Gọi vốn và đầu tư đúng luật trong nền kinh tế số

Thảo Lê - 01/05/2023 19:47 (GMT+7)

(VNF) - Ngày càng có nhiều startup tham gia vào nền kinh tế số với các hình thức gọi vốn kiểu mới, thu hút dòng tiền từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có không ít nhà đầu tư cá nhân. Các hình thức đầu tư mới trong nền kinh tế số đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và sự trải nghiệm khác hẳn với các hình thức đầu tư đã và đang có.

VNF

Luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành Hãng luật Investpush Legal, có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh với nhiều loại dự án đầu tư từ truyền thống đến hiện đại như thương mại điện tử, fintech, blockchain… Ông chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính những góc nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc gọi vốn và đầu tư tài chính trong thời đại số.

Startup và gọi vốn cộng đồng

Tháng 2/2023, VinaCapital đã công bố đầu tư một triệu USD vào doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) nông nghiệp Việt Nam là Koina. Startup này nhận được khoản vốn đầu tư sau khi đã liên kết với hơn 80 hộ nông dân trên cả nước, kết nối hơn 1.000 tiểu thương tại TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, giúp tiêu thụ hơn 1.000 tấn nông sản.

Bên cạnh đó, BuyMed - startup đầu tư sàn thương mại điện tử phân phối dược phẩm Thuocsi.vn có trụ sở tại TP. HCM - đã gọi vốn thành công 33,5 triệu USD, trong đó, khoản đầu tư của UOB Venture Management là 28 triệu USD, theo DealStreetAsia. Hai nhà đầu tư còn lại là Smilegate Investment (2,5 triệu USD) và Cocoon Capital (3 triệu USD). Trước đó, BuyMed đã nhận được hơn chục triệu USD từ vòng gọi vốn trước.

Startup Việt là công ty Gimo cũng vừa huy động được tổng cộng 4,6 triệu USD, được dẫn dắt bởi công ty đầu tư mạo hiểm TNB Aura. Trước đó, Gimo cũng nhận được khoản vốn đầu tư gần 2 triệu USD do quỹ Integra Partners của Singapore dẫn dắt. Gimo là một nền tảng ứng lương tức thì cho người lao động Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2022, Việt Nam xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, tăng 5 bậc so với năm 2021. Cả nước hiện có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. Một báo cáo của KPMG và HSBC, tính đến giữa năm 2022, số lượng startup tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với thời kì đầu dịch Covid-19. Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng khởi nghiệp của Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các startup Việt đạt con số kỷ lục là hơn 1,4 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, năm 2023 sẽ chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Thay vì chỉ tập trung đổ tiền cho các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh thì nay các quỹ đầu tư sẽ dồn sự chú ý cho các dự án có khả năng tăng trưởng bền vững.

Việc lãi suất ngân hàng tăng, lạm phát tăng, cộng với tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động mạnh tới các nguồn vốn dành cho startup. Dự đoán trong năm 2023, nguồn tiền từ các quỹ đầu tư đổ vào startup Việt trong năm 2023 sẽ chậm lại. Bởi startup luôn gắn liền với kinh tế vĩ mô nên khi kinh tế đang suy thoái thì nguồn vốn chắc chắn sẽ phải giảm. Lúc này các startup có hiệu quả hoạt động bền vững sẽ được chú ý hơn.

Để có vốn khởi nghiệp trong nền kinh tế số, bên cạnh các nguồn cung quen thuộc như vốn tự thân tích lũy, vốn từ gia đình, người thân, bạn bè, vốn tài trợ trên các cuộc thi, gameshow…, các startup hiện nay thường tìm kiếm từ 4 nguồn chính là: Gọi vốn đầu tư qua các kênh cộng đồng; gọi vốn từ ngân hàng; gọi vốn đầu tư từ các quỹ phát triển doanh nghiệp; gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Gọi vốn cộng đồng là cách dùng nền tảng kỹ thuật trực tuyến để thực hiện việc kêu gọi và tích lũy vốn cho các dự án, chủ yếu là những dự án khởi nghiệp của cá nhân, hay dự án mới của doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Trên thế giới, hình thức gây quỹ cộng đồng bắt đầu hình thành từ năm 1997 tại Anh và xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 2000 với việc thành lập công ty gọi vốn cộng đồng ArtistShare. Năm 2006, nền tảng công nghệ gọi vốn cộng đồng được hoàn thiện với sự ra đời của nhiều website góp vốn nổi tiếng như Sellaband (2006), Indiegogo (2008), Pledge Music (2009), Kickstarter (2009), RocketHub (2009), InvestedIn (2010), GoFundMe (2010), Rock The Post (2011).

Gọi vốn cộng đồng ngày càng chứng tỏ sức hút của mình với các nhà đầu tư và đem về nhiều quyền lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu. Năm 2012 có 536 website hoạt động về gây quỹ cộng đồng, hỗ trợ huy động 2,7 tỷ USD. Theo báo cáo của Massolution, vốn huy động toàn cầu từ hình thức gọi vốn cộng đồng đã tăng 167% trong năm 2014, đạt 16,2 tỷ USD và tăng lên 34,4 tỷ USD trong năm 2015. Bắc Mỹ là khu vực có quy mô huy động vốn từ gọi vốn cộng đồng cao nhất (17,25 tỷ USD trong năm 2015), tiếp theo là châu Á (10,54 tỷ USD). Tốc độ huy động vốn tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á (210% trong năm 2015), theo sau là châu Phi (101%), châu Âu (98,6%) và Bắc Mỹ (82%). Số liệu trên cho thấy sự phát triển nhanh và vai trò ngày càng tăng của mô hình gọi vốn cộng đồng.

Giá trị thị trường gọi vốn toàn cầu được dự đoán sẽ đạt đến 114 tỷ USD trong năm nay. Tại khu vực Đông Nam Á, trung bình mỗi chiến dịch gọi vốn cộng đồng gọi được 122.000 USD, theo thống kê của Fintech Strategist.

Tại Việt Nam, mô hình gọi vốn cộng đồng chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2012. Hiện nay, trên thị trường đã có một số website kêu gọi vốn cộng đồng cho nhiều lĩnh vực về khởi nghiệp như nông nghiệp, phần mềm, giải trí, trò chơi điện tử, từ thiện… Trong khối ASEAN, Malaysia là quốc gia đầu tiên chính thức ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng vào năm 2015 khi thông qua sửa đổi và bổ sung Luật Thị trường vốn và dịch vụ.

Việt Nam chưa có quy định pháp lý chính thức và hệ thống về gọi vốn cộng đồng, chưa có quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên tham gia. Những quy định hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động gọi vốn cộng đồng nhằm tạo điều kiện phát huy những mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực.

Việt Nam vẫn trong giai đoạn khởi đầu của gọi vốn cộng đồng. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, việc gọi vốn cộng đồng từ các nền tảng số lại có những biến thể khác thế giới. Có thể chia thành 4 hình thức phổ biến. Một là gọi vốn từ nhà đầu tư trên các nền tảng quy tụ nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư, các công ty và tập đoàn có nhu cầu tìm kiếm các công ty thích hợp để rót vốn. Hai là gọi vốn cộng đồng từ nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không chuyên. Các công ty gọi vốn cộng đồng trên nền tảng sẽ phải chạy chiến dịch của họ trong một số ngày nhất định để lấy được số tiền mục tiêu, ngược lại, họ phải chia cổ phần cho những nhà đầu tư cộng đồng. Ba là vay vốn từ sàn cho vay ngang hàng (P2P) và phải trả lãi người cho vay trong thời gian nhất định. Bốn là huy động vốn dựa trên đóng góp mà người góp vốn không đòi lợi nhuận.

Luật sư Đào Tiến Phong

Gọi vốn và đầu tư đúng luật

Công nghệ số bùng nổ là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Trong luồng vận hành đó, các nền tảng công nghệ về tài chính, ngân hàng, dịch vụ đời sống, tiện ích xã hội… cũng đều được số hóa. Theo đó, một trong các điều đáng chú ý ở cả nhu cầu gọi vốn lẫn nhu cầu mang tiền đi đầu tư là cần có các hình thức giao dịch tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả cao hơn, mang tính chất toàn cầu, không bị giới hạn bởi không gian, bởi thời gian hay bởi vị trí địa lý để thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo từng giây, từng phút mà bị quy luật ngày làm việc, ngày nghỉ lễ… làm gián đoạn.

Chính vì điều này, các giao dịch đều có nhu cầu thực hiện trên nền công nghệ trực tuyến hiện đại, ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Vậy nên khi các startup phát triển trên nền tảng mới thì họ cũng đồng thời hướng đến cách gọi vốn trên nền tảng mới, cùng với đó, lựa chọn cách gọi vốn trên cộng đồng không phải chứng minh quá nhiều thủ tục pháp lý, giấy tờ mà còn hiệu quả… Đây là ưu điểm mà cũng chính là nhược điểm của hình thức này.

Luật sư Đào Tiến Phong khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay, các quy định trong luật chưa đề cập chi tiết đến hình thức gọi vốn cộng đồng. Nói cách khác, Việt nam không công nhận, nhưng không phủ nhận, và cũng không có văn bản nào cấm đoán việc gọi vốn cộng đồng.

Trong lúc thế giới bùng nổ hình thức gọi vốn cộng đồng, hình thức này cũng được cộng đồng nhiều quốc gia công nhận thì tại Việt Nam, nhiều nhóm, cá nhân đã tham gia gọi vốn trên nền tảng mới, đồng thời nhiều nhà đầu tư đã góp vốn và kiếm lãi “khủng” hoặc lỗ “sạch túi”, nhưng tất cả đều mang tính chất tự phát, tự làm, tự chịu. Các thông tư, nghị định vẫn chưa có quy định, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho cả 2 phía gọi vốn cũng như đầu tư.

Đa số nhà đầu tư mất tài sản (tiền/USD/token) bởi các hình thức đầu tư không đi kiện vì không có bằng chứng. Tuy nhiên, luật sư Phong nhấn mạnh: “Mọi người đều có thể kiện nếu chứng minh được mình bị lừa đảo”. Ông cho biết nhà đầu tư bị thiệt hại có thể nộp đơn tố giác tội phạm cơ quan điều tra khi tìm được dấu hiệu lừa đảo, tức các startup huy động vốn mà không triển khai dự án, ôm tiền đi mất.

Nhìn từ góc độ quyền lợi của nhà đầu tư, luật sư Phong chỉ rõ, các startup gọi vốn cho các dự án thì việc góp vốn đó là cho dự án, không phải là công ty, đa phần sẽ được xem xét góc độ luật dân sự, đôi bên có quy định quyền lợi và nghĩa vụ khi hợp tác kinh doanh (ghi nhận bằng NFT, token, quyền mua, quyền bán…). Khi góp vốn vào dự án, nếu thực hiện đúng mọi cam kết mà dự án không thành công thì cả startup và nhà đầu tư đều phải chấp nhận rủi ro, lời ăn lỗ chịu. Nhưng nếu startup cố tình lợi dụng bằng chiêu lập dự án ma để lừa đảo thì vi phạm “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”. Lúc này có thể chuyển thành câu chuyện hình sự và cơ quan nhà nước có thể xử lý.

Cho đến thời điểm hiện nay, việc gọi vốn hoặc đầu tư qua các hình thức công nghệ mới như gọi vốn cộng đồng, mua bán crypto vẫn đang là “vùng xám”, tức startup gọi vốn “khủng” vẫn không bị kiểm soát luồng tài chính, nhà đầu tư lãi “khủng” vẫn chưa phải chịu thuế, bị lừa mất tiền không biết kiện ai. Nhưng từ thực tiễn đang xảy ra, luật sư Phong cho hay, có một số nhà đầu tư am hiểu luật đã gửi đơn tố cáo để cơ quan cảnh sát điều tra xem xét. Dự kiến các quy định về gọi vốn, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư sẽ được hoàn chỉnh trong tương lai gần. Thực tiễn đi trước, luật phát sẽ hoàn chỉnh ngay phía sau.

Cùng chuyên mục
Tin khác