Giữ ghế Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh từ chức Chủ tịch tại 4 công ty
Minh Tâm -
05/01/2018 08:02 (GMT+7)
(VNF) – Ông Dương Công Minh trở thành lãnh đạo ngân hàng đầu tiên rời cương vị lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác nhằm đáp ứng Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ có hiệu lực trong 10 ngày nữa, cũng là mở đường cho làn sóng lãnh đạo ngân hàng rời "ghế" lãnh đạo doanh nghiệp.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa có thông báo về việc thay đổi thông tin của người nội bộ là ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Theo đó, ông Dương Công Minh đã chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty gồm: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt.
Hiện tại, ông Minh chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT duy nhất tại Sacombank.
Động thái của ông Dương Công Minh là nhằm đáp ứng Khoản 4, Điều 34 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi: "Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác".
Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/1/2018 tới.
Cùng với ông Dương Công Minh, cho tới thời điểm hiện tại, tất cả các lãnh đạo ngân hàng thuộc diện phải từ chức lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác gồm ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT TPBank kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DOJI, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T, bà Thái Hương – Tổng giám đốc BacABank kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đều đã quyết định rời "ghế" lãnh đạo doanh nghiệp, chọn "ghế" ngân hàng.
Lựa chọn của các lãnh đạo ngân hàng là không khó hiểu bởi cương vị chủ tịch hay tổng giám đốc là rất quan trọng trong việc nắm quyền tại ngân hàng bởi đặc thù ngành này giới hạn rất chặt tỷ lệ sở hữu cổ phần, đặc biệt là đối với các cổ đông tư nhân trong nước.
Theo Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (khoản 1); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD (khoản 2); cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD (khoản 3).
Riêng khoản 2, khoản 3 có ngoại lệ đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần nhà nước tại TCTD cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng ngay cả đối với ngoại lệ mà TCTD được kiểm soát đặc biệt, NHNN cũng khó lòng để xảy ra trường hợp cổ đông (không phải Nhà nước và nước ngoài) và người có liên quan nắm giữ trên 50% cổ phần của TCTD; bản thân cổ đông đó cũng chưa chắc muốn nâng sở hữu lên quá cao vì khi TCTD thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, cổ đông đó lại buộc phải giảm sở hữu xuống theo quy định.
Còn đối với doanh nghiệp thông thường, cương vị lãnh đạo không quá quan trọng đối với cá nhân nắm cổ phần chi phối bởi khi ấy, dù ở "ghế" lãnh đạo hay rời "ghế", quyền quyết định vẫn nằm trong tay cá nhân đó.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.