều Việt Nam làm được rõ ràng là việc kiểm soát quyền lực đã tốt lên rất nhiều".

- World Bank ca ngợi Việt Nam một năm qua đặc biệt liên quan đến xuất khẩu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay chỉ còn bằng nửa trong năm trước. Đó là một tín hiệu không phải là quá tích cực?

Tôi nghĩ câu chuyện xuất khẩu là rất đáng ca ngợi nhưng vấn đề định hướng bước đi sắp tới của Việt Nam thế nào, Việt Nam sẽ đi nhanh hay chậm là quan trọng hơn.

Về xuất khẩu, rõ ràng số liệu cho thấy Việt Nam năm nay xuất khẩu chậm hơn năm ngoái, mặc dù chúng ta vẫn thấy cam kết đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất lớn, khoảng 3 tỷ/tháng. Nguyên nhân có lẽ một phần do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 30% trong khi xuất khẩu sang các địa điểm khác ngoài nước Mỹ chỉ còn từ 2,5-3%. Nói vậy để thấy, Việt Nam đã định vị được trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào một hay vài thị trường. Một vấn đề khác nữa, Việt Nam hiện chưa đa dạng hoá thị trường xuất khẩu mặc dù chúng ta đã kí rất nhiều FTA.

Nhìn chung tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới vẫn tương đối cao. Chúng tôi dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam khoảng 6,8% và năm 2020 khoảng 6,5%. Phần lớn do nhu cầu trong nước ngày càng gia tăng, chính sách tài khoá của chúng ta tốt và cơ bản là nền kinh tế tốt với lạm phát thấp.

Những điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam có một sự chống chịu rất tốt và vẫn tạo được tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại. Một số yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng là cuộc chiến thương mại sẽ tiếp diễn nữa hay không, một số yếu tố bên trong như chậm dải ngân. Không có nước nào như Việt Nam trong vòng 3 năm đã giảm được nợ 10%. Năm 2017, tỷ lệ nợ quốc gia của chúng ta khoảng 63,7%. Năm 2019 là 56%, đã giảm đi nhiều và chủ yếu là giảm từ đầu tư công. Có nghĩa là, chúng ta không có đầu tư thì sẽ làm giảm khả năng phát triển của đất nước trong tương lai.

Thử nhìn vào vấn đề điện, trong mấy năm vừa qua không có một dự án đầu tư lớn nào và đến bây giờ việc sử dụng điện đã đến mức đỉnh điểm. Chúng ta cũng không có những dự án lớn về đường bộ, đường giao thông. Nếu nói về ODA thì chúng ta đã dải ngân chậm nhất trong vòng hai mươi năm qua. Những việc đó sẽ tạo ra nhiều vấn đề trong tương lai liên quan đến cơ sở hạ tầng.

Việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước cũng chậm trễ. Năm 2017, chúng ta cổ phần hoá công ty bia Sài Gòn, từ đó đến nay không có thêm việc cổ phần hoá lớn nào nữa. Năm 2021 diễn ra sự kiện Đại hội Đảng, như vậy xu hướng mà chúng ta đi xuống trong quá trình cổ phần hoá hoàn toàn là rủi ro, tạo ra định hướng khó lường về cải cách.

Làm thế nào để xây dựng được thể chế linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thời đại, có tính đổi mới sáng tạo và phù hợp với mức độ, trình độ phát triển mới của Việt Nam cũng là vấn đề.

Bây giờ làm việc gì cũng phải có văn bản, giấy tờ. Rất dễ nhận thấy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu điều phối giữa các cơ quan là rất khó, chẳng hạn việc kết nối giữa các tỉnh có khi còn dễ dàng hơn việc kết nối giữa hai cơ quan trong cùng Hà Nội.

Tất cả những điều tôi nêu trên đây là thách thức trong tương lai.

- Ông vừa đề cập đến một số chuyện chúng ta dải ngân đầu tư công chậm, không có các dự án hạ tầng lớn, chỉ số tiêu thụ điện năng cũng thấp so với năm trước. Vậy vì sao Ngân hàng thế giới vẫn khen ngợi Việt Nam tăng trưởng cao, triển vọng của Việt Nam lớn thế?

Chúng ta thấy giá trị của FTA như một đường hình cung. Việt Nam đang ở điểm thấp nhất, chủ yếu là sản xuất sản phẩm số lượng lớn. Chúng ta chưa đạt đến phần cao là nghiên cứu sáng tạo phát triển sản phẩm hoặc phần cuối cùng là tạo ra những sản phẩm có giá trị chất lượng cao.

Như tôi có những dự báo Việt Nam tốt vì mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn tốt so với mức tăng trưởng của thế giới, so với các nước phát triển và các nước xung quanh thì tăng trưởng của họ gần như dứoi 5%. Chúng ta cứ hay nói đến các nước như Philippines, Indonesia thì mức phát triển của họ chưa bằng Việt Nam.

Chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam từ trước đến nay là chính sách được thiết kế với một nước có nền tảng thấp, ở mức tạo công ăn việc làm và xoá đói giảm nghèo tốt. Tuy nhiên, liệu chính sách này còn phù hợp với tương lai nữa hay không thì cần phải nghiên cứu thêm. Trong tương lai rõ ràng sẽ phụ thuộc vào số lượng và chuyển dần lên chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải tham gia vào phần đổi mới sáng tạo nhiều hơn nữa. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 600 viện nghiên cứu nhưng tôi có cảm giác chưa tạo ra được sự thay đổi nhiều bởi nó hoạt động còn quá manh mún.

Việt Nam vẫn là một nhà máy sản xuất sản phẩm cho thế giới như may mặc, đi đâu trên thế giới cũng đều thấy hàng may mặc của Việt Nam nhưng sản phẩm may mặc có chất lượng cao hơn thì chưa chắc đã là của chúng ta.

Xu hướng các FTA hiện nay bắt đầu giảm dần vào những dự án đầu tư mới, chuyển dần sang việc mua bán sáp nhập, tức là các công ty nước ngoài có thể mua lại các công ty Việt Nam. Đó cũng là xu hướng tốt khi họ nhìn thấy xu hướng tiềm năng và muốn tham gia sản xuất thị trường trong nước.

Vì vậy, chúng ta cần phải có những chính sách FTA cũng như chính sách về công nghiệp phù hợp. Nếu không có những chính sách phù hợp này thì tương lai vẫn tiếp diễn tình trạng bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể làm được việc này.

Điều mà tôi lo ngại hơn là tốc độ cải cách của Việt Nam. Chúng ta chưa tạo ra được sự thay đổi linh hoạt, nhanh nhạy trong chính sách và sự thay đổi trong thể chế để đáp ứng được thị trường trong tương lai.

Đây là thời điểm rất tốt để chúng ta chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm tới và cũng là cơ hội để chúng ta định hướng chính sách phù hợp. Điều này phụ thuộc vào quyết tâm, tầm nhìn của lãnh đạo có dám làm và thay đổi hay không thôi?! Tôi nói vậy bởi vì, những thách thức cải cách mạnh mẽ bao giờ cũng gặp phải sự chống đối nên chúng ta hãy kéo được những người hoài nghi, chống đối đi theo cùng chúng ta.

- Một số nhà kinh tế nói rằng Việt Nam phải tăng trưởng thêm 2,3% tức là tăng trưởng khoảng 10 điểm phần trăm là bình thường. Nếu như Việt Nam tiến hành cải cách theo hướng thị trường, ví dụ vốn ở DNNN hiệu quả hơn, nguồn lực đất đai thị trường hóa hơn thì ông có cho rằng Việt Nam cần một không gian rộng hơn để tiếp tục phát triển?

Việt Nam có tiềm năng để tiếp tục cải cách. Chẳng hạn về nguồn lực đất đai, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách trong việc định giá đất, quyền sử dụng đất, thuế đất. Việt Nam cũng chưa để ý đến yếu tố môi trường trong phát triển Việt Nam như ô nhiễm đất, nước và không khí.

Gần đây, chúng tôi đã có một nghiên cứu, ô nhiễm nước và không khí ở Hà Nội tăng cao. Việt Nam cũng chưa áp dụng được công nghệ mới cho tương lai. Mặc dù lượng khách đến Việt Nam đông nhưng dường như doanh thu lợi nhuận tạo ra chưa được cao lắm trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm thế nào để họ đến tiêu thụ nhiều hơn và vẫn giữ được môi trường tốt cho Việt Nam.

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm khi đến Đồng bằng sông Cửu Long rất sạch đẹp nhưng mấy năm gần đây bắt đầu có những chất thải rắn, điều này ảnh hưởng đến phát triển môi trường và du lịch.

Còn một vấn đề chúng ta vẫn chưa giải quyết được là thủ tục phá sản. Đó là một trong những lĩnh vực cải cách luôn bị đánh giá thấp trong chỉ số kinh doanh ở Việt Nam. Việt Nam có mức độ dự trữ bây giờ tương đối lớn, khoảng 7,5 tỷ USD. Hay việc thanh toán tiền đi lại cũng rất chậm, điều này làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và hiệu quả của công ty làm việc ở Việt Nam.

Ở Việt Nam có một điểm thuận lợi là chúng ta đang đi theo cả hai hướng: Tiếp tục cải cách hướng cũ có hiệu quả và vẫn còn chỗ cho việc cải cách mới để tạo ra tăng trưởng. Tuy nhiên, phải đẩy tốc độ cải cách nhanh hơn bởi vì nếu chúng ta không làm gì ngay hôm nay thì ngày mai sẽ có người khác chiếm chỗ.

- Mới đây Moody’s đã hạ chỉ số tín nhiệm xếp hạng Việt Nam. Ông có thể chia sẻ quan điểm liệu điều này có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch hoạt động vay của Việt Nam trong thời gian tới?

Thực ra, việc Moody’s hạ độ tín nhiệm của Việt Nam không phải vì Việt Nam thiếu tiền để trả mà là việc những thủ tục của Việt Nam quá phức tạp và rắc rối, trong nhiều trường hợp gây ra ảnh hưởng tiêu cực một cách không cần thiết.

Vì vậy, một số điểm chúng ta cần khắc phục:

Thứ nhất, các quy định về luật pháp của Việt Nam cần được hài hoà thống nhất với nhau. Hiện đang có tình trạng có nhiều cơ quan cùng làm một việc nhưng có việc thì chẳng có cơ quan nào làm.

Thứ hai, làm thế nào để các quy trình, trình tự thủ tục hành chính của chúng ta đơn giản hóa và hiệu quả hơn.

Chúng ta đã làm rất tốt những dịch vụ công gần đây như Chính phủ Việt Nam vừa mới công bố mở cổng dịch vụ công trực tuyến.

Cần phải nói thêm một điểm nữa là trách nhiệm giải trình, quyền lực cửa con người trong hệ thống. Cứ việc gì chúng ta cũng đều trình lên Thủ tướng giải quyết. Thủ tướng không thể làm được hết mọi việc mà cần một cấp để giải quyết những việc đó. Nếu cần có thể báo cáo lên cấp trên chứ không phải xin ý kiến như hiện nay.

Việc Moody’s hạ tín nhiệm là một hồi chuông cảnh tính cho thấy chúng ta cần phải hành động, thay đổi, có bước phát triển mới phù hợp hơn. Ngân hàng Thế giới chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ đặc biệt các yếu tố liên quan đến việc làm thế nào để hệ thống minh bạch, hiệu quả hơn, áp dụng khoa học công nghệ tốt hơn.

Theo VNN
Cùng chuyên mục
Tin khác