Những chặng đường Việt-Mỹ bình thường hóa: Đổi hồ sơ người Mỹ lấy việc dỡ một phần cấm vận

Ái Châu Tử - 07/07/2020 14:43 (GMT+7)

(VNF) – Khi tập hồ sơ về người Mỹ tại Việt Nam được chuyển đi, Tổng thống George H. W. Bush lập tức đồng ý giải tỏa một phần cấm vận cho Việt Nam.

VNF
Việt Nam kí bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ cho phía Mỹ

Để đi được đến ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 11/7/1995, hai phía Việt Nam và Mỹ đã phải trải qua rất nhiều bước đi thăm dò, nhượng bộ lẫn nhau. Có rất nhiều câu chuyện đã diễn ra trong thầm lặng nhưng đóng vai trò rất quan trọng để đạt đến kết quả cuối cùng. Những nỗ lực ngoại giao của ông Bùi Kiến Thành là một câu chuyện thầm lặng như vậy.

Trong cuốn “Bùi Kiến Thành: Người mở khóa lãng du”, tác giả Lê Xuân Khoa đã ghi chép lại những hồi ức của ông Bùi Kiến Thành về những hoạt động của ông nhằm kết nối chính phủ Việt Nam và Mỹ. VietnamFinance xin trích đăng một số câu chuyện:

Viện trợ đầu tiên của Mỹ và chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam

Những năm 1989, 1990, việc đặt quan hệ với Mỹ trở nên cấp thiết hơn đối với Việt Nam, khi Liên Xô sắp sửa tan rã. Ông Bùi Kiến Thành - với tư cách là một người được chính phủ Việt Nam tiếp cận, đặt vấn đề nói chuyện với chính phủ Mỹ về quan hệ mà Việt Nam mong muốn - đã tích cực xúc tiến việc liên hệ với chính phủ Mỹ.

Ông Thành nói: “Mỹ chấp nhận ngồi đàm phán với Việt Nam khi Việt Nam giải quyết xong vấn đề Campuchia. Mời Hun Sen ngồi vào bàn họp hòa bình thì Mỹ không làm được, phải nhờ Việt Nam”.

Ngày 1/5/1989, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Ngày 21/3/1991, sau khi trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Kiến Thành gửi một bức fax cho Frank Ligh, trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, để thông báo về các động thái của Việt Nam và đánh tiếng về một cuộc làm việc của ông tại Washington.

Tháng 4/1991, lần đầu tiên Mỹ đưa ra một kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Việt Nam mang tên “Roadmap”, gồm bốn giai đoạn.

Việt Nam trả lời: “Chưa bác bỏ nhưng cũng chưa chấp thuận”.

Cũng trong năm 1991, lần đầu tiên Thứ trưởng Tài chính Mỹ, Sullivan, trình ra nghị viện một nghị quyết viện trợ nhân đạo cho Việt Nam 1 triệu USD, đồng thời đặt ra vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam.

Ông Bùi Kiến Thành nói với những người trong chính phủ Việt Nam rằng đây là cơ hội để tiến sâu hơn trên bước đường bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Một thời gian sau, ông Thành về nước, sau 26 năm bôn ba xứ người. Trong thời gian ở Việt Nam, ông Thành đã gặp Thủ tướng bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt. Một lần nói chuyện, ông Kiệt nói Việt Nam đang gặp khó khăn vì một công ty của Mỹ là Crestone kí hợp đồng với chính phủ Trung Quốc để khai thác lô dầu khí 134 trên hải phận Biển Đông. 

Ông Bùi Kiến Thành nói Việt Nam không dùng quân lực được thì phải dùng luật pháp và gợi ý rằng tại sao Việt Nam không thuê một công ty luật của Mỹ nghiên cứu cơ sở pháp lý cho mình.

Từ gợi ý này, ông Kiệt giao Phó vụ trưởng Vụ Mỹ châu Nguyễn Xuân Phong viết một tập tài liệu về lập trường của chính phủ Việt Nam đối với vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích, mang sang gặp Bộ Ngoại giao Mỹ. Tập tài liệu thể hiện rằng Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho chính phủ Mỹ tìm người Mỹ mất tích trên tinh thần nhân đạo, không phải chính trị, cũng không phải là sự nhượng bộ. Phía Mỹ đã hoan nghênh động thái này của Việt Nam.

Từ đây, chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam được khởi động.

Một thời gian sau đó, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, ông Bùi Kiến Thành đã tới phái bộ tìm người Mỹ mất tích để giúp đỡ họ.

Trưởng đoàn phái bộ là đại tá Donovan, ngoài ra còn có đại tá Robert De State, người của Trung ương tình cục Bộ Quốc phòng Mỹ, rất thạo tiếng Việt. Trong một cuộc họp, ông Robert De State nói: “Chúng tôi biết trong Bảo tàng quân đội Việt Nam có hàng nghìn tài liệu ghi chép về những người Mỹ bị bắt và máy bay bị rơi. Nếu có tài liệu này, chúng tôi sẽ biết tọa độ chỗ nào, máy bay rơi ở đâu. Có tài liệu thì sẽ tìm được người mất xung quanh chỗ đó. Nhưng chúng tôi không được truy cập, các anh có cách nào không?”

Phải rất cân nhắc, Bộ Quốc phòng mới có cách xử lý là Bộ thuê một phóng viên Mỹ viết lịch sử chiến tranh và quân đội Việt Nam qua các thời kỳ. Người phóng viên này nhận nhiệm vụ của Quân đội Việt Nam nên trở thành người của chính phủ Việt Nam, có thể truy xuất các tài liệu cần thiết.

Trung tâm tìm kiếm người Mỹ mất tích xin phép scan hơn 4.000 tài liệu đưới sự giám sát của Việt Nam. Văn phòng trung tâm nằm ở khu Quần Ngựa bây giờ. Một hôm, Donovan mời ông Bùi Kiến Thành đến văn phòng. Khi ấy, các cơ quan bên Mỹ đang nóng ruột, cứ điện qua điện lại. Đó là thời điểm lịch sử để Mỹ xác nhận giải tỏa một phần cấm vận cho Việt Nam.

Tổng thống George H. W. Bush đang họp bên Hawaii. Ông Bùi Kiến Thành ngồi đó nghe cuộc điện đàm giữa Donovan và Tổng thống George H. W. Bush:

- Thế nào, anh có chắc chắn tất cả tài liệu đó ở trong hộp chưa?

- Chúng tôi đã có đủ.

- Anh chắc chắn không?

- Vâng, thưa ngài.

Bên này, Donovan xác nhận tài liệu đã được chuyển, bên kia lập tức tổng thống Bush đồng ý giải tỏa một phần cấm vận cho Việt Nam.

Việc giải tỏa một phần cấm vận đã mở ra cơ hội cho Việt Nam thuê một công ty luật Mỹ nghiên cứu chủ quyền của nước ta trên vùng thềm lục địa. Được biết, công ty luật được Việt Nam thuê là Covington & Burling. 

Tới giữa năm 1995, việc nghiên cứu xong, Covington & Burling đã đăng tải nghiên cứu lên International Law Gazette như là một công báo quốc tế về vấn đề luật biển, không phải luật của một nước nào nhưng thế giới nhìn nhận và không ai phản đối. Đó là bước đi rất quan trọng của Việt Nam.

Xử lý khối tài sản hai nước

Nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước, một vấn đề then chốt mà phái bộ Mỹ tại Băng Cốc (Thái Lan) đặt ra là xử lý khối tài sản của Việt Nam bị Mỹ tịch thu và tài sản của Mỹ bị Việt Nam tịch thu.

Chưa tìm được hướng đi, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Mai nhờ ông Bùi Kiến Thành thu thập thông tin xem hai bên còn giữ của nhau những gì.

Ông Bùi Kiến Thành liên hệ Bộ Ngoại giao Mỹ, được Bradshaw - người phụ trách về Việt Nam trong khu vực châu Á Thái Bình Dương - giới thiệu cho luật sư Lawrence Serra ở San Diego, Califonia (vì ở Mỹ có những vấn đề Bộ Ngoại giao không quyết mà có những văn phòng luật sư được chính phủ giao trách nhiệm xử lý).

Ông Bùi Kiến Thành đến gặp Serra. Ông này đem hết tài liệu cho xem. Thì ra sau chiến tranh, chính phủ Mỹ có đưa ra nghị viện một nghị định để tất cả người Mỹ có tài sản bị mất, bị tịch thu ở Việt Nam trước 30/4/1975 làm tờ khai. Cơ quan Foreign Assets Claims của Bộ Tài chính Mỹ được thành lập để theo dõi, triển khai, giám định tất cả tài liệu khai báo. Chính phủ Mỹ tổng hợp lại , đại diện cho những người đó thương lượng với Việt Nam.

Theo ông Bùi Kiến Thành, 90% số tài sản này nằm trong 5 – 6 công ty dầu khí lớn, ngoài ra còn có 67 triệu USD mà chính phủ Mỹ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu vay để nhập khẩu nông sản. Tính cả trượt giá thì khoản tài sản này đạt giá trị 200 triệu USD.

Phía Mỹ cũng đưa ra danh sách tài sản của Việt Nam mà họ tịch thu, ví dụ như biệt thự của đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ, vàng, USD mà ngân hàng trung ương Mỹ giữ tư thời Ngân hàng quốc gia Việt Nam gửi sang. Sau khi xem xét, định giá thì số tài sản ấy xấp xỉ 300 triệu USD.

Ông Bùi Kiến Thành tư vấn chính phủ Việt Nam nên giải quyết cho xong, phía Mỹ đề nghị thế nào thì mình cũng chấp nhận. Ngược lại, ông Bùi Kiến Thành cũng nói với phía Mỹ rằng nếu có đòi những tài sản bị tịch thu thì Việt Nam cũng không có tiền trả đâu và rằng xây dựng nền ngoại giao quan trọng hơn số tiền đó. Phía Mỹ nói rằng họ cũng không có ý đòi tiền từ Việt Nam. Số tiền đó sẽ được để lại để tài trợ phát triển văn hóa giáo dục cho Việt Nam...

Trong thời gian ở Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành đã có những cuộc gặp gỡ quan trọng, một trong số đó là với ông Lê Minh Hương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại cuộc gặp, ông Thành đề nghị chính phủ Việt Nam thả các công chức và sĩ quan chế độ Sài Gòn bị giam giữ sau chiến tranh. Hơn 1 tháng sau đó, ông Lê Minh Hương nhắn tin báo rằng lãnh đạo Việt Nam đồng ý giải quyết vấn đề này.

Quốc hội Mỹ sau đó đã bỏ phiếu chương trình Humanitarian Operation (HO) – chương trình tị nạn ở Hoa Kỳ dành cho những người làm việc cho chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 - viện trợ cho họ sang Mỹ.

Cũng trong lần về nước này, ông Thành làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền, GS Nguyễn Duy Thông -Viện trưởng Viện thông tin khoa học xã hội. Từ yêu cầu của hai ông này, ông Bùi Kiến Thành làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ, đề nghị nghị viện Mỹ và hành pháp Mỹ gửi qua giúp chính phủ Việt Nam một phái bộ chuyên viên kinh tế nghiên cứu việc chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, một phái bộ giúp Bộ Tư pháp nghiên cứu mô hình luật pháp xây dựng nhà nước pháp quyền.

Còn tiếp...

Cùng chuyên mục
Tin khác