(VNF) - Thị trường hôm nay tăng tốt và trong các cột số liệu của bảng điện, thanh khoản cũng tốt, giá cũng khá tốt, chỉ có con số mua bán của nhà đầu tư nước ngoài là gây khó chịu.
Đáng chú ý nhất vẫn là cột số liệu giao dịch của khối ngoại trong nhóm blue-chips VN30 và cột bán luôn tăng dần theo đà tăng của giá. Đến lúc nào đó con số bán ra vượt trội so với mua vào thì giá cổ phiếu bắt đầu suy yếu dần. Nếu chỉ một vài phiên như vậy thì chưa có vấn đề gì lớn, nhưng ròng rã hơn tháng trời thì không phải là chuyện nhỏ, nhất là hai tuần gần đây, ngày nào cũng hàng trăm tỷ đồng bị rút ròng khỏi thị trường.
Như hôm nay, chỉ riêng nhóm VN30, tổng giá trị giao dịch vào khoảng 1.763 tỷ đồng thì nhà đầu tư nước ngoài bán gần 631 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 36%. Suốt nhiều phiên, giá giảm khối ngoại cũng bán, giá tăng bán càng mạnh hơn. Thị trường vẫn có chỗ nóng, chỗ lạnh, nhưng hiện tượng chảy ngược của dòng vốn ngoại ở cường độ lớn như vậy thì sẽ không hề tốt cho thị trường chung.
Chỉ mới 2 ngày đầu tuần này, vốn ngoại lại rút ròng đi trên 738 tỷ đồng chỉ riêng với cổ phiếu HSX và HNX. Tính chung từ sau Tết âm lịch đến giờ, lượng vốn bị rút ròng đã lên tới trên 3.972 tỷ đồng.
Con số này rất có ý nghĩa vì để bù vào phần vốn bị rút đi này, nhà đầu tư trong nước phải bơm vào một con số tương ứng. Nếu nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ nguyên lượng cổ phiếu đó cũng đồng nghĩa với nguồn lực của nhà đầu tư trong nước dư ra con số gần 4.000 tỷ đồng, đủ để làm nên chuyện đối với giá cổ phiếu.
Trong các yếu tố tác động lên cung cầu của giá cổ phiếu hàng ngày, yếu tố giao dịch của tổ chức là quan trọng nhất. Nhà đầu tư cá nhân dù có vốn vài chục tới cả trăm tỷ đồng thì cũng không thể tạo ra một sức ép trên diện rộng được. Nhưng với các quỹ đầu tư, kế hoạch thoái vốn không phải theo kiểu đầu cơ bán cao rồi mua lại giá rẻ hơn và danh mục có thể tới hàng chục cổ phiếu. Mặt khác, nếu dòng vốn ngoại đã chảy ra nhiều hơn thì cũng có thể là sẽ ngày càng ít dòng vốn mới chảy vào vì đang có sự phân bổ lại tỷ trọng đầu tư tổng thể, hoặc là theo tính chất thị trường (mới nổi, cận biên hay phát triển), hoặc là theo loại hàng hóa như vàng, trái phiếu hay cổ phiếu...
Phiên này có thể thấy sức ép quá rõ lên hàng loạt cổ phiếu mà tiêu biểu như VRE, HPG, STB, POW, MSN, VCB... bị khối lượng bán rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài đẩy giá ngược theo thời gian. Sức mua của nhà đầu tư trong nước vẫn khá tốt, đỡ được giá nên mức giảm không nhiều. Thế nhưng nếu nguồn lực đó được giành cho việc mua vào mà không phải đỡ, thì giá đã có thể tăng mạnh, kéo theo một phiên tăng tốt hơn nhiều đối với VN-Index.
Chỉ số này đóng cửa còn tăng hơn 6 điểm dù đầu phiên tăng gần 10 điểm cũng không phải là biến động quá lớn. Các blue-chips “lạc quẻ” với nhau thì chỉ số không thể hình thành xu hướng rõ ràng được. Còn lại, nếu bỏ qua những biến động có phần kém khả quan nói trên thì những “điểm nóng” thực sự sôi động. Khi đã cuốn vào một “game” nào đó, sự hưng phấn là không thể ước đoán được như ở SHB. Hôm qua với khối lượng giao dịch 54,6 triệu cổ, kỷ lục 9 năm, SHB tưởng như “quỵ” khi đầu phiên hôm nay giảm 1,9%. Cuối cùng sức mua khổng lồ vẫn đẩy giá tăng tiếp 7,62% nữa. Chỉ trong cao trào của “game” kéo dài hơn tuần, giá SHB đã tăng 64%.
Trong số các chỉ số giá hôm nay, chỉ có VN-Index (tăng 0,7%) và VN30-Index (tăng 0,31%) là kém nhất, còn lại nhóm vốn hóa trung bình (VNMidcap) tăng 1,14%, nhóm vốn hóa nhỏ (VNSmallcap) tăng 1,23%. Đó chỉ là mức tăng trung bình theo chỉ số, còn rất nhiều cổ phiếu cụ thể trong nhóm vừa và nhỏ này tăng cực mạnh, thậm chí là kịch biên độ như DPG, YEG, AMD, CMX, DGW, DRH, HAI, HHS, VNE. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hầu như không đáng kể và các nhà đầu cơ trong nước thỏa sức vẫy vùng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone