GS Hà Tôn Vinh: ‘Quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai đi về đâu, phải dựa vào 3 yếu tố’

Lệ Chi - 09/07/2020 07:55 (GMT+7)

(VNF) - GS Hà Tôn Vinh cho rằng để nhìn nhận tương lai của quan hệ Việt – Mỹ, phải căn cứ vào các yếu tố: hợp tác kinh tế, hợp tác an ninh và hợp tác đào tạo.

VNF
GS Hà Tôn Vinh: ‘Quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai đi về đâu, phải nhìn vào 3 yếu tố’. Ảnh: Xuân Hải

2020 là cột mốc đánh dấu 45 năm thống nhất đất nước, cũng là năm quan hệ Việt - Mỹ bước sang tuổi 25 (11/7/1995 - 11/7/2020).

Tiếp loạt bài về quan hệ Việt - Mỹ, VietnamFinance xin giới thiệu cuộc trao đổi với GS Hà Tôn Vinh về những dấu mốc quan trọng trong chặng đường quan hệ Việt - Mỹ và nhận định về mối quan hệ này trong tương lai.

GS Hà Tôn Vinh (người Mỹ gốc Việt) có 50 năm sinh sống tại Mỹ và đã chu du hơn 93 quốc gia. GS Vinh từng được Nhà Trắng bổ nhiệm làm chuyên gia, phục vụ 4 năm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan. Đồng thời ông cũng được Tổng thống Donald Trump vinh danh vì có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng và xã hội Hoa Kỳ.

Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động giáo dục - đào tạo, từng làm việc tại nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Tây Phi trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, ông cũng có kinh nghiệm nhiều năm làm chuyên gia tư vấn tài chính, cơ sở hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); cố vấn vùng châu Á cho Quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng (PPIAF) do 12 tổ chức quốc tế và đa phương tài trợ.

Tại Việt Nam, ông Vinh làm cố vấn tài chính và quản lý cho nhiều công ty đa quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế trong các dự án của chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp, báo cáo khung quốc gia về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của WB.

Hiện tại ông đang làm cố vấn cho các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực trò chơi có thưởng và tham gia giảng dạy các khóa học đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

- 25 năm không phải là quãng thời gian dài đối với lịch sử, nhưng những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự rất ấn tượng. Ông có bình luận gì về những bước tiến trong quan hệ Việt - Mỹ suốt 25 năm qua?

GS Hà Tôn Vinh: Việt Nam và Mỹ đã bước ra từ một cuộc chiến. Dư âm của cuộc chiến đó, đáng tiếc, kéo dài tới 20 năm, trước khi hai bên đạt được một thỏa thuận lịch sử về việc bình thường hóa quan hệ.

20 năm sau chiến tranh là quãng thời gian đủ dài để cả hai nhận ra thù hận và nghi kị không phải là chìa khóa cho hòa bình và thịnh vượng. Về phía Mỹ, đại cường này đã nhận thấy Việt Nam là đối tác rất quan trọng của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông.

Còn về phía Việt Nam, chúng ta cũng nhận ra rằng để phát triển kinh tế, đảm bảo chủ quyền, cải thiện vị thế trên trường quốc tế… không thể không hợp tác với Mỹ.

Việc hai bên xích lại gần nhau và phát triển mối quan hệ lên các tầng nấc cao hơn có thể nói vừa là tất yếu cũng vừa là một thành tựu đáng tự hào của nền ngoại giao nước nhà.

Tôi rất tâm đắc câu nói của cựu Thủ tướng Anh, Lord Palmerston: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh cửu, chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi của chúng ta là vĩnh cửu và vĩnh viễn. Và trách nhiệm của chúng ta là phải theo đuổi những quyền lợi đó.”

- Quay trở lại với những năm tháng đầu tiên sau ngày bình thường hóa quan hệ hai nước, ông có thể chia sẻ đôi điều về sự khác biệt của kinh tế Việt Nam kể từ khi “có Mỹ”?

Sau khi Mỹ mở đại sứ quán tại Hà Nội vào tháng 8/1995, các công ty Mỹ bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Khi ấy, tôi cũng được một số doanh nghiệp Mỹ mời làm cố vấn để làm cầu nối.

Những năm đó, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu phát triển, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn hết sức lạc hậu. Tôi nhớ mãi hình ảnh khi đi thăm những tòa nhà tập thể/chung cư ở Hà Nội, dây điện chằng chịt trên các cây cột, hàng chục ống nước cắm chung xuống một cái giếng.

Sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, thương mại hai nước có bước phát triển rất nhanh. Nếu như năm 1995, thương mại hai nước mới đạt 450 triệu USD thì đến năm 2005 đã là 7 tỷ USD rồi 18 tỷ USD (2010), 42 tỷ USD (2015) và 75,6 tỷ USD (2019).

Năm 2000, chúng ta chính thức ký với Mỹ hiệp định Thương mại song phương (BTA). Kế đó, năm 2006, Mỹ ủng hộ Việt Nam vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Cũng trong năm này, Tổng thống George W. Bush thăm chính thức Việt Nam và thông qua luật dành quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam. Đây là sự kiện rất quan trọng để 7 năm sau đó (2013), Việt Nam trở thành đối tác toàn diện của Mỹ.

Có thể thấy kinh tế Việt Nam từ khi “có Mỹ” đã thực sự bứt tốc, phát triển mạnh mẽ, vươn lên như một con hổ kinh tế của châu Á.

Sau 25 năm, chúng ta có thể nhận định rằng việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ chính là cú hích lớn nhất về kinh tế của Việt Nam.

- 25 năm qua, Việt Nam đã tận dụng rất tốt quan hệ với Mỹ để đảm bảo chủ quyền, hòa bình và thịnh vượng, vậy trong tương lai, chúng ta cần chú trọng thêm vấn đề gì?

Việt Nam có những vấn đề rất lớn, gồm vấn đề nội địa và vấn đề bên ngoài. Vấn đề bên ngoài quan trọng nhất là Biển Đông, nếu không ổn định Biển Đông thì người dân sẽ nhìn chính phủ với con mắt khác.

Vấn đề nội địa đáng trọng nhất vẫn là kinh tế. Mấy chục năm qua, Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ nhưng không phải chỉ riêng chúng ta trỗi dậy mà còn nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thậm chí là Lào, Campuchia… So về quy mô cũng như trình độ phát triển, Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực chứ đừng nói tới các quốc gia phát triển.

Chúng ta hay nói “đi tắt đón đầu”, nhưng muốn đi tắt được phải có 3 thứ là sức mạnh tài chính, người tài giỏi và công nghệ tiến tiến, nhưng cả ba thứ này Việt Nam vẫn còn rất yếu.

- Là người quan sát thời cuộc, ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai?

25 hay 30 năm tiếp theo, quan hệ Việt - Mỹ sẽ đi về đâu, phải nhìn vào 3 yếu tố:

Thứ nhất là quan hệ kinh tế. Việt – Mỹ đã là đối tác toàn diện của nhau, nhưng chữ đối tác cũng chỉ là “trên giấy tờ”, do đó để thực chất hơn, Việt Nam cần phải xây dựng quan hệ kinh tế sâu sắc hơn nữa với Mỹ.

Thứ hai là quan hệ an ninh. Việt Nam phải chú trọng quan hệ hợp tác về an ninh với Mỹ. Biển Đông muốn yên ổn phải có sự hiện diện của hải quân Mỹ.

Thứ ba là quan hệ đào tạo. Sự mở rộng quan hệ đào tạo giữa Việt Nam và Mỹ là rất cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam cũng như củng cố hơn nữa quan hệ hai nước. Việt Nam phải cho người sang Mỹ học tập nhiều hơn, song song với đó là xây dựng cộng đồng kiều bào lớn mạnh hơn nữa.

Doanh nghiệp Việt đầu tư tại Mỹ: Không dễ

- Trở về Việt Nam gần 25 năm, ông đã tham gia rất nhiều lĩnh vực, từ cố vấn tài chính cho nhiều tập đoàn đến tham gia vào giáo dục đào tạo. Điều gì đã thôi thúc ông trở về và lựa chọn hướng đi này?

Tôi về thăm Việt Nam vào tháng 11/1995, tức 4 tháng sau khi Việt - Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Ngày đầu tiên hạ cánh xuống Nội Bài, tôi không tưởng tượng được sân bay của Thủ đô mà chỉ có một nhà ga nhỏ xíu. Tôi không tin một đất nước hào hùng mà lại nghèo như vậy.

Nhưng mấy ngày ở Hà Nội, tôi cảm thấy yêu thành phố, mùa thu Hà Nội đẹp quá, các món ăn cũng rất ngon và con người tuyệt vời nữa. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến cách làm sao mình về được Việt Nam để đóng góp cho đất nước.

Hai năm sau đó, tôi trở lại Việt Nam và quyết định gắn bó với Hà Nội. Tôi chọn ngành không đụng chạm ai là giáo dục, tư vấn tài chính cho các tập đoàn lớn tại Việt Nam.

Mong muốn của tôi là chia sẻ những kiến thức tích lũy được trong nhiều năm về quản trị doanh nghiệp, những bài học kinh doanh quốc tế để giúp doanh nghiệp Việt chuyên nghiệp hơn, tự tin hơn khi vươn ra biển lớn.

Hơn nữa, tôi cũng muốn kể lại những thành công, thất bại trong kinh doanh của chính mình và những điều học được tại các giảng đường quốc tế, vì chỉ cần học được những kinh nghiệm thất bại của người đi trước là có thể đã thành công 50% rồi.

Tôi đã có một thời trai trẻ khá oanh liệt. Vào những năm 80, tôi khởi nghiệp bằng việc mua bán máy tính và chỉ vài năm sau được liệt vào hàng triệu phú ở Mỹ.

Nhưng sau đó, tôi khánh kiệt khi lao vào đầu tư bất động sản, thủy hải sản ở châu Phi… Tôi đã khởi nghiệp lại khi trong người còn đúng 2 USD. Đó là một bài học đắt giá với tôi!

- Hơn 50 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ, ông nhận thấy lĩnh vực nào được doanh nghiệp Việt quan tâm đầu tư nhất tại đây?

Doanh nghiệp Việt Nam chiếm một thị phần rất nhỏ trong môi trường kinh doanh tại Mỹ, chỉ có một số vùng như quận Cam - nơi có cộng đồng người Việt sinh sống lớn nhất tại Mỹ hoạt động chủ yếu về lĩnh vực làm nail, cửa hàng ăn…

- Vậy thông tin về người Việt từng chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ thì sao, thưa ông?

Việc người Việt đã bỏ ra 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ là có, tuy nhiên con số này là bình thường.

Xu hướng người Việt muốn mua nhà tại Mỹ là phổ biến, bởi vì nếu người mua không có nhu cầu ở tại Mỹ thì có thể cho thuê lại với lợi nhuận cao hơn so với đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Việc mua nhà cũng không chỉ là một hình thức đầu tư mà còn là sự chuẩn bị để con cái du học và định cư sau này.

- Theo ông, doanh nghiệp Việt đầu tư tại Mỹ cần lưu ý điều gì và ngược lại một doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam họ cân nhắc gì?

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Mỹ cần phải hiểu về nước Mỹ. Ngoài ra, muốn tồn tại ở Mỹ phải có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, chọn được địa điểm, vùng miền thích hợp …

Đặc biệt, các nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên môn khi làm ăn với Mỹ. Doanh nghiệp nên tìm một công ty tư vấn để giúp những gì mình cần, để làm đúng ngay từ đầu, tránh gặp rủi ro về sau.

Ngược lại, Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ cân nhắc vấn đề như chính trị, pháp lý, thủ tục, đất đai, nhân công…

- Trải qua đủ những thăng trầm trong cuộc đời, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt?

Có 2 câu thơ của Nguyễn Công Trứ mà tôi luôn tự nhắc mình: “Còn trời, còn đất, còn non nước/Có lẽ ta đâu mãi thế này”.

Thứ nhất, người làm kinh doanh đừng bao giờ mất lòng tin ở chính mình.

Thứ hai, không ngừng đi xa, vươn xa để học hỏi.

Thứ ba, khi làm ăn kinh doanh sẽ có thất bại và khó khăn, song phải coi đó chỉ là thử thách.

Thứ tư, khi gặp khó hãy nhìn vào các lực sĩ hay những vận động viên, trước khi nhảy họ đều lùi bước lấy đà. Khi mình lùi, đó không phải là thất bại mà là cơ hội để chuẩn bị cho cuộc tiến sắp tới xa hơn và cao hơn…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác