Gói trừng phạt thứ 8 của EU: Cấm giấy vệ sinh, áp trần giá dầu Nga
Minh Ý -
29/09/2022 08:03 (GMT+7)
(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu áp đặt trần giá đối với dầu của Nga và hạn chế hơn nữa các liên kết thương mại với Moscow bằng một gói trừng phạt mới được Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố hôm 28/9 (giờ địa phương).
Ngày 28/9, EC đã chính thức đưa ra các đề xuất về gói trừng phạt thứ 8 đối với Moscow, nhằm lên án các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại 4 khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine và sắc lệnh điều động một phần quân đội do Tổng thống Nga Vladimir Putin ký vào tuần trước.
"Nga đã leo thang chiến sự Ukraine lên một cấp độ mới", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong buổi họp báo chiều 28/9.
Theo bà von der Leyen, vòng trừng phạt được đề xuất sẽ đưa ra các lệnh cấm nhập khẩu mới để ngăn một số sản phẩm của Nga tiếp cận thị trường EU, tước đi 7 tỷ EUR doanh thu của Điện Kremlin.
Xuất khẩu hàng hóa do EU sản xuất, đặc biệt là công nghệ quan trọng được sử dụng trong quân đội Nga như hàng không, linh kiện điện tử và hóa chất, cũng sẽ bị cấm.
"Các lệnh cấm xuất khẩu mới này sẽ làm suy yếu thêm nền tảng kinh tế của Nga và sẽ làm suy yếu năng lực hiện đại hóa của nước này", Chủ tịch EC nói, song chưa đưa ra các lệnh cấm cụ thể.
Theo hãng tin RT của Nga, EU được cho là đã đề xuất cấm nhập khẩu các sản phẩm “làm đẹp hoặc trang điểm” do Nga sản xuất, từ dụng cụ cạo râu, “chất khử mùi cá nhân”, chỉ nha khoa, xà phòng và giấy vệ sinh...
Đáng chú ý, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh một trong những nhà sản xuất giấy vệ sinh tiên phong của Đức, Hakle, đệ đơn phá sản với lý do giá năng lượng và nguyên liệu nguồn tăng vọt.
Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ cấm công dân EU trở thành thành viên ban điều hành các công ty nhà nước của Nga, với lý do "Nga không nên hưởng lợi từ kiến thức và chuyên môn của châu Âu".
Theo bà von der Leyen, các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU giúp khối này có "cơ sở pháp lý" để thực hiện giới hạn giá dầu của Nga mà các nước G7 đã nhất trí hồi đầu tháng.
Vì G7 đã loại bỏ dần dầu của Nga, giới hạn giá được cho là sẽ áp dụng đối với các sản phẩm thô và tinh chế được bán cho các thị trường quốc tế khác. Tuy nhiên, mức giá trần vẫn chưa được xác định.
“Mức giới hạn dầu này sẽ giúp giảm doanh thu của Nga và giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định”, Bà Von der Leyen cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu quốc gia ngoài G7 sẽ sẵn sàng tham gia vào kế hoạch này, trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng cường mua dầu của Moscow với mức giá chiết khấu cao.
Ngoài ra, theo dự thảo gói trừng phạt thứ 8, chính quyền Nga tại 4 khu vực bị chiếm đóng một phần của Ukraine, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, và các quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga cũng sẽ bị đưa vào danh sách đen.
Cùng ngày, EC cũng có tài liệu gửi tới các quốc gia thành viên, phân tích các lựa chọn khác nhau mà EU có thể xem xét để kiềm chế giá khí đốt cao, sau khi 15/27 nước thành viên của khối trong tuần này thúc giục EU đề xuất giới hạn giá khí đốt.
Theo đó, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo các nước EU rằng mức trần giá khí đốt có thể gây ra rủi ro cho an ninh năng lượng. Trong đó, mức trần giá bán buôn cho các giao dịch, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nguồn cung cấp đường ống, có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu giữa các nước EU.
Giới hạn giá khí bán buôn cũng sẽ gây ra "rủi ro gián đoạn nguồn cung" từ các nhà cung cấp nước ngoài lớn hơn so với giới hạn chỉ đối với việc giao hàng theo đường ống, Reuters tiết lộ chi tiết bản tài liệu.
EU cũng sẽ cần "nguồn lực tài chính đáng kể" để đảm bảo các nước có thể tiếp tục thu hút nguồn cung khí đốt từ các thị trường toàn cầu cạnh tranh, nơi những người mua khác có thể sẵn sàng trả giá cao hơn mức giới hạn của EU, Ủy ban cho biết.
Theo phân tích, EC có thể đưa ra các biện pháp như giới hạn giá nhập khẩu khí đốt của Nga hoặc giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện như một cách để chế ngự giá điện cao, nhưng cũng khuyến nghị EU đàm phán với các nhà cung cấp "đáng tin cậy" để giảm giá và cho biết việc mua khí đốt chung cũng có thể giúp các nước chia sẻ công bằng nguồn cung cấp
Đề xuất của EC sẽ được các quốc gia thành viên thảo luận và đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia trước khi được công bố có hiệu lực.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone