'Sức nóng' tăng trưởng của VIB nhìn từ số liệu tài chính 9 tháng

Minh Tâm - 18/10/2019 18:00 (GMT+7)

(VNF) - 9 tháng năm nay, VIB ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 69%, nhờ tăng trưởng cho vay lên đến 28% và tăng trưởng tiền gửi khách hàng lên đến 34%. Trong bối cảnh quy mô tăng nhanh, cân đối cấu trúc tài sản - nguồn vốn đang là bài toán lớn đặt ra với VIB.

VNF
9 tháng năm nay, tăng trưởng cho vay của VIB lên đến 28%, trong khi tăng trưởng tiền gửi khách hàng lên đến 34%

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với lợi nhuận tiếp tục tăng rất nhanh.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm nay của VIB đạt 2.915 tỷ đồng, tăng tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai năm trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 95% cho năm 2018 và 100% cho năm 2017.

Không phải biện pháp nào khác, để tăng trưởng lợi nhuận nhanh, VIB buộc phải tăng mạnh dư nợ cho vay.

9 tháng năm nay, dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng tới 28%, thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng. Với tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm chỉ 14%, đa phần các ngân hàng chỉ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% (tính cả sau khi đã được nới hạn mức so với chỉ tiêu giao hồi đầu năm).

Không chỉ tăng mạnh dư nợ cho vay, để tăng trưởng lợi nhuận nhanh, VIB còn chấp nhận cơ cấu cho vay lệch về kỳ hạn trung và dài hạn. Tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay tính đến hết ngày 30/9/2019 của VIB lên đến 82%, cũng thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.

Sở dĩ cho vay trung và dài hạn thường có lãi suất cao, kéo theo đó là lợi nhuận cao hơn cho vay ngắn hạn, là bởi kỳ hạn càng dài rủi ro càng lớn, rủi ro càng lớn thì lãi suất phải cao để bù đắp tổn thất dự kiến.

Bên cạnh rủi ro thông thường (thời gian càng dài càng dễ phát sinh biến cố), còn có một rủi ro khác là rủi ro lệch hạn. Về cơ bản, ngân hàng là một tổ chức kinh doanh theo cách nhận tiền gửi rồi cho vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Vấn đề là người gửi tiền có quyền rút tiền gửi bất cứ lúc nào, trong khi ngân hàng lại không thể tùy tiện thu hồi các khoản đã cho vay.

Điều này đồng nghĩa, ngân hàng cho vay kỳ hạn càng dài, càng khó thu hồi sớm các khoản đã cho vay để thanh toán nhanh cho người gửi tiền. Khi lượng người rút tiền đột ngột lớn đến một mức độ nào đó, ngân hàng có thể tạm thời không tự chi trả được cho người gửi tiền và phải nhờ đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định cụ thể về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, như là một cách để quản lý rủi ro lệch hạn.

Đó là về lý thuyết, trên thực tế, xét về mặt con số, VIB vẫn đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Sở dĩ như vậy là bởi khác với các ngân hàng khác đa phần tiền gửi là ngắn hạn, lượng tiền gửi có kỳ hạn trung và dài hạn ở VIB khá lớn.

Ước tính đến hết ngày 30/9/2019, tỷ trọng tiền gửi khách hàng có kỳ hạn từ 1 năm trở lên chiếm khoảng 39% tổng tiền gửi khách hàng của VIB, trong đó tuyệt đại đa số là tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm. Điều này cho phép VIB đáp ứng quy định hiện hành của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không đồng nghĩa với bền vững, bởi như đã đề cập, cơ cấu cho vay lệch về trung và dài hạn là một cơ cấu tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nhau, hay nói cách khác, đây là một cơ cấu cho vay kém bền vững. Vì thế mà nhiều năm trở lại đây, các cơ quan trung ương đã định hướng phát triển ngành ngân hàng theo hướng tài trợ vốn ngắn hạn, còn nhiệm vụ tài trợ vốn trung và dài hạn được giao cho ngành chứng khoán.

Tăng trưởng cho vay 9 tháng năm nay của VIB lên đến 28%

"Sức nóng" trong tăng trưởng lợi nhuận của VIB xuất phát từ tăng trưởng cho vay. Và để đảm bảo vốn phục vụ cho tăng trưởng mạnh về dư nợ cho vay, đặc biệt là cho vay trung và dài hạn, VIB không những phải đẩy rất mạnh việc huy động tiền gửi khách hàng mà còn phải tập trung huy động tiền gửi có kỳ hạn trung và dài hạn.

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tiền gửi khách hàng của VIB đạt 113.716 tỷ đồng, tăng tới 34% sau 9 tháng - mức tăng có lẽ sẽ trở thành cao nhất ngành ngân hàng. Theo tìm hiểu, phần lớn lượng tiền gửi tăng thêm có kỳ hạn trung hạn (từ 1 đến 5 năm).

Huy động lượng lớn tiền gửi trong thời gian ngắn đã khó, lại còn phải huy động kỳ hạn trên 1 năm thì đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Biện pháp truyền thống là huy động với lãi suất cao để hút người gửi tiền, chi phí vốn theo đó sẽ tăng cao và làm suy giảm biên lợi nhuận gộp.

Số liệu tài chính 9 tháng cho thấy, chi phí vốn của VIB tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng giảm đáng kể.

Cụ thể, 9 tháng năm nay, biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng (tính bằng thu nhập lãi thuần chia thu nhập lãi) ở mức 45,5%, thấp hơn mức 48% cùng kỳ năm ngoái. 4 năm trở lại đây, con số này ở VIB đều trên mức 47,5%.

Diễn biến này đặt ra một bài toán cho VIB ở thời điểm hiện tại: kiểm soát chi phí vốn.

Nhìn xa hơn, trong bối cảnh quy mô tăng nhanh, VIB đang đối mặt với bài toán lớn về cân đối cấu trúc tài sản - nguồn vốn. Đây là bài toán không dễ giải quyết nếu trong tương lai, ngân hàng này tiếp tục duy trì chiến lược tăng trưởng nhanh về quy mô bằng cách đẩy mạnh cho vay mua/sửa nhà và cho vay mua ô tô - những phân khúc cho vay có kỳ hạn trung và dài hạn.

Bên cạnh tăng trưởng nhanh về cho vay, còn một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận của VIB tăng mạnh là ngân hàng này khá hạn chế trích lập dự phòng.

Cụ thể, tính toán cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng dự phòng cho vay/nợ xấu) của VIB hiện ở mức khoảng trên 40%. Tỷ lệ này phản ánh mức độ phòng thủ trước rủi ro từ nợ xấu tại các ngân hàng. Mức 40% của VIB là khá thấp xét trong hệ thống ngân hàng, phần nào cho thấy đối với ngân hàng này, lợi nhuận được ưu tiên hơn phòng ngừa rủi ro.

>>> Xem thêm: Các ngân hàng đang bật 'chế độ phòng thủ nợ xấu' ở mức bao nhiêu?

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.