Góc nhìn: Cổ phiếu MWG có bị ảnh hưởng tiêu cực bởi 'bê bối' mặt bằng bán lẻ?

Thanh Long - 04/10/2021 14:47 (GMT+7)

(VNF) - Chiến lược bảo vệ lợi nhuận, một mặt là để MWG tồn tại, sống sót trong thời kỳ khốc liệt chưa từng có, đồng thời tạo đà cho sự gia tăng thị phần trong và sau thời kỳ đại dịch, mặt khác là đảm bảo cho chính sách giữ chân nhân tài cực kỳ quan trọng với MWG: "thưởng" cổ phiếu ESOP.

VNF
Góc nhìn: Cổ phiếu MWG có bị ảnh hưởng tiêu cực bởi 'bê bối' mặt bằng bán lẻ?

Sau làn sóng "tẩy chay" chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh rầm rộ trên mạng xã hội, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) gần đây lại đối mặt với bê bối liên quan đến việc miễn, giảm tiền thuê mặt bằng bán lẻ.

Trong văn bản gửi đến đối tác cho thuê mặt bằng, MWG đề nghị không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước. Cùng với đó, không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch. Thời gian áp dụng từ 1/1/2021 đến 1/8/2021.

Đáng chú ý, văn bản đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Một số đối tác cho MWG thuê mặt bằng tỏ ra bức xúc vì hành động có phần đơn phương, áp đặt từ phía MWG. Thậm chí, bỗng nhiên họ còn trở thành "con nợ" của MWG bởi điều khoản cấn trừ tiền đã thanh toán. Phương án khởi kiện cũng đã được đối tác của MWG tính đến.

Đi tìm nguyên nhân

Kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, MWG là doanh nghiệp được giới đầu tư đánh giá cao về khả năng quản trị cũng như trách nhiệm xã hội. Việc liên tiếp dính bế bối, trước là vấn đề vận hành của chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh trong thời kỳ cao điểm của đại dịch tại TP. HCM và các tỉnh phía nam, sau là vấn đề mặt bằng bán lẻ, đã khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi ngạc nhiên và cảm thấy nghi ngờ về những giá trị cốt lõi mà MWG theo đuổi.

Bối cảnh đặc biệt của đại dịch đặt MWG nói riêng, các doanh nghiệp nói chung vào tình huống ngặt nghèo. Đối mặt với sự thật khốc liệt, các doanh nghiệp buộc phải đưa ra lựa chọn. Và MWG lựa chọn chiến lược: bảo vệ lợi nhuận. Lựa chọn này từng được Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài nhắc đến nhiều lần trong các cuộc trao đổi với nhà đầu tư và khẳng định, đây là ưu tiên của tập đoàn trong giai đoạn khó khăn này.

Trên thực tế, MWG đã xoay xở mọi cách để tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa doanh thu, đến mức đem lại cảm giác cực đoan. Văn bản miễn, giảm tiền thuê mặt bằng bán lẻ vừa qua cũng là "sản phẩm" của chiến lược bảo vệ lợi nhuận. Chiến lược này cũng hiển lộ khá rõ trong những "scandal" gần đây liên quan đến giá cả hàng hóa trong chuỗi Bách hóa Xanh cũng như chế độ phúc lợi của cán bộ, nhân viên của MWG trong thời kỳ đại dịch. Có thể thấy, nếu MWG phải hy sinh một điều gì đó trong thời kỳ đại dịch thì sự hy sinh đó phải nhằm bảo vệ lợi nhuận, chẳng hạn như toàn bộ nhân sự từ cấp giám đốc trở lên của MWG làm việc mà không nhận thù lao, trong khi thu nhập nhân viên bị điều chỉnh giảm theo nguyên tắc "thu nhập càng cao thì điều chỉnh càng nhiều" (trừ bộ phân kinh doanh).

Chiến lược bảo vệ lợi nhuận, một mặt là để MWG tồn tại, sống sót trong thời kỳ khốc liệt chưa từng có, đồng thời tạo đà cho sự gia tăng thị phần trong và sau thời kỳ đại dịch, mặt khác là đảm bảo cho chính sách giữ chân nhân tài cực kỳ quan trọng với MWG: "thưởng" cổ phiếu ESOP.

Nhiều năm qua, chính sách phát hành cổ phiếu với giá ưu đãi cho nhân viên (ESOP) đã trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển của MWG, là cách thức MWG thúc đẩy nỗ lực của nhân viên cũng như tăng trưởng toàn tập đoàn. Trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài khẳng định nếu chính sách này không còn tồn tại thì đó là dấu hiệu cho thấy hiệu quả kinh doanh của MWG không còn được duy trì.

Đại hội cổ đông thường niên 2021 của MWG đã thông qua kế hoạch phát hành ESOP cho cán bộ, nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (thị giá kết phiên gần nhất là 126.200 đồng/cổ phiếu) nhưng với điều kiện là lợi nhuận sau thuế năm 2021 phải tăng trưởng ít nhất 10%.

Chiến lược bảo vệ lợi nhuận đã giúp MWG đạt được tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lũy kế 8 tháng năm 2021 ở mức 12% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là vẫn đảm bảo được điều kiện phát hành cổ phiếu ESOP, bất chấp doanh nghiệp này đã phải trải qua tháng 7 và tháng 8 cực kỳ khó khăn.

Trong tháng 7, lợi nhuận sau thuế mà MWG đạt được là 231 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó tháng 8, lợi nhuận đạt 222 tỷ đồng, giảm 32%. Mặc dù kinh doanh mặt hàng khác nhau nhưng dù sao nếu nhìn sang một "ông lớn" bán lẻ khác là PNJ bị lỗ hơn 100 tỷ đồng trong tháng 7 và 8 thì có thể thấy được rằng những biện pháp có phần cực đoan của MWG là có hiệu quả vượt trội xét trên khía cạnh bảo vệ lợi nhuận ngắn hạn, qua đó duy trì chính sách ESOP.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài khẳng định nếu chính sách phát hành ESOP không còn tồn tại thì đó là dấu hiệu cho thấy hiệu quả kinh doanh của MWG không còn được duy trì. Ảnh: Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021

Cổ phiếu có chịu ảnh hưởng tiêu cực?

Tâm lý "tẩy chay" có thể xuất hiện thoáng chốc trên thị trường chứng khoán nhưng nhìn chung, yếu tố quan trọng nhất dẫn dắt xu hướng tăng, giảm của cổ phiếu là tăng trưởng lợi nhuận. Như vậy, nếu "bê bối" mặt bằng bán lẻ tác động tiêu cực đến tăng trưởng lợi nhuận của MWG thì giá cổ phiếu mới có khả năng suy giảm. Thế nhưng trước mắt, biện pháp miễn, giảm tiền thuê mặt bằng của MWG dù gây tranh cãi nhưng lại tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Nhìn lại câu chuyện "tẩy chay" Bách hóa Xanh, thống kê cho thấy giá cổ phiếu MWG trong giai đoạn này lại... tăng. Cụ thể, mức tăng của giá cổ phiếu MWG trong tháng 7 và tháng 8 tổng cộng là gần 10%, trong khi chỉ số VN-Index giảm hơn 5%.

Trên thực tế, trong thời kỳ khó khăn này, giá cổ phiếu càng tăng mạnh càng có lợi cho chiến lược bảo vệ lợi nhuận mà MWG theo đuổi. Như đã đề cập, toàn bộ nhân sự từ cấp giám đốc trở lên của MWG làm việc mà không nhận thù lao. Mặc dù không nhận được thù lao thường kỳ nhưng trong tương lai, nhóm nhân sự này có thể được mua cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để bù đắp cho sự hy sinh này. Đặc biệt, giá cổ phiếu càng tăng cao thì mức độ bù đắp sẽ càng lớn. Điều này càng cho thấy chiến lược bảo vệ lợi nhuận để duy trì chính sách ESOP là rất quan trọng với MWG.

Tựu trung, nhiều lý do cho thấy giá cổ phiếu MWG trước mắt sẽ không chịu tác động tiêu cực đáng kể từ bê bối miễn, giảm giá mặt bằng bán lẻ.

Tuy nhiên, trong dài hạn, hành xử kiểu "tổn hạ ích thượng" ("người trên" hy sinh lợi ích của "người dưới") của MWG có thể tạo ra tác động không mong muốn. Thông thường, biện pháp này chỉ có hiệu quả tạm thời và luôn luôn phải đặt sự đồng thuận lên hàng đầu. Nếu MWG duy trì biện pháp này trong thời gian dài hoặc không có kế hoạch bù đắp tổn thất cho người cho thuê mặt bằng trong thời kỳ hậu dịch thì việc thuê mặt bằng sau này rất có thể sẽ gặp khó khăn do chủ nhà lo ngại sẽ lại gặp phải tình huống bị miễn, giảm tiền thuê như thời kỳ đại dịch. Nên nhớ, với các chuỗi bán lẻ, mặt bằng là cực kỳ quan trọng.

Cùng chuyên mục
Tin khác