Ngân hàng

Các ngân hàng đang bật 'chế độ phòng thủ nợ xấu' ở mức bao nhiêu?

(VNF) - Có những ngân hàng mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở mức không quá cao nhưng lại giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức thấp, phần nào cho thấy lợi nhuận được ưu tiên hơn phòng ngừa rủi ro tín dụng.

Các ngân hàng đang bật 'chế độ phòng thủ nợ xấu' ở mức bao nhiêu?

'Chế độ phòng thủ nợ xấu' ở các ngân hàng đang ở mức bao nhiêu?

Như đã đề cập ở bài viết Nợ xấu bớt xấu ở nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ở VAMC) tại ngày 30/6/2019 ở một số ngân hàng giữ ở mức khá thấp, dưới 2%, thậm chí dưới 1% như trường hợp của ACB và BacABank. Tuy nhiên, con số này ở nhiều ngân hàng khác vẫn cao trên 2%, thậm chí trên 3%. Cá biệt có trường hợp của Sacombank là trên 10%.

Tỷ lệ nợ xấu cao là một chỉ báo kém tích cực, tuy nhiên, nếu ngân hàng vẫn dự phòng đủ cho lượng nợ xấu cao đó thì tình hình tài chính của ngân hàng không quá đáng ngại. Ngược lại, nếu tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng lượng dự phòng cũng thấp thì rủi ro từ nợ xấu vẫn hiện hữu.

Mức độ dự phòng nợ xấu của ngân hàng thường được đo bằng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng dự phòng cho vay/nợ xấu). Tỷ lệ này phản ánh mức độ phòng thủ trước rủi ro từ nợ xấu tại các ngân hàng.

Thống kê của VietnamFinance đối với 21 ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay trên 50.000 tỷ đồng cho thấy, tại ngày 30/6/2019, Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất với 177%. Theo sau đó là ACB với 152% và BacABank với 101%.

Điều này hàm ý rằng nguồn lực mà các ngân hàng "để dành" ra để xử lý nợ xấu đã vượt cả lượng nợ xấu hiện tại, cho thấy rủi ro từ nợ xấu là rất thấp.

Xếp thứ tư là MB với 98%. Trường hợp của ngân hàng này khá đặc biệt. Xét về mặt con số, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MB vẫn ở mức rất cao nhưng so với hồi đầu năm đã giảm đáng kể (đầu năm, tỷ lệ này ở MB đạt 112%, xếp thứ 3 trong hệ thống ngân hàng).

Điều này không hẳn phản ánh MB dùng ít nguồn lực hơn để xử lý nợ xấu mà vì tỷ lệ bao phủ nợ xấu không phải thước đo hoàn hảo, bởi dự phòng cho vay tính đến cả nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý), trong khi nợ xấu thì chỉ bao gồm nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ cho khả năng mất vốn).

6 tháng đầu năm 2019, nợ nhóm 2 của MB đã giảm đáng kể, kéo theo dự phòng cho nhóm này cũng giảm khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Trong khi đó, nợ xấu (gồm nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5) vẫn được bao phủ ở mức rất cao.

Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có thể kể đến như Agribank (86%), TPBank (78%), Techcombank (77%), LienVietPostBank (74%).

Đáng chú ý, đây cũng đồng thời là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, dưới 2%, cho thấy mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhưng ngân hàng vẫn rất chú trọng phòng ngừa rủi ro từ nợ xấu.

Một vài ngân hàng vẫn giữ được tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 50% gồm HDBank (72%), VietinBank (70%) và BIDV (68%).

NamABank ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ 50%, giảm rất mạnh so với mức 98% hồi đầu năm, mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm, từ 1,64% lên 2,61%. Điều này hàm ý ngân hàng này đã quyết định hy sinh dự phòng rủi ro để duy trì/gia tăng lợi nhuận. 

Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 50% đa phần là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn mặt bằng chung, như ABBank (46%), VPBank (45%), SeABank (44%), MSB (42%), Eximbank (38%), SHB (34%), Sacombank (16%).

Nhìn chung, không ngân hàng nào muốn có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp trong khi tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao. Tuy nhiên, nếu nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên thì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với trường hợp của VIB (tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 42%) và OCB (37%), hai ngân hàng này mặc dù có tỷ lệ nợ xấu không quá cao, lần lượt 2,27% và 2,55%, nhưng lại giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức thấp phần nào cho thấy lợi nhuận được ưu tiên hơn phòng ngừa rủi ro.

Tin mới lên