Giảm mạnh lãi suất: Tỷ suất sinh lời của NHTM quốc doanh chịu ảnh hưởng nhiều hơn NHTM tư nhân?
Minh Tâm -
03/04/2020 10:05 (GMT+7)
(VNF) - Tỷ suất sinh lời của các ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn NHTM tư nhân do tỷ lệ LDR cao làm hạn chế dư địa giảm chi phí huy động.
Để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong tình hình dịch Covid-19, lãi suất là yếu tố đang được cân nhắc nhiều nhất, khi nhiều hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều hướng tới việc ưu tiên dành mọi nguồn lực để các ngân hàng có thể miễn giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Cho đến nay, các ngân hàng đã tham gia rất tích cực vào việc ưu đãi về lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng với mức giảm rất sâu, ban đầu chỉ giảm khoảng dưới 2%/năm nhưng hiện có trường hợp đã nâng mức giảm lên đến cỡ 4%/năm.
Bù lại, các ngân hàng cũng được hỗ trợ về đầu vào bởi việc giảm lãi suất chính sách của NHNN. Từ ngày 17/3/2020, NHNN giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm và hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và nhiều ngân hàng còn giảm thêm lãi suất huy động dài hạn từ 0,1-0,3%/năm.
Nhận định trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay trong điều kiện kinh tế không thuận lợi và cầu tín dụng yếu do dịch, NHNN đã giao hạn mức tín dụng đầu 2020 phổ biến thấp hơn từ 2-3%/năm so với đầu năm 2019.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao năm 2020 đa phần thấp hơn đáng kể năm 2019
VDSC cho rằng việc được giao một hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp hướng tín dụng vào những lĩnh vực an toàn hơn, tránh nguy cơ các ngân hàng đẩy cho vay vào các phân khúc rủi ro cao.
Cùng với đó, điều này cũng làm giảm mức độ cạnh tranh về huy động tiền gửi, nhờ đó giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Theo đó, việc giảm lãi suất đầu vào sẽ giúp phần nào bù đắp cho các ngân hàng khi phải hạ lãi suất đầu ra.
Với kịch bản cơ sở rằng dịch sẽ được kiểm soát trong quý II và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ quý III – cũng là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng, VDSC cho rằng NHNN có thể nới thêm 2-3 điểm % hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng ở mỗi ngân hàng có thể thấp hơn 2-3 điểm % so với năm 2019, trừ trường hợp của VietinBank.
VietinBank đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 6-10% tùy theo tình hình diễn biến của dịch (so với năm ngoái đạt mức 8,8%), tức cũng có thể giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng của năm 2019 nếu cho vay hồi phục hoặc thậm chí cao hơn trong trường hợp được tăng vốn kịp thời.
Về tỷ suất sinh lời NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên), VDSC dự báo NIM sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.
"Nhiều khả năng ảnh hưởng lên NIM ở các ngân hàng quốc doanh như BIDV và VietinBank sẽ mạnh hơn so với các ngân hàng tư nhân do tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động - PV) cao làm hạn chế dư địa giảm chi phí huy động", chuyên gia của VDSC đánh giá.
Tuy vậy, VDSC vẫn kỳ vọng một số ngân hàng sẽ có khả năng tăng nhẹ NIM như HDBank và MB (nhờ tài chính tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn ngân hàng mẹ) và Techcombank (do giảm chi phí huy động và tăng trưởng tín dụng năm 2019 phản ánh đầy đủ vào thu nhập lãi năm 2020).
Dù vậy, VDSC không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch có thể có phạm vi lớn, các gói hỗ trợ tín dụng có thể không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch mà có thể còn mở rộng ra những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp, hoạc toàn nền kinh tế.
Trong trường hợp đó, các ảnh hưởng của dịch lên NIM của các ngân hàng có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone