(VNF) - Việc giữ tỷ trọng cho vay trung và dài hạn ở mức quá cao gây lo ngại rằng VIB đang chấp nhận đẩy rủi ro về tương lai vì mục tiêu lợi nhuận.
Nếu bình chọn ngân hàng nào tăng trưởng ấn tượng nhất trong 3 năm trở lại đây thì Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chắc chắn là cái tên sáng giá bậc nhất.
Trong hai năm 2017 và 2018, lợi nhuận trước thuế của VIB đã tăng gấp gần 4 lần (tăng gần gấp đôi sau mỗi năm) và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao, lên đến 69% trong 9 tháng năm 2019, đạt gần 3.000 tỷ đồng. Tín dụng là động lực chính giúp VIB đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trên.
Có thể nói, VIB là ngân hàng tư nhân đặc biệt được "ưu ái" về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) từ cơ quan quản lý. Tăng trưởng dư nợ cho vay của ngân hàng này lên đến 33% vào năm 2017, 20% vào năm 2018 và 28% chỉ trong 9 tháng năm 2019.
Cần lưu ý rằng năm 2019, định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ khoảng 14%, vậy nên mức tăng dư nợ cho vay lên đến 28% trong 9 tháng vừa qua của VIB là rất cao nhưng vẫn dưới room tín dụng được cấp. Sự "ưu ái" này được cho là xuất phát từ việc VIB là một trong hai ngân hàng đầu tiên áp dụng chuẩn Basel II về vốn trước thời hạn.
Tựu chung, dư nợ cho vay của VIB đã tăng gấp đôi sau chưa đầy 3 năm, từ mức 60.179 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2017 lên 123.223 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 9/2019.
Nhưng chỉ tăng trưởng dư nợ cho vay là không đủ. Bản thân cơ cấu dư nợ của VIB cũng chuyển biến theo hướng gia tăng biên lợi nhuận, bằng cách gia tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn thường có lãi suất cao hơn đáng kể so với lãi suất cho vay ngắn hạn.
Thống kê của VietnamFinance cho thấy suốt giai đoạn 2012 - 2018, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay của VIB đã liên tục tăng qua các năm. Kết quả, tỷ trọng này tại thời điểm cuối năm 2018 đã lên đến 85%, so với mức 42% thời điểm cuối năm 2012, thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.
Suốt giai đoạn 2012 - 2018, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay của VIB đã liên tục tăng qua các năm
Những chuyển biến trong mảng tín dụng giúp VIB gia tăng đáng kể thu nhập, tạo nguồn để xử lý nợ xấu. Từ mức đỉnh 8,13% cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC) của VIB đã giảm xuống còn 5,52% vào cuối năm 2016 và tiếp tục giảm xuống 3,49% một năm sau đó.
Năm 2018, VIB tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới ngưỡng quy định 3%, đạt 2,52%. 9 tháng sau, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,04%.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này cũng liên tục được cải thiện qua các năm và đã lên mức 50% vào cuối tháng 9/2019. Dù mức 50% vẫn còn khá thấp nhưng xét cả quá trình, kết quả đạt được là rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, việc giữ tỷ trọng cho vay trung và dài hạn ở mức quá cao gây lo ngại rằng VIB đang chấp nhận đẩy rủi ro về tương lai vì mục tiêu lợi nhuận.
Sở dĩ cho vay trung và dài hạn thường có lãi suất cao, kéo theo đó là lợi nhuận cao hơn cho vay ngắn hạn, là bởi kỳ hạn càng dài rủi ro càng lớn, rủi ro càng lớn thì lãi suất phải cao để bù đắp tổn thất dự kiến.
Và để có nguồn tiền cho vay trung và dài hạn, ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn (việc dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị hạn chế bởi trần quy định từ Ngân hàng Nhà nước và ngày càng bị siết lại do tiềm ẩn rủi ro lệch hạn).
Ước tính đến hết ngày 30/9/2019, tỷ trọng tiền gửi khách hàng có kỳ hạn từ 1 năm trở lên chiếm khoảng 39% tổng tiền gửi khách hàng của VIB - tỷ lệ thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.
Rủi ro lệch hạn: Về cơ bản, ngân hàng là một tổ chức kinh doanh theo cách nhận tiền gửi rồi cho vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Vấn đề là người gửi tiền có quyền rút tiền gửi bất cứ lúc nào, trong khi ngân hàng lại không thể tùy tiện thu hồi các khoản đã cho vay.
Điều này đồng nghĩa, ngân hàng cho vay kỳ hạn càng dài, càng khó thu hồi sớm các khoản đã cho vay để thanh toán nhanh cho người gửi tiền. Khi lượng người rút tiền đột ngột lớn đến một mức độ nào đó, ngân hàng có thể tạm thời không tự chi trả được cho người gửi tiền và phải nhờ đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Mọi thứ vẫn sẽ ổn nếu như tình hình vĩ mô ổn định, ít áp lực tăng lãi suất. Thực tế thì hiện nay là thời điểm thuận lợi cho VIB khi Ngân hàng Nhà nước quyết liệt trong việc giảm lãi suất, đặc biệt là giảm lãi suất ngắn hạn với công cụ điều tiết rất mạnh là trần lãi suất. Việc giảm trần lãi suất ngắn hạn giúp một phần dòng tiền gửi ngân hàng "chảy" sang kỳ hạn dài hơn.
Nhưng nền kinh tế là có chu kỳ nên tình hình vĩ mô không thể cứ mãi biến chuyển theo hướng như hiện nay. Chẳng hạn, một khi xuất hiện áp lực lạm phát, lãi suất sẽ khó lòng ngồi yên.
Khi lãi suất chịu áp lực tăng thì những ngân hàng có tỷ trọng huy động cũng như cho vay trung và dài hạn cao như VIB sẽ là những ngân hàng dễ tổn thương nhất. "Tổn thất" trước hết sẽ là chi phí vốn gia tăng mạnh hơn mặt bằng chung và rủi ro lệch hạn có nguy cơ thành hiện thực.
Hoặc đơn giản như nếu cuộc đua lãi suất huy động ở kỳ hạn trung và dài trở nên quá "nóng" khiến Ngân hàng Nhà nước buộc phải can thiệp để hạ lãi suất thì việc huy động vốn trung và dài hạn cũng trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.
Tất nhiên VIB sẽ không ngồi yên. Việc dự báo sớm những rủi ro tương lai là điều đặc biệt quan trọng, bởi dự báo sớm mới có thể ứng phó sớm, tránh tạo ra những "cú sốc". Không dễ để giảm nhanh tỷ trọng cho vay trung và dài hạn, đồng thời việc giảm tỷ trọng này cũng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.
Việc gia tăng nguồn thu ngoài lãi cũng là hướng đi phải tập trung để tạo dựng thêm những "cột trụ" mới cho mặt bằng lợi nhuận, giúp việc cơ cấu lại tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trở nên "mượt mà" hơn, ít ảnh hưởng đến mặt bằng lợi nhuận hơn.
Tại VIB, thẻ tín dụng, thanh toán và bảo hiểm là 3 nguồn thu dịch vụ đang được ngân hàng này đẩy mạnh và đã đóng góp khá lớn trong cơ cấu thu nhập hoạt động.
Thống kê cho thấy, nếu như năm 2017, tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ chỉ chiếm 10% trong tổng thu nhập hoạt động và tăng lên 12% vào năm 2018 thì sang 9 tháng năm 2019, tỷ trọng này đã lên đến 22%, phần nào cho thấy sự chuẩn bị nhất định từ VIB.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone