Góc nhìn chứng khoán: Kỳ vọng lớn trên thị trường phái sinh

Song Tử - 19/08/2020 16:39 (GMT+7)

(VNF) - Diễn biến phục hồi yếu tại nhóm VN30 vẫn được đánh giá tích cực khi thị trường phái sinh đồng loạt tăng và nhà đầu tư vẫn đặt cược vào phiên đáo hạn ngày mai.

VNF
Hợp đồng tương lai chỉ số F1 (đường màu xanh) vẫn đang cao hơn chỉ số cơ sở VN30-Index thể hiện kỳ vọng thị trường cơ sở tiếp tục tăng.

Chỉ số VN30-Index đóng cửa hôm nay tăng nhẹ 2,46 điểm dù có tới 22 cổ phiếu tăng giá và 3 cổ phiếu giảm giá. Như vậy mức tăng ở cổ phiếu là khá yếu. Điều này không làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư, khi giá hợp đồng tương lai chỉ số tháng 8 đáo hạn ngày mai vẫn cao hơn VN30-Index gần 3,6 điểm.

Vào ngày đáo hạn hợp đồng, giá thanh toán sẽ là điểm số đóng cửa của VN30-Index. Do vậy khi giá hợp đồng vẫn cao hơn chỉ số cơ sở, có thể hiểu rằng nhà đầu tư vẫn đang đặt cược rằng chỉ số sẽ tiếp tục tăng trong ngày mai. Dĩ nhiên thay đổi vẫn có thể xảy ra nếu như thị trường thế giới chuyển biến xấu trong đêm nay và ngày mai nhà đầu tư sẽ cover nhiều để giảm mức chênh lệch xuống.

Khả năng lặp lại diễn biến đáo hạn tháng 7 là khá cao vì hiện hợp đồng F1 vẫn đang gần sát đỉnh cao nhất của nhịp tăng hiện tại. Giá hợp đồng này cao hơn VN30-Index trong toàn bộ thời gian của phiên hôm nay và biến động giá đều dẫn trước biến động của chỉ số. Đặc biệt là khi VN30-Index có một nhịp điều chỉnh giảm nửa sau phiên chiều khoảng 2,4 điểm nhưng giá hợp đồng F1 vẫn không giảm mà còn tăng về cuối phiên.

Kỳ vọng cũng thể hiện trong giao dịch của hợp đồng tháng kế tiếp (F2) khi thanh khoản bắt đầu tăng cao (tăng 85% so với hôm qua) và và mức chênh lệch từ -5 điểm được giảm xuống còn -0,3 điểm. Diễn biến của F2 cũng cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng sau khi đáo hạn F1, thị trường sẽ tiếp tục tăng chứ không giảm. Nhà đầu tư thực hiện Long mạnh nên đẩy giá tăng ở F2, chấp nhận mức chênh lệch không đáng kể.

Thị trường phái sinh đang thể hiện sự lạc quan đáng kể đối với thị trường cơ sở và phiên đảo chiều phục hồi hôm nay đi kèm với mức thanh khoản tăng trở lại cũng củng cố lý do tin cậy hơn. Thanh khoản trong nhóm VN30 được nâng lên khoảng 1.350 tỷ đồng, tăng 19% so với phiên trước.

Mức tăng của nhóm blue-chips là yếu, nhưng tăng trên diện rộng. Đáng kể nhất là VCB tăng 0,85% và VRE tăng 0,96%, TCB tăng 0,75%. Các cổ phiếu còn lại có rất ít tác động hoặc mức tăng quá nhẹ. Đây là lý do tại sao VN30-Index chỉ tăng được hơn 2 điểm dù có 22 mã tăng giá.

Việc nhà đầu tư trên thị trường phái sinh đặt cược vào khả năng bùng nổ cao hơn cũng có phần hỗ trợ từ cơ hội bùng nổ của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P500 hôm qua đã có lúc vượt đỉnh lịch sử và hiện đang ngấp nghé đỉnh. Nếu chứng khoán Mỹ bùng nổ được thì tâm lý chung sẽ rất tích cực và thị trường trong nước cũng có cơ hội bùng nổ theo. Tuy vậy việc phụ thuộc vào yếu tố tâm lý bên ngoài như vậy cũng là điều rủi ro vì không thể chắc chắn được kịch bản đó có xảy ra hay không.

Đối với nội tại, khả năng bùng nổ chỉ xuất hiện nếu VN-Index hay VN30-Index vượt qua được đỉnh cao đầu tuần và có thanh khoản lớn hơn. Với VN30-Index là khoảng 800-801 điểm, với VN-Index là khoảng 860 điểm. Thị trường bùng nổ bằng điểm số không phải là khó nhưng cần kết hợp với việc gia tăng thanh khoản. Hiện thanh khoản lại chủ yếu là giao dịch ở các mã tầm trung như PHR, GEX, HSG hay ACB. Nhóm VN30 hôm nay tăng thanh khoản trở lại nhưng vẫn còn kém xa mức trung bình tuần trước (hơn 1.800 tỷ đồng/phiên).

Thật sự chỉ số S&P500 cũng chỉ được kéo mạnh nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ lớn như nhóm FAANG, tác động không khác gì VIC, SAB, VCB, VHM, VNM, GAS, BID đối với VN-Index. Các cổ phiếu Google, Apple, Microsoft, Amazon, Facebook chiếm đâu đó 23% trọng số của S&P500, khoảng 47% trong Nasdaq 100. 7 cổ phiếu nói trên của Việt Nam chiếm xấp xỉ 50% VN-Index. Nếu các cổ phiếu lớn tạo được bùng nổ ở chỉ số mà dẫn tới sự lan tỏa thành xu hướng chung thì tốt, còn không cũng chỉ là một phiên phục vụ đáo hạn phái sinh mà thôi.

Cùng chuyên mục
Tin khác