Ngân hàng

Làm sếp ngân hàng: ‘miếng ngon’ khó bỏ

(VNF) – Thất bại mới đây của ông Dương Công Minh cho thấy một điều: quyền lực của Chủ tịch HĐQT dù lớn nhưng không đủ bao phủ để áp đặt ý chí cá nhân. Các chủ tịch ngân hàng nếu rời cương vị chủ tịch sẽ rất khó đưa ra các quyết sách, đường hướng phát triển cũng như nắm quyền chỉ đạo tại ngân hàng.

Làm sếp ngân hàng: ‘miếng ngon’ khó bỏ

Cương vị chủ tịch là rất quan trọng trong việc nắm quyền tại ngân hàng bởi đặc thù ngành này giới hạn rất chặt tỷ lệ sở hữu cổ phần, đặc biệt là đối với các cổ đông tư nhân trong nước

"Chủ soái" Him Lam Dương Công Minh mới đây đã nhận thất bại đầu tiên kể từ thời điểm chính thức nắm cương vị Chủ tịch HĐQT Sacombank khi có tới 83,3% cổ phần biểu quyết "Không tán thành" đối với kế hoạch đổi mã chứng khoán Sacombank từ STB sang SCM. Kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HoSE sang HNX của vị chủ tịch này theo đó cũng chính thức phá sản.

Thất bại của ông Dương Công Minh cho thấy một thực tế tại các ngân hàng: quyền lực của Chủ tịch HĐQT dù lớn nhưng không đủ bao phủ để áp đặt ý chí cá nhân. Hiện nay, quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các TCTD rất chặt chẽ và đặc biệt chặt chẽ đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tư nhân trong nước.

Theo Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (khoản 1); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD (khoản 2); cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD (khoản 3).

Riêng khoản 2, khoản 3 có ngoại lệ đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần nhà nước tại TCTD cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng ngay cả đối với ngoại lệ mà TCTD được kiểm soát đặc biệt, NHNN cũng khó lòng để xảy ra trường hợp cổ đông (không phải Nhà nước và nước ngoài) và người có liên quan nắm giữ trên 50% cổ phần của TCTD; bản thân cổ đông đó cũng chưa chắc muốn nâng sở hữu lên quá cao vì khi TCTD thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, cổ đông đó lại buộc phải giảm sở hữu xuống theo quy định.

Tóm gọn, như đã nói ở trên, quyền lực của chủ tịch ngân hàng dù lớn nhưng không đủ bao phủ để áp đặt ý chí cá nhân.

Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có một nội dung rất đáng chú ý: "Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác".

Cũng nghĩa là ông Dương Công Minh sẽ phải từ chức Chủ tịch tại Him Lam hoặc Sacombank. Lựa chọn tương tự cũng xảy đến với hầu hết các chủ tịch ngân hàng hiện tại như ông Đỗ Minh Phú, ông Võ Quốc Thắng, bà Lê Thị Băng Tâm, ông Đỗ Quang Hiển…

Ông Dương Công Minh lựa chọn chức Chủ tịch Sacombank thay vì Chủ tịch Him Lam. Các chủ tịch ngân hàng khác liệu có lựa chọn tương tự?

Có nhiều ý kiến tranh luận về quy định mới nhưng về cơ bản đều đánh giá cao về tinh thần hướng đến minh bạch của luật, tuy nhiên cũng rất băn khoăn về tính khả thi trong triển khai.

"Nếu xét trên thực tế thì tác động tới minh bạch của thị trường của quy định này là rất nhỏ, bởi chúng ta cũng đã có quy định về việc công ty có liên quan tới chủ ngân hàng không được vay hoặc phải được sự thông qua của HĐQT. Vì thế, dù có muốn ‘lợi dụng’ vốn ngân hàng cho công ty sân sau thì các ông chủ ngân hàng cũng sẽ không đứng tên", luật sư Trương Thanh Đức Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC nêu quan điểm.

Luật là luật, các chủ tịch ngân hàng buộc phải chấp hành. Nhưng lựa chọn của họ sẽ là gì? Tình huống thất bại của ông Dương Công Minh mới đây là một tín hiệu liên quan đáng chú ý.

Các chủ tịch ngân hàng nếu rời cương vị chủ tịch thì sẽ rất khó đưa ra các quyết sách, đường hướng phát triển cũng như nắm quyền chỉ đạo, bởi như đã trình bày ở trên, đặc thù ngành ngân hàng giới hạn rất chặt tỷ lệ sở hữu cổ phần, đặc biệt là đối với các cổ đông tư nhân trong nước.

Trao đổi với báo giới về lựa chọn khó khăn, ông Dương Công Minh cho biết: "Tôi sẽ từ chức khỏi vị trị Chủ tịch của Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank".

Quyết định từ chức Chủ tịch Him Lam của ông Dương Công Minh là dễ hiểu, bởi dù có từ chức tại Him Lam, quyền lực của ông vẫn bao trùm bởi tỷ lệ sở hữu cổ phần lên tới 99%. Về cơ bản, không có nhiều khác biệt.

Đối với các chủ tịch ngân hàng khác, quyết định cũng sẽ tương tự? Doanh nghiệp, đã là "đứa con tinh thần" thì tên tuổi đã gắn liền với lãnh đạo, dù lãnh đạo có rời cương vị (và thực tế vẫn nắm quyền) thì mối quan hệ ấy cũng khó lòng phai nhạt. Giả dụ ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch TPBank có từ chức Chủ tịch tại DOJI và vẫn nắm quyền tại công ty vàng này, thì hình ảnh DOJI – Đỗ Minh Phú cũng chẳng vì thế mà bị lu mờ đi.

Liệu có trường hợp nào từ bỏ vị trí chủ tịch ngân hàng? Chắc sẽ ít nhưng có thể vẫn sẽ có bởi các chủ tịch ngân hàng còn phương án khác: đưa người thân cận lên làm chủ tịch hay khả thi hơn là bầu một Chủ tịch HĐQT độc lập.

Dù sao, ngân hàng vẫn là "miếng ngon" khó bỏ.

Tin mới lên