(VNF) - Nếu theo đúng kế hoạch, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vào 2026 và có hiệu lực vào năm 2027, tức sau 10 năm kể từ thời điểm Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo luật. Theo bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, việc chậm trễ trong sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, từ đó tác động lên tăng trưởng của nền kinh tế.
Hoãn đẻ vì…thuế
Đầu năm 2024, chị Hồng Yến (Hà Nội) vui mừng khi nhận được thông báo tăng lương. Tuy nhiên, chỉ sau tháng đầu nhận mức lương mới, chị Yến đã phải “than trời” khi khoản lương tăng gần đúng bằng số tiền nộp thuế. “Thu nhập tăng thì tiền đóng thuế cũng tăng theo. Chưa kể lương tăng một phần thì giá cả hàng hóa tăng đến vài phần nên dù có thêm thu nhập thì cũng đâu lại vào đấy”, chị Yến cho hay.
Anh Quốc Trọng (Hà Nội) cũng đau đầu khi tháng nào cũng phải chắt bóp chi tiêu dù thu nhập của cả hai vợ chồng hơn 30 triệu đồng/tháng. “Tiền nhà, tiền học của con cùng với ti tỉ thứ tiền khác khiến vợ chồng tôi buộc phải cắt giảm được gì thì cắt giảm, thậm chí là tạm ‘cắt’ luôn việc sinh đứa thứ hai vì sợ không kham nổi”, anh nói.
Theo thống kê tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm 2022. Tuy nhiên, cùng với đà tăng về thu nhập bình quân, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh. Chỉ riêng trong năm 2023, nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực tăng tới 6,85%, điện sinh hoạt tăng 4,86% so với năm trước đó. Bên cạnh đó, chi phí giáo dục như học phí, tiền sách vở, chi phí y tế cũng tăng một cách chóng mặt. Nhiều người dân phải “thắt lưng buộc bụng” khi mà “ngay cả mức lương 12 triệu đồng/tháng cũng không đủ sống tại đô thị” như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng nói.
Mặc dù đời sống của người dân đang còn nhiều khó khăn nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn tăng đều. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 đạt trên 155.000 tỷ đồng, trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công chiếm khoảng 70%, tương đương 108.228 tỷ đồng. Điều này cho thấy lực lượng đóng góp chính cho số thu thuế TNCN là những người làm công ăn lương – những người đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn về kinh tế sau những năm Covid-19 và lạm phát. “Bao giờ sửa đổi thuế TNCN?” đã trở thành câu hỏi “cửa miệng” của nhiều người mỗi khi nhắc đến thuế TNCN.
Theo kế hoạch, phải tới cuối năm 2025, Chính phủ mới trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN và nếu được thông qua vào năm 2026 thì dự kiến đến năm 2027 mới có hiệu lực. Điều này cũng có nghĩa, nếu tính từ thời điểm Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo để sửa đổi Luật Thuế TNCN, tức năm 2017, đến thời điểm dự kiến khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực nếu được Quốc hội thông qua, tức năm 2027, thì lộ trình sửa đổi Luật Thuế TNCN kéo dài tới tận 10 năm.
Mặc dù phía Chính phủ liên tục chỉ đạo, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân thế nhưng đến nay, sửa đổi Luật Thuế TNCN vẫn chỉ đang trong giai đoạn…chờ.
Giảm trừ sao cho phù hợp?
Trao đổi với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, nhận định: “Bất cứ chậm trễ nào trong việc thay đổi các chính sách thuận lợi hơn về kê khai và nộp thuế cũng sẽ ảnh hưởng tới các khía cạnh lập kế hoạch tài chính, đầu tư, tiết kiệm, tiêu chuẩn sống và tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, việc các cơ quan ban ngành sớm có các chính sách thuận lợi và phù hợp hơn về thuế để tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư, mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế”.
Ở thời điểm hiện tại, Luật Thuế TNCN bộc lộ nhiều hạn chế so với thực tiễn, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, theo quy định hiện tại, mức tính giảm trừ gia cảnh sẽ được xem xét điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động vượt quá mức 20%. Tuy nhiên, bà Vũ Thu Hà nhận định, “việc chỉ sử dụng CPI để xem xét điều chỉnh mức GTGC có thể chưa hoàn toàn phản ánh khách quan mức sống của người lao động”.
Bên cạnh CPI, bà Hà cho rằng cần cân nhắc thêm những yếu tố khác để đảm bảo tính toàn diện và khách quan, ví dụ: các yếu tố về mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập đầu người bình quân, chi tiêu hộ gia đình, tỷ lệ lạm phát dự kiến hàng năm…
Ngoài ra, theo đề xuất của bà Hà, để đảm bảo mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động thị trường và thực tiễn mức sống người dân, Bộ Tài chính cần có lộ trình rà soát và thay đổi định kỳ (ít nhất 2 năm/lần), thay vì đợi đến khi CPI biến động vượt 20% như hiện tại.
Quan sát thực tiễn từ nhiều nước trong khu vực, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte cho rằng Việt Nam có thể áp dụng thêm các hình thức giảm trừ gia cảnh khác sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… hiện áp dụng giảm trừ các chi phí sinh hoạt thực tế như chi phí khám sức khỏe, chi phí tiền học cho con, tiền điện, tiền nước…. Đơn cử, người nộp thuế tại Malaysia, ngoài mức giảm trừ cá nhân, còn được hưởng hơn 20 khoản giảm trừ khác, từ chi phí chăm sóc cha mẹ, tiền mua thiết bị hỗ trợ người thân khuyết tật, học phí cho bản thân đến chi phí tế, vaccine... Tương tự, tại Thái Lan, tiền lãi vay mua nhà trả góp, tiền bảo hiểm nhân thọ, học phí cho con, làm từ thiện, tiền cho thuê nhà đất, tiền tác quyền... cũng được trừ vào thu nhập chịu thuế.
“Đây là hình thức giảm trừ thực tiễn, phản ánh trực tiếp mức sống của người nộp thuế vào nghĩa vụ thuế TNCN phải nộp và nên được áp dụng tại nước ta”, bà Hà nhận định.
“Tuy nhiên, do nhiều người Việt Nam vẫn thường thanh toán các chi phí dịch vụ nhiều bằng tiền mặt, chưa có thói quen xuất hóa đơn cho cá nhân. Trong khi để áp dụng cơ chế giảm trừ chi phí nói trên, việc lưu trữ đầy đủ hóa đơn hợp lý, hợp lệ làm cơ sở giảm trừ là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc xác minh và đối chiếu của cơ quan thuế đối với các chi phí này cũng phát sinh thêm các thủ tục hành chính và nguồn lực. Do vậy, để áp dụng hình thức giảm trừ này, cần cân nhắc xây dựng cơ chế quản lý về hành chính rõ ràng, minh bạch, tối ưu áp dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo phù hợp quy định đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính”, bà Hà khuyến nghị.
Bên cạnh mức giảm trừ chi phí sinh hoạt thực tế, đại diện của Deloitte Việt Nam cho rằng Bộ Tài chính còn có thể tham khảo thêm mức giảm trừ cố định (áp dụng mức giảm trừ riêng cho từng đối tượng nộp thuế dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, tình trạng sinh sống, khả năng lao động) hay mức giảm trừ lũy tiến (tương ứng với từng bậc thuế suất lũy tiến) mà các quốc gia khác đang áp dụng.
Ngoài giảm trừ gia cảnh, theo bà Hà, Luật thuế TNCN hiện hành tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc thu thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thông qua cơ quan chi trả thu nhập trong khi nền kinh tế số lại đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề mới.
“Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số như hiện nay, các cơ chế pháp lý và giải pháp quản lý liên quan tới các sản phẩm, tài sản, dịch vụ mới cần phải được cập nhật liên tục để tránh thất thu cho Ngân sách nhà nước", bà Hà nói.
Đơn cử như quy định hiện hành về thuế TNCN chưa đề cập rõ ràng về việc những tài sản ảo như tiền số, crypto, bitcoin nên hiện nay, cơ chế thu thuế đối với các cá nhân có phát sinh giao dịch tài sản ảo chưa rõ ràng và chưa thể thực thi được, đại diện Deloitte Việt Nam cho hay.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone